Hôm 13/8, ngôi sao hành động Tom Cruise đích thân thực hiện cú nhảy xa giữa hai tòa nhà cao và bị va chạm mạnh, gặp chấn thương trên trường quay Mission: Impossible 6. Nhiều người hâm mộ của anh bình luận xót xa: “Sao đoàn phim không dùng diễn viên đóng thế?”.
Giả sử đó là một cảnh phim nguy hiểm hơn, có lẽ diễn viên đóng thế sẽ được sử dụng. Trong nền công nghiệp điện ảnh, tất nhiên siêu sao Tom Cruise quan trọng hơn một kẻ đóng thế vô danh. Nhưng trước cuộc đời, đâu thể nói mạng sống của ai quan trọng hơn ai.
Cú nhảy trị giá 150.000 USD của diễn viên đóng thế huyền thoại Dar Robinson. Ảnh: Hollywoodstuntmen.
Nghề chết chóc nhưng lại "hừng hực sức sống nhất"
“Nếu bạn muốn cảm nhận hừng hực sức sống trong huyết quản, hãy thử sống trên lằn ranh cái chết. Không gì sánh được cảm giác adrenaline bơm ào ạt vào tim. Cảm giác đó gây nghiện. Nếu bạn muốn né đạn, đụng xe, nhảy ra khỏi máy bay bốc cháy thay vì ngồi gõ phím văn phòng, nghề đóng thế là dành cho bạn”, trang Job Monkey viết về nghề đặc biệt này.
Có lẽ, đó là lý do dẫn hàng chục nghìn người đến với nghề nghiệp lặng lẽ nhưng đầy cảm hứng này. Và Hollywood là kinh đô của diễn viên đóng thế khi mỗi năm sản xuất hàng trăm hàng nghìn bộ phim hành động, viễn tưởng, phiêu lưu… Chúng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều “ngôi sao hành động” tài năng nhưng vô danh.
Ở Hollywood, có những ngôi sao thường tự đóng cảnh hành động nguy hiểm như Angelina Jolie, Harrison Ford, Jackie Chan, Jason Statham, Tom Cruise, Daniel Craig... Theo Cheat Sheet, Jolie thường thực hiện 99% cảnh hành động của cô, như trong phim Salt và Maleficent.
Còn Tom Cruise nổi tiếng liều lĩnh, đến nỗi có vô số ảnh gif mãn nhãn cắt từ từng loạt phim Mission: Impossible của anh. Năm 2011, tài tử thực hiện cảnh quay kinh điển trong Mission: Impossible - Ghost Protocol (phần 4) là trèo lên trèo xuống trên bề mặt gắn gương thẳng đứng và trơn tuột của tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai (cao 829m với 181 tầng).
Nhưng các ngôi sao nói trên vẫn là số ít. Số đông trung thành với lựa chọn sử dụng người đóng thế để đảm bảo an toàn cho bản thân (có những ngôi sao bảo hiểm thân thể hàng chục triệu USD) và chất lượng cho cảnh phim.
Diễn viên đóng thế (“stunt person” hay “cascadeur”) còn được gọi là “daredevil” (kẻ liều lĩnh), một từ rất đúng với nghề nghiệp này. Đây là nghề nghiệp đòi hỏi trình độ cao ở nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là sử dụng vũ khí, võ thuật, đua xe, leo núi, nhảy dù, lặn với bình dưỡng khí và cả… ngã theo nhiều kỹ thuật khác nhau như ngã từ độ cao lớn, ngã cầu thang, vấp ngã.
Trái với hình ảnh “đùa giỡn với mạng sống” trên phim, mỗi cảnh diễn của họ đều được thực hiện sau khi đã lên kế hoạch, luyện tập, diễn thử và sửa chữa kỹ lưỡng. Trên phim, cảnh mạo hiểm càng đáng sợ bao nhiêu thì ngoài đời nó càng được thực hiện kỹ lưỡng bấy nhiêu. “Càng an toàn càng tốt” là tiêu chí, nhưng không bao phải bao giờ cũng đáp ứng được.
