Sáng nay, hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Đáng lưu ý, mức độ ô nhiễm của Thái Nguyên vượt xa cả Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Cả bốn điểm đo tại thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đều ở ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ mọi người). Nhiều ngày qua, các thủ phủ công nghiệp của Thái Nguyên thường xuyên ô nhiễm đến ngưỡng tím.

Các chuyên gia lý giải, hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó có các nhà máy công nghệ cũ có thể là nguyên nhân gây ra ô nhiễm trầm trọng ở khu vực này.

Tại Hà Nội lúc 7h sáng nay, ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng tím và đỏ (có hại cho sức khoẻ mọi người). Trang Air Visual tiếp tục ghi nhận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới trong sáng nay, đứng sau là Dhaka của Bangladesh và Delhi của Ấn Độ.

Tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam ô nhiễm cũng phổ biến ở ngưỡng tím và đỏ.

Diễn biến ô nhiễm ở Hà Nội những ngày tới-1
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn tiếp tục trong hai ngày 8-9/1.

Theo nhận định trên trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, trong hai ngày 8-9/1, ô nhiễm không khí tiếp tục ở miền Bắc nhưng giảm nhẹ về mức độ. Thời gian này ô nhiễm chủ yếu ở ngưỡng đỏ và cam.

Từ 10-12/1, do ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc, chất lượng không khí được cải thiện ở ngưỡng vàng (ngưỡng trung bình), phù hợp cho các hoạt động, vui chơi, tụ tập ngoài trời. Tuy nhiên, khoảng đầu tuần tới, ô nhiễm không khí có thể quay lại miền Bắc.

Ô nhiễm không khí những ngày qua ở miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 – loại bụi được coi là “tử thần” trong không khí khi gây ra và làm trầm trọng thêm hàng loạt các căn bệnh về hô hấp và tim mạch. Số liệu của WHO cho thấy, cứ trung bình 7,5 phút lại có một người Việt chết vì căn bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Các chất gây ô nhiễm khác như O3, SO2 vẫn trong ngưỡng an toàn.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thường tập trung vào mùa đông khi điều kiện thời tiết ít mưa, lặng gió khiến các chất ô nhiễm không phát tán được mà tập trung ở tầng sát mặt đất.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí. Khi ô nhiễm lên ngưỡng cam (chất lượng không khí kém), người nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên hạn chế các hoạt động vận động ngoài trời.

Khi ô nhiễm từ ngưỡng đỏ (có hại), tất cả mọi người nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, đeo khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2,5 khi ra ngoài, súc họng, rửa mắt mũi bằng nước muối sinh lý, đóng cửa sổ và cửa chính thời điểm ô nhiễm tăng cao.

Theo Tiền Phong