Chàng trai Thủ đô có tâm hồn hào sảng của đại ngàn

Nhạc sĩ Nguyễn Cường sinh năm 1943 trong một gia đình gốc trung lưu ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Năm 16 tuổi, ông thi vào trường Trung cấp Âm nhạc Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để học Violoncelle.

Sau khi tốt nghiệp năm 1965, ông được phân công về Đoàn Ca múa Tây Nguyên (nay là Đoàn Ca múa Đam San), lúc đó đóng tại Hà Nội. Từ năm 1967, ông chuyển về công tác tại phòng Giáo dục chính trị của Đại học Mỏ - Địa chất.

Điều đặc biệt hiếm có của nhạc sĩ Nguyễn Cường ở tuổi U80-1
Tháng 5/1980, sau khi tốt nghiệp khoa Sáng tác, Nguyễn Cường, Trần Tiến và một số nhạc sĩ đã được Đoàn Ca múa Đắk Lắk mời về sáng tác. 

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, song nhạc sĩ Nguyễn Cường lại nặng lòng với Tây Nguyên. Suốt hơn 40 năm gắn bó với Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, nhạc sĩ đã có hàng trăm tác phẩm âm nhạc. Hơi thở mãnh liệt từ núi rừng Tây Nguyên hòa tan trong giai điệu qua những bài hát rất nổi tiếng như: H’zen lên rẫy, Em muốn sống bên anh trọn đời, Ly cà phê Ban Mê, Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột…  

Những ca khúc mà chỉ nhắc đến tựa bài đã nghe vang vọng thanh âm của nắng gió đại ngàn, tiếng cồng chiêng âm vang và sự hào sảng của người Tây Nguyên.

Đặc biệt, nhạc sĩ từng chia sẻ với truyền thông hồi mới viết xong ca khúc Em muốn sống bên anh trọn đời, một tri kỷ của ông nghe xong tỏ ý chê bai, thế là Nguyễn Cường "ném bài hát vào góc nhà". Nhưng một lần, ca sĩ Y Moan tới chơi, thấy bài hát hay quá bèn ngồi ôm đàn hát. Siu Black sau đó biết tới ca khúc này cũng kiên quyết giành quyền thể hiện.

"Em muốn sống bên anh trọn đời đã tự tìm cho mình một đời sống riêng như thế, rất mãnh liệt", nhạc sĩ bày tỏ. 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường rất tài tình sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên một cách sáng tạo, với các ca khúc đẹp từ lời đến giai điệu, mang đậm sắc thái sử thi hùng vĩ.

Là người con Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng dành nhiều cảm xúc cho mảnh đất quê hương với bề dày văn hoá. Năm 2009, ông thực hiện ý tưởng viết bản hợp xướng để hát với trống đồng