Làm việc cực khổ, làm việc khoảng 14 tiếng mỗi ngày trong thời gian quay phim dài ngày, thù lao cao nhất mà một diễn viên đóng thế đắt sô kiếm được là 250.000 USD (gần 5,7 tỷ đồng) mỗi năm, theo Job Monkey.
Còn mức trung bình là 70.000 USD (gần 1,6 tỷ đồng), người mới vào nghề thì 5.000 USD (hơn 113 triệu đồng) mỗi năm. Nghề này phụ thuộc vào số phim được mời và độ mạo hiểm của mỗi pha hành động được thuê.
Cho đến nay, màn đóng thuế được trả cát xê cao nhất thế giới là trong phim Highpoint (quay năm 1979). Đó là cảnh diễn viên đóng thế huyền thoại Dar Robinson (thế vai cho tài tử Christopher Plummer) nhảy xuống từ trên tòa tháp CN cao 553m của Toronto (Canada). Robinson rơi tự do và được đỡ bằng lưới cách mặt đất 200m. Màn liều thân này được trả 150.000 USD (3,4 tỷ đồng).
Pha dính chấn thương của Tom Cruise khi quay "Mission: Impossible 6".
Tóm lại, diễn viên đóng thế chắc chắn là những người yêu nghề cháy bỏng. Bởi không ai sẵn sàng ngồi trong một chiếc xe hơi đang bốc cháy, bị ném lên 30m và lăn vài vòng trước khi dừng lại rồi bốc cháy, nếu mục đích nghề nghiệp của họ chỉ là kiếm cơm nuôi thân.
Đôi khi họ yêu nghề đến chết, theo nghĩa đen.
Yêu nghề đến… chết
Theo thống kê từ năm 1959 đến nay, có 27 vụ tử nạn của diễn viên đóng thế khi đang làm việc trên trường quay của 25 bộ phim Hollywood. Trong vụ tai nạn của Deadpool 2, tên tuổi diễn viên chưa được tiết lộ. Người ta chỉ biết đó là một phụ nữ và cô gặp nạn khi điều khiển xe máy.
Còn trước đó, các diễn viên thiếu may mắn đều được ghi nhận tên tuổi và nguyên nhân tử vong. Chẳng hạn gần đây nhất, một tai nạn xảy ra giữa một cảnh nổ trên trường quay phim The Expendables 2 (2012), khiến diễn viên Kun Liu tử nạn.
Những vụ việc như vậy cần công khai thông tin, bởi cứ mỗi cái chết là một lời cảnh tỉnh cho nền công nghiệp điện ảnh. Trên tất cả, mạng người vẫn là quan trọng nhất.
Nếu trong phim, các nhân vật hứng chịu những cái chết tan tành thân xác thì ngoài đời, nếu người đóng thế không may gặp nạn, số phận của họ cũng tương tự.
Chính Dar Robinson, siêu sao làng đóng thế từng nhận cát xê cao nhất thế giới ở trên, cũng là một trong những người sinh nghề tử nghiệp. Năm 1986, trên trường quay phim Million Dollar Mystery, sau khi hoàn thành cảnh quay chính, nam diễn viên khước từ sự trợ giúp của tổ cấp cứu y tế.
Ngay sau đó, khi quay một cảnh lái xe tốc độ cao, xe máy của anh bị mất phanh và lao khỏi vách đá. Năm đó Robinson mới 39 tuổi. Trước khi qua đời, anh đã kịp góp mặt trong thành công của Papillon, Sharky’s Machine, Turk 182, Stick, cũng như series truyền hình That’s Incredible.
Các diễn viên nhỏ tuổi nhất từng chết khi đóng thế là ở tuổi 6 và 7 đó là trường hợp của hai diễn viên nhí trong Twilight Zone: The Movie (1982). Nam diễn viên đóng thế Vic Morrow đã mang theo hai con của mình là Myca Dinh Le (7 tuổi) và Renee Shin-Yi Chen (6 tuổi) cùng tham gia bộ phim.
