Mới đây, các diễn viên tham gia phim Hồ sơ lửa cho biết, nhà sản xuất phim nợ tiền thù lao của diễn viên, qua đó một lần nữa phơi bày vết gợn, góc khuất của môn nghệ thuật thứ bảy.
Những ngày vừa qua, các diễn viên tham gia dự án phim Hồ sơ lửa đã lên tiếng cho biết nhà sản xuất phim này chậm, hoặc nợ và không có ý định trả tiền cát-xê cho diễn viên. Hồ sơ lửa là bộ phim thuộc thể loại hình sự, tái hiện lại những vụ án chấn động của đất nước trong suốt 40 năm qua. Bộ phim này dự kiến dài 1.100 tập - dài nhất trong lịch sử phim truyền hình Việt Nam. Kinh phí dự trù khoảng 300 tỷ đồng, phim hiện tại đã phát sóng phần 3 và các phần tiếp theo sẽ được thực hiện, dự kiến phát sóng đến năm 2020. Tuy nhiên,
Hồ sơ lửa đang có dấu hiệu “giữa đường đứt gánh” khi nhiều diễn viên tham gia đóng phần 3 cho biết đã không nhận được tiền cát-xê hoặc được chi trả nhưng không đúng với hợp đồng đã ký kết.
Nhiều diễn viên, nghệ sĩ vừa qua lên tiếng nhà sản xuất phim Hồ sơ lửa phần 3 nợ tiền cát-xê khiến các nghệ sĩ bức xúc.
Đại diện các diễn viên tham gia phần 3 phim Hồ sơ lửa, diễn viên Trần Bích Hằng cho biết, nhà sản xuất phim này là Công ty Sena film đã chậm thanh toán cát-xê, qua đó khiến nhiều diễn viên rất bức xúc. Theo diễn viên Bích Hằng, chị đóng phần 3 phim Hồ sơ lửa với cát-xê 27 triệu đồng. Phim hoàn thành vào ngày 22/5, theo hợp đồng thì sau ngày hoàn thành 75 ngày, nhà sản xuất phải thanh toán tiền cho diễn viên. Tuy nhiên đến thời hạn, nhà sản xuất cứ “im hơi lặng tiếng”. Sau đó, các diễn viên đồng loạt nhắn tin, gọi điện cho nhà sản xuất yêu cầu trả tiền cát-xê theo hợp đồng nhưng tất cả đều không có câu trả lời. “Tôi sống bằng nghề diễn viên, không biết làm gì khác nên nhà sản xuất không trả tiền, tôi biết lấy gì chi tiêu” - diễn viên Bích Hằng bức xúc cho biết.
Trả lời về việc chậm trễ trả lương diễn viên và ê-kíp thực hiện phim Hồ sơ lửa, biên kịch Châu Thổ thuộc nhà sản xuất Sena film xác nhận sự việc. “Chúng tôi ký hợp đồng với đơn vị sản xuất 1.100 tập phim Hồ sơ lửa trong 3 năm. Bây giờ mới sản xuất được 138 tập. Từ khi mới phát sóng 20 tập, phía đối tác đã chậm trễ thanh toán. Đến giờ, họ vẫn còn nợ Sena film hơn 6 tỷ đồng. Để giải quyết bước đầu “sự cố” này, biên kịch Châu Thổ đã bán nhà và xe ôtô cá nhân để trả tiền cát-xê cho diễn viên, tuy nhiên số tiền quá lớn nên như muối bỏ bể, nhiều diễn viên vẫn bị nợ hoặc chậm trả tiền cát-xê.
Đây không phải là lần đầu tiên góc khuất của môn nghệ thuật thứ bảy bị phơi bày trên truyền thông. Trước đó, nhiều diễn viên cũng đã “kêu trời” khi bị quỵt tiền cát-xê. Năm ngoái, một số diễn viên tham gia phim Đi qua mùa mưa cũng “tố” nhà sản xuất phim này chậm và nợ tiền cát-xê. Diễn viên Hòa Hiệp chia sẻ, anh đã đóng phim Đi qua mùa mưa (30 tập) với cát-xê 120 triệu đồng. Thế nhưng, khi phim đóng máy và phát sóng nhưng Hòa Hiệp chỉ được nhận 20% tiền thù lao, nhiều lần anh giục nhà sản xuất phim thanh toán nhưng không có hồi âm. Mãi cho đến khi phim phát sóng được hơn một nửa, anh liên lạc được với hãng phim thì được trả lời chỉ trả 5%, số tiền còn lại nợ thêm một tháng nữa rồi thanh toán. Cũng bộ phim này, đạo diễn Mai Dũng và một số diễn viên khác như Hoàng Anh, Quỳnh Lam cũng cho biết nhà sản xuất phim nợ lại một phần lớn cát-xê. Ngoài ra, nhiều vụ việc nhà sản xuất bị diễn viên và nghệ sĩ tố “nợ, quỵt” tiền cát-xê như phim Like: tình yêu - thời trang - khăn rằn, Mùi ngò gai, Bác Ba Phi kén dâu, Vết dầu loang...
Theo giới làm nghề, hiện nay diễn viên không được trả thù lao có 2 trường hợp, một là nhà sản xuất khó khăn thật sự hoặc họ cố tình quỵt tiền. Đạo diễn Quốc Thịnh cho rằng, nhà sản xuất “giam” tiền hay ăn gian tiền cát-xê của nghệ sĩ thường dựa vào những chi tiết trên hợp đồng, rồi cả lý do tiền tài trợ chưa về kịp, nhà đài chưa duyệt phim hay thậm chí kế toán nghỉ phép… Nhiều hãng có phim đang làm dở dang thì cạn vốn, đành bỏ ngang, điều này đồng nghĩa với việc diễn viên khỏi nghĩ tới cát-xê. Tuy nhiên, một số người chia sẻ, nếu nhà sản xuất thật sự khó khăn, họ chỉ cần nói với diễn viên một tiếng thì mọi người sẽ thông cảm và cùng tìm ra hướng giải quyết êm đẹp hơn. Đằng này, nhiều nhà sản xuất tìm đủ lý do rồi thất hứa với diễn viên, thậm chí nhiều trường hợp diễn viên đi đòi tiền thù lao thì bị nhà sản xuất đe dọa, hành hung.
Theo một khảo sát, hơn 60% diễn viên thừa nhận rằng mình từng bị ăn chặn, quỵt tiền cát-xê. Riêng việc chậm trả tiền, hầu như bất cứ diễn viên nào cũng đã gặp vài lần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của bộ phim đã được trình chiếu với khán giả mà còn cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của nhà sản xuất. Theo nghệ sĩ Quốc Hưng, hành vi chậm chi trả hoặc quỵt tiền cát-xê của diễn viên, nghệ sĩ thời gian qua cho thấy một số nhà sản xuất có thái độ không đúng đắn, họ chỉ biết lợi dụng để trục lợi của người khác. Hậu quả để lại là sự tai tiếng và phản ánh cung cách làm ăn chộp giật của các nhà sản xuất phim.
Theo Sức khỏe và pháp luật