Điệp khúc con dâu chê mẹ chồng nhà quê

Lần đầu tiên ăn Tết ở nhà con trai, tôi có cảm giác như mình là một người thừa, một cái gai và là một bà lão tâm thần trong mắt con dâu.



Tết Nguyên đán đã trôi qua nhưng nỗi buồn của một cái Tết không trọn vẹn vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Tôi vốn là giáo viên cấp 3 ở một tỉnh lẻ và về hưu được 5 năm. Vợ chồng tôi hiếm hoi, chỉ sinh được một cậu con trai.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cháu ở lại Hà Nội làm việc và kết hôn với một cô gái cùng công ty. Lương của hai vợ chồng các con chỉ đủ ăn nhưng ông bà thông gia bên nhà gái lại khá giả. Lúc con dâu tôi chuẩn bị sinh con đầu lòng, ông bà ấy cho con trai và con dâu tôi một căn hộ chung cư 70 m2.


Ảnh: Lamentees Maravillosa

Vợ chồng tôi cũng muốn lo cho các con nhưng đồng lương eo hẹp nên chỉ gom góp được 150 triệu để con sửa sang nhà cửa và mua một vài món đồ nội thất.

Sửa sang nhà cửa xong xuôi, Tết vừa rồi, con trai tôi bảo bố mẹ lên Hà Nội đón Tết.

Sợ cháu nhỏ về quê mỏi mệt ốm đau, vì thế hai vợ chồng tôi đã chiều các con lên Hà Nội ăn Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, mới lên Hà Nội ở cùng ít hôm, giữa tôi và con dâu đã có những bất đồng. Cháu cứ hục hặc với tôi khi tôi không nghe theo lời nhắc nhở của cháu.

Đó là vào ngày 27 Tết, tầng chung cư của các con tổ chức tiệc tất niên, hai vợ chồng tôi cũng tham gia. Trong bữa tiệc ấy, tôi có quen với vài người trạc tuổi. Vì thế sau buổi liên hoan, tôi thường xuyên sang nhà các bà ấy trò chuyện vui vẻ.

Mỗi lần tôi đến nhà, các bà ấy rất niềm nở, chuyện trò thoải mái. Họ còn lấy đồ ăn thức uống trong nhà ra mời tôi và cho tôi cầm về. Lúc tôi về, họ còn hẹn tôi thường xuyên đến chơi và trò chuyện cho vui vẻ. Tôi nghĩ, tuổi già gặp được một vài người bạn là quý vô cùng nên lúc rảnh rỗi thường xuyên đến nhà này nhà kia.

Con dâu tôi thấy vậy bực ra mặt. Cháu bảo, người thành phố không như người nhà quê. Họ thấy phiền vì người lạ vào nhà…Tuy nhiên, tôi không nghĩ thế. Tôi bảo cháu, dù ở đâu, thời đại nào thì cũng nên có mối quan hệ tốt đẹp với những người hàng xóm.

Vả lại, tôi sống ở nhà quê cũng quen cái văn hóa ở nhà quê, ra cửa nhìn thấy nhau không chào không hỏi, cảm giác không hay chút nào.

Nhưng rồi, hôm mùng 2 Tết, tôi và con dâu đi chùa. Vừa ra đến thang máy, tôi gặp một cặp mẹ con. Người mẹ trạc tuổi tôi, cô con gái thì trẻ hơn con dâu tôi vài tuổi. Họ ăn mặc sang trọng, chải chuốt và xách một túi quà đi chúc Tết.

Thấy thế, tôi nhanh nhảu chào hỏi. Tuy nhiên hai mẹ con họ khinh khỉnh quay đi và không ai trả lời.

Xuống đến tầng hầm, con dâu dắt xe ra thì chiếc xe chết máy. Thế là hai mẹ con tôi phải quay về. Vừa vào đến nhà, con dâu tôi đóng sầm cửa lại. Cháu quắc mắt lên và đay nghiến tôi.

Cháu bảo: “Bà nhà quê lắm bà biết không? Con đã nói, ở đây, không quen biết gì thì đừng tỏ ra thân quen mà bà không nghe. Hỏi làm gì để người ta khinh?”.

Tôi nghe con nói, nhìn thái độ của con mà ngỡ ngàng. Tôi không nghĩ, con dâu tôi có ăn học đoàng hoàng lại nói năng như vậy. Vì thế tôi đã giận mà bỏ vào phòng.

Hôm sau, tình cờ đi tập thể dục về, tôi nghe thấy con dâu tôi nói chuyện điện thoại trong phòng. Lúc đó, tôi mới thực sự sửng sốt. Qua điện thoại với ai đó, cháu gọi tôi bằng những cái tên rất khủng khiếp, nào là bà già nhà quê, bà già tâm thần, nhìn thấy ai cũng chào hỏi, ai nói gì cũng tin khiến người ta cười vào mặt nó …

Tôi nghe xong, phải ngồi xuống ghế để cố trấn an bản thân rồi mới có thể tỏ ra không có chuyện gì. Tuy nhiên, cháu vẫn luôn khó chịu với những cử chỉ, hành động của tôi. Đến mấy hôm sau thì tôi có cảm giác cháu muốn đuổi vợ chồng tôi về quê lắm rồi…

Cuối cùng lấy lý do ở chung cư chật chội, bí bức tôi đòi ông nhà tôi đưa về quê. Trong lòng tôi buồn không thể tả xiết.

Có phải tôi đã già nên cổ hủ và nhạy cảm quá? Mong mọi người hãy cho tôi lời khuyên để tôi biết mình đang sai ở đâu mà chỉnh sửa. Tôi không muốn thấy cảnh mẹ chồng nàng dâu hục hoặc vì gia đình tôi vốn đã neo người.

Theo Vietnamnet


con dâu chê mẹ chồng lấy chồng ở quê Tết mẹ chồng nàng dâu

Tin tức mới nhất