Vào ngày quay ở Ventura County thuộc bang California, trong cảnh quay trên không, chiếc máy bay trực thăng chở Morrow và hai con đã phát nổ, rơi xuống đất và khiến cả ba tử nạn. Sáu hành khách khác bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn khiến ba cha con diễn viên đóng thế Vic Morrow thiệt mạng. Ảnh: Deadline.
Hình ảnh vụ tai nạn được ghi lại bằng video, nhưng không được phát tán rộng rãi trên mạng vì nhiều người không chịu nổi cảnh hai đứa trẻ chết quá thảm khốc. Vụ tai nạn là một bước ngoặt trong ngành công nghiệp điện ảnh, buộc Hollywood phải thắt chặt hơn việc đảm bảo an toàn lao động trên các trường quay.
Vụ tai nạn cũng khiến dư luận chĩa mũi dùi vào đạo diễn John Landis và ê kíp làm phim. Suốt một thập kỷ sau đó, họ phải chịu sự phản đối của dư luận và thậm chí còn bị tấn công bạo lực. Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, cũng là nhà sản xuất của phim Twilight Zone, đã cắt đứt tình bạn với Landis sau sự việc. Ông cũng thừa nhận vụ tai nạn đã khiến ông “trưởng thành hơn”.
“Không bộ phim nào xứng đáng khiến người ta phải chết. Tôi nghĩ mọi người đang đấu tranh nhiều hơn bao giờ hết để phản đối các nhà sản xuất và đạo diễn đòi hỏi quá cao ở diễn viên. Nếu bối cảnh không đủ an toàn, mọi diễn viên và thành viên ê kíp đều có quyền và trách nhiệm yêu cầu: Cắt!”, Spielberg nói với báo chí.
“May mắn nhất thế giới” mới sống được đến già
Hal Needham, một huyền thoại trong giới đóng thế, sống đến tuổi 82 (qua đời năm 2013). Ông được mệnh danh là “người may mắn nhất thế giới”, một biểu tượng của nghề diễn viên đóng thế.
Để lưu giữ cuộc đời phi thường của mình, Needham từng viết cuốn tự truyện Stuntman!: My Car-Crashing, Plane-Jumping, Bone-Breaking, Death-Defying Hollywood Life (Diễn viên đóng thế: Cuộc sống Hollywood với những vụ đâm xe, nhảy máy bay, gãy xương và thách thức thần Chết).
Bức ảnh trang bìa cuốn sách có hình Needham đang chạy, hai tay giơ lên cao, lửa rực cháy từ sau lưng ông. “Vâng, đó là tôi. Khi bạn đang cháy, bạn đừng hòng thở vì nếu làm vậy, bạn sẽ nuốt lửa vào cổ họng mình”, ông viết.
Trong cuộc đời mình, Needham đã phá nát hàng trăm chiếc xe, rơi từ hàng chục tòa nhà chọc trời, bị thổi tung, bị hất khỏi lưng ngựa, gãy 56 cái xương, gãy lưng hai lần, lủng phổi và bị đấm gãy răng vài lần trong hàng loạt phim kinh điển như Blazing Saddles, Chinatown, The Spirit of St. Louis, How the West Was Won, Our Man Flint và Little Big Man.
Ông từng bị treo ngược bằng cổ chân dưới một chiếc máy bay trong The Spirit of St. Louis, nhảy qua lại giữa những con ngựa đang phi trong Little Big Man. Ông đóng 300 phim điện ảnh và 4.500 tập phim truyền hình và lập kỷ lục trọn đời: chưa bao giờ từ chối bất cứ cảnh đóng thế nào được yêu cầu. Sau một cuộc đời rực rỡ, ông qua đời vì bệnh ung thư.
Theo Zing