Là một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng ở thập niên 90, với chương trình Trong nhà ngoài phố, Tấn Hoàng được khán giả yêu thích nhờ lối diễn hài duyên dáng nhưng không kém phần thâm thuý.
Anh còn có ưu điểm là giọng hát Bolero ngọt ngào, truyền cảm. Tuy nhiên nói về bản thân, Tấn Hoàng lại cho rằng: “Tôi cảm thấy mình không có tài năng gì. Tôi diễn xuất bình thường và hát cũng không xuất sắc. Chỉ có lòng yêu và đam mê nghề, tôi tự tin nhất”.
Diễn viên nghĩ mình tài giỏi là đang bị ảo tưởng
Cũng như bao diễn viên qua thời đỉnh cao, bây giờ, tôi ít show diễn, gắn bó với sân khấu kịch Sài Gòn. Mỗi tuần, tôi diễn ở đây 9 suất. Thu nhập từ sân khấu kịch tất nhiên rất khiêm tốn, không thể so với phim ảnh, game show. Nhưng với người không có nhiều nhu cầu trong cuộc sống, tôi vẫn thấy hài lòng.
Tấn Hoàng là linh hồn của sân khấu kịch Sài Gòn.
Với 40 năm kinh nghiệm, không có vai diễn nào trên sân khấu làm khó được tôi. Mỗi vai diễn số phận hay hài kịch, tôi luôn truyền tải thông điệp nhân quả, bài học cuộc sống. Với tôi, cái hài sâu sắc không phải là cười vang rồi quên ngay mà phải đem đến cho khán giả những thấu hiểu, bài học về cuộc đời. Đỉnh cao của hài kịch chính là bi kịch.
Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là "diễn kịch liệu có đủ trang trải cho cuộc sống?". Tôi làm nghệ thuật hiện với tâm thế đam mê, tận hưởng nên được đứng trên sân khấu đã là hạnh phúc lớn lao. Tôi chưa từng đòi hỏi về cát-xê, so bì với người khác. Tôi quan điểm mình đã làm gì cho cuộc đời mà đòi hỏi cuộc đời phải ưu ái? Mình cứ làm mọi việc thật tốt thì kiếp sau lại được làm nghệ sĩ.
Nhìn lại mình, tôi bản thân diễn chưa xuất sắc, hát cũng không hay. Những lời khen khán giả dành cho mình, tôi nghĩ là sự mến mộ hơn là sự thật. Vì thế sau chương trình Tình Bolero, tôi nhận được một số lời mời đi hát nhưng đã từ chối. Tôi sợ làm người khác thất vọng về mình. Nếu tôi là ca sĩ thật sự chắc không được khen như vậy đâu.
Hơn nữa, nghề chính của tôi vẫn là sân khấu kịch. Kịch Sài Gòn là nơi nuôi sống tôi. Tôi chỉ có thể thêm việc chứ không thể vì việc ngoài mà bỏ sân khấu, bỏ suất diễn.
Đối với tôi diễn viên, nghệ sĩ cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác, không có tài năng gì đặc biệt đâu. Vì vậy nhiệm vụ của mình là phải trau dồi, học hỏi làm sao để nghề điêu luyện, mới tồn tại trong cuộc sống. Tài giỏi phải là nhà bác học, chế biến ra thuốc, có những công trình vĩ đại. Những người vỗ ngực, cho rằng mình tài năng là đang ảo tưởng đó.
Tôi cầu nguyện, nếu bệnh thì chết ngay
Từ một công tử Sài Gòn, theo nghề diễn 40 năm, thành quả tôi nhận được là gì? Là cuộc sống khó khăn, ở tuổi 57, tôi vẫn phải thuê nhà và mỗi ngày lo lắng về cơm áo gạo tiền. Hẳn nhiều người sẽ nghĩ tôi hối hận về quyết định của tuổi trẻ nông nổi? Không, tôi chưa từng hối tiếc về điều đó.
Nam nghệ sĩ theo nghề 40 năm nhưng vẫn phải ở nhà thuê ở tuổi 57.
