Nhân vật Rachael do diễn viên Sean Young thủ vai vẫn trẻ trung sau 35 năm
Sau đây, bộ phim khoa học viễn tưởng Blade Runner 2049 ra mắt năm 2017 (phần mới của phim Blade Runnner ra mắt năm 1982) sẽ cho chúng ta cái một cái nhìn bao quát hơn về công nghệ diễn viên kỹ thuật số này.
Như bạn đã xem trong clip thì người đàn ông lớn tuổi kia chính là diễn viên nổi tiếng Harrison Ford trong vai Deckard, khi ông đã 75 tuổi, Deckard gặp lại một nhân vật tên Rachael do nữ diễn viên Sean Young (hiện nay đã 58 tuổi) thủ vai. Nhưng với sự giúp đỡ của các hiệu ứng đặc biệt, cô vẫn không hề già đi sau 35 năm kể từ phần đầu của Blade Runner.
Diễn viên Harrison Ford trong vai Deckard trong Blade Runner 1982 (phải) và vai Deckard sau 35 năm trong Blade Runner 2049 (trái)
Nói về cách thức tạo ra hiệu ứng này, các kỹ thuật viên trong ekip cho biết họ đã quét (scan) đầu và sọ của Young. Sau đó, họ sử dụng những cảnh quay trước đó của nữ diễn viên từ bộ phim cũ để dựng nên một khuôn mặt trẻ trung quanh chiếc sọ đã được quét trước đó. Cuối cùng, họ sắp xếp lại âm thanh từ các cảnh diễn cũ của cô ấy và nhờ đó, Rachael vẫn trẻ trung như 35 năm trước.
Michael Fink, giáo sư của trường nghệ thuật điện ảnh trong chuỗi các trường đại học tại Nam California đã phát biểu rằng ông thực sự rất ngạc nhiên với sự chuyển đổi kì diệu này. Fink cho biết ông cũng từng có một thời gian dài nghiên cứu về những hiệu ứng đặc biệt này, và bộ phim chính là một phần của những nghiên cứu đã bắt đầu từ nhiều thập kỉ trước – dùng kỹ thuật số để thay thế các diễn viên thật. Nhưng nó đã được cải tiến hơn rất nhiều so với ngày trước.
Fink đã từng quay rất nhiều cảnh có đám đông lớn, ví dụ như cảnh người Sao Hỏa đặt chân xuống Trái Đất trong bộ phim Mars Attacks năm 1996. Fink cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện cảnh quay trên sa mạc Arizona. Lúc ấy cả đoàn phim đã có đến 700 người và chúng tôi phải chịu trách nhiệm lo nơi ăn chốn ở cho tất cả bọn họ".
Sau đó 10 năm, công nghệ đã phát triển hơn nhiều so với ngày trước, và ông lại tiếp tục thực hiện một cảnh quay đám đông cho phim Superman Returns. Trong cảnh đó, Superman đã phải hạ cánh một chiếc máy bay trong một sân vận động lớn với 50.000 người. Fink kể lại: "Lúc ấy chúng tôi chỉ có 200 diễn viên quần chúng cho cảnh đó mặc dù cần đến 50.000 người trong sân vận động – tất cả số còn lại đều là diễn viên kỹ thuật số".
Quả thật, sự tiến bộ trong công nghệ này đang giúp các nhà làm phim giảm được rất nhiều chi phí, nhưng sẽ không tốt chút nào với những người kiếm sống nhờ diễn những vai phụ, vai quần chúng. Đúng với những gì Fink đã nói: "Những diễn viên đó, họ sẽ mất việc". Và công nghệ thì vẫn cứ trên đà phát triển, tiến xa hơn trong tương lai, các nhà làm phim thậm chí sẽ có thể tạo ra những cảnh quay có đầy đủ diễn viên cho dù họ không còn sống nữa.
Thêm một ví dụ nữa cho công nghệ này chính là bộ phim Rogue One: A Star Wars Story (phần ngoại truyện của Star Wars) ra mắt năm 2016. Trong phim, diễn viên Peter Cushing quay trở lại trong vai Grand Moff Tarkin, điều đáng nói ở đây là Peter đã mất vào năm 1994, tức là trước đó đến hơn 20 năm. Nếu đó là thời điểm trước khi công nghệ này ra đời thì có lẽ, một diễn viên trẻ tuổi nào đó đã được đóng vai chính thay cho Peter - và lại một cơ hội nghề nghiệp quý giá bị tước đi bởi phép màu của công nghệ.
Diễn viên Peter Cushing trong vai Grand Moff Tarkin
Nhưng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực phim điện ảnh. Vào năm 2012, Digital Domain – một công ty sản xuất hình ảnh 3D – đã khiến giới âm nhạc choáng váng tạo ra hình ảnh ba chiều của Tupac Shakur, một rapper đình đám của những thập niên 90 biểu diễn trực tiếp tại Coachella trong khi anh đã mất trước đó 16 năm.
Hình ảnh 3D của Tupac Shakur biểu diễn tại Coachella Valley Music and Arts Festival 2012
Nhắc đến Digital Domain, đây là một công ty sản xuất hình ảnh 3 chiều, đồng thời chịu trách nhiệm tạo ra các hiệu ứng đặc biệt trong một số bộ phim như Beauty and the Beast, X-Men và Maleficent, và họ có rất nhiều điều để chia sẻ về công nghệ "vi diệu" này. Cùng tìm hiểu nhé.
Darren Hendler, nhân viên giám sát hiệu ứng kỹ thuật của công ty cho biết có những diễn viên đã chuẩn bị để có thể tiếp tục nghiệp diễn xuất sau khi chết bằng cách gửi hàng triệu bản thông tin kỹ thuật số của họ cho kho lưu trữ của công ty. Anh nói rằng: "Chúng tôi có một trình đơn lưu trữ những thông tin kỹ thuật số của khách hàng. Chẳng hạn như bạn có thể lưu trữ cách khuôn mặt của bạn hoạt động, những biểu cảm bạn thực hiện, hoặc quét cả cơ thể của bạn. Bạn cũng có thể lưu trữ giọng nói, cách phát âm của mình. Hay thậm chí là lưu trữ tủ quần áo bằng cách quét những bộ quần áo mà bạn thường mặc".
Hendler và các chuyên gia khác nói rằng chúng ta còn cách khá xa việc tạo nên một bản sao kỹ thuật số hoàn hảo từ một diễn viên đã qua đời. Tuy nhiên, theo Fink của USC (University of Southern California) quỹ đạo phát triển của công nghệ này rất rõ ràng, không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ hoàn thiện 100% khả năng của nó. Nhưng vấn đề lớn ở đây là: khán giả có thực sự muốn xem một diễn viên đã chết?
Về vấn đề này, Fink đã nói một câu rất tâm đắc rằng: "Cuối cùng, tất cả chúng ta đều nằm sâu 2 mét trong lòng đất lạnh. Hãy để các diễn viên mới được thể hiện. Đừng cố gắng níu giữ vì cho dù công nghệ có hiện đại cách mấy cũng không thể nào mang người chết sống lại".
Nhưng Hollywood là vùng đất của sự dối lừa, các diễn viên từ lâu đã cố gắng giữ cho mình luôn trẻ trung, vậy tại sao không dùng công nghệ để đưa nó lên một tầm cao mới – trẻ mãi không già.
Theo VnReview