Tại hội nghị tổng kết ngành điện năm 2015 mới đây, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết giá bán điện bình quân toàn tập đoàn năm 2016 dự kiến là 1.651,2 đồng/KWh, tăng 21,4 đồng so với năm 2015.
Đủ lý do để điều chỉnh
EVN cho rằng việc tăng giá điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố: sản lượng điện thương phẩm tăng, cơ cấu phụ tải thay đổi (các thành phần phụ tải có mức giá cao như thương mại dịch vụ, quản lý và tiêu dùng dân cư dự kiến tăng trưởng mạnh)...
Theo các chuyên gia kinh tế, như vậy, có thể hiểu là dựa trên các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế - trong đó có tăng trưởng về thương mại, dịch vụ, quản lý - cũng như tiêu dùng cá nhân mà giá điện bình quân có thể tăng lên. Tức là sẽ có một bộ phận có thể dịch chuyển sang bậc thang sử dụng điện nhiều hơn với giá phải trả lớn hơn. Do đó, dù biểu giá điện có thể không tăng nhưng bình quân giá điện bán ra cho các đối tượng sử dụng lại tăng do cơ cấu phụ tải thay đổi.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp cũng là một yếu tố khiến giới chuyên gia lo lắng về việc có thể tăng giá điện để cân đối lại chỉ số này. Thực tế, CPI cả năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng thấp nhất trong 14 năm qua. Mức này cũng thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 5% mà Quốc hội đề ra từ đầu năm 2015.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, giá điện tăng 7,5% trong năm 2015 đã tác động đến CPI khoảng 0,19%. Do đó, nhiều khả năng giá điện sẽ được Chính phủ cân nhắc, tính toán để điều chỉnh tăng trong năm 2016. Theo ước tính, nếu giá điện tăng thêm 10% - 15% thì CPI chịu tác động chung khoảng 0,25% - 0,4%.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng dù lạm phát tăng thấp sẽ tạo thuận lợi để điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá điện, để đưa giá điện tiến tới cơ chế thị trường nhưng cần hết sức thận trọng. Bởi khi đó, người dân sẽ phải bỏ tiền nhiều hơn vào các hàng hóa từ điện và liên quan đến giá điện, dẫn đến việc không kích thích được tiêu dùng.
Khi EVN nêu hàng loạt khó khăn...
Đợt điều chỉnh tăng giá điện bình quân gần đây nhất là vào tháng 3-2015. Với dự kiến giá bán điện bình quân năm 2016, giới chuyên môn cho rằng giá điện có thể sẽ tiếp tục tăng vào năm 2016.
Một trong những lý do được đưa ra nhiều nhất là bởi giá điện được định hướng thực hiện theo lộ trình tiến tới giá thị trường có sự quản lý của nhà nước nhằm bảo đảm giá bán không thấp hơn giá thành. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định quan điểm của Chính phủ là ngoài việc tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách... thì hướng sắp tới, giá bán điện phải được tính đúng, tính đủ mọi chi phí của ngành điện.
Theo cách nêu trên, ngành điện có thể thu hồi được vốn và có lãi hợp lý. Do đó, đến năm 2016, giá điện phải hoàn toàn theo giá thị trường. Tức là, dự kiến, năm 2016 sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh giá điện theo tiêu chí này.
“Chưa kể, khi đánh giá tình hình năm 2016, EVN cũng nêu ra hàng loạt khó khăn, như: nhu cầu điện năng có khả năng tăng trưởng nóng, sản lượng điện sản xuất của EVN - hiện chiếm 40% tổng nhu cầu điện - có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2016-2020... Bên cạnh đó, vấn đề tỉ giá, việc tăng giá bán than cho sản xuất điện từ năm 2016, tăng giá khí trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí môi trường rừng… là những yếu tố chưa được tính vào giá điện hiện hành” - một chuyên gia phân tích.
Do đó, nếu không có phương án chủ động, các yếu tố trên sẽ gây áp lực lớn lên tình hình tài chính của EVN, dẫn đến việc tăng giá điện.
Lập lờ thông tin
Hôm 6-1, EVN tổ chức tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015, hạn chế báo chí tham dự. Thông tin từ buổi tổng kết này cho biết nhờ mức tăng giá điện và sản lượng điện tăng nên năm 2015, doanh thu bán điện toàn tập đoàn tăng thêm 1.800 tỉ đồng.
Báo cáo tổng kết cũng đặt ra mục tiêu giá bán điện bình quân toàn tập đoàn trong năm 2016 là 1.651,2 đồng/KWh, tăng 21,4 đồng so với năm 2015. Tuy nhiên, đến cuối ngày, EVN lập tức đưa thông tin đính chính: “Đến thời điểm hiện tại, EVN chưa có đề xuất gì liên quan đến tăng giá điện năm 2016”.
Năm 2012, giá bán điện bình quân được EVN điều chỉnh tăng 2 lần, mỗi lần tăng thêm 5%; đến năm 2013 tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 5%. Sau năm 2014 giữ ổn định, năm 2015, giá bán điện bình quân điều chỉnh tăng thêm 7,5%.
Theo Người lao động