Với tôi, thời gian đáng nhớ nhất vẫn là những năm theo đoàn cải lương lang bạt khắp nơi, thiếu thốn, ngủ gầm sân khấu. Đó là năm tháng tôi được sống thật sự với nghề. Bây giờ, nhìn vào showbiz đầy rẫy scandal mỗi ngày khiến tôi cảm thấy nản.
Hai năm trước, cuộc sống của tôi chật vật vì ba mẹ bệnh tật, con cái còn nhỏ. Bây giờ, ba mẹ đã qua đời, hai con đã có thể kiếm tiền, tự lập cuộc sống. Vì thế tôi chỉ lo đảm bảo cuộc sống của hai vợ chồng.
Ở tuổi qua dốc sườn núi mà vẫn phải sống cảnh thuê nhà, tôi cảm thấy bình thường. Tôi cho rằng tiền bạc, danh vọng trong cuộc đời này ảo lắm. Quan trọng là mình đã sống thế nào, thể hiện vai diễn hết mình chưa.
Vì thế thời điểm tôi cực khổ lo cho con cái, tôi chưa từng than vãn, chửi mắng chúng. Tôi nghĩ mình sinh ra chúng, có trách nhiệm phải lo cho chúng.
Tôi hiện bị bệnh gan, men gan cao, mỡ nhiễm máu. Vừa qua, tôi phải nhập viện suốt một tháng, nếu không cấp cứu kịp thời đã không qua khỏi. Tôi nghĩ mình không sống lâu được nên mỗi ngày được đi diễn là cảm thấy hạnh phúc.
Mỗi tối, tôi đều cầu nguyện khi bị bệnh, nằm xuống thì chết luôn chứ không muốn nằm một chỗ, hành hạ các con cháu. Lúc đó chết không được, mà làm cả nhà lao đao.
Đời tôi lúc lên voi, lúc xuống bùn đen
Theo đoàn cải lương từ năm 16 tuổi, 3 năm sau, tôi đã thể hiện được mình, trở thành một trong những cái tên xuất hiện trên poster vở diễn. Sau này, tôi cùng Bảo Chung, Duy Phương đi tấu hài khắp nơi, lưu diễn nước ngoài... Đó là một thời đáng nhớ của tôi.
Tuy vậy, trong đời, cô trải qua hai lần sai trái, làm day dứt tâm trí hàng chục năm. Đó là lần đầu, tôi ăn quỵt tiền một tô hủ tiếu khi cùng đoàn về Trà Vinh biểu diễn. 14 năm day dứt vì việc làm tội lỗi với một người phụ nữ lớn tuổi khiến tôi không thể ngủ ngon. Tôi cảm thấy hối tiếc khi chỉ vì miếng giò heo mà 14 năm cảm giác tội lỗi đầy mình.
Khánh Hoàng và cháu nội, hiện là diễn viên trẻ của sân khấu kịch Sài Gòn.
Sau này, đi diễn có tiền, tôi tìm lại quán hủ tiếu bên bến đò năm xưa. Người bán hàng đã qua đời, tôi tìm đến nhà bà, thắp hương và gửi lại tiền cho con bà.
Lần thứ hai, tôi mải mê trong cuộc nhậu, ngủ quên trên ván thịt ở chợ và bị đoàn bỏ lại. Tôi tìm về đoàn thì nhận ngay quyết định đuổi việc. Khi ấy, tôi phải quỳ trước 4 thành viên lớn của đoàn, xin ở lại.
Nghĩ lại, tôi không cảm thấy xấu hổ vì làm điều đó mà chỉ hối hận mình đã sống không tốt với nghề. Đời tôi được như ngày nay đã phải đánh đổi nhiều máu và nước mắt. Vì thế hiện tại không đình đám, không bằng ai tôi vẫn cảm thấy hài lòng.
Tôi hy vọng các cháu của mình sẽ có đủ đam mê và quyết định theo đuổi nghề diễn. Tôi luôn dạy chúng cách cố gắng, vươn lên khi gặp khó khăn với nghề, trước khi đón nhận hào quang.
Theo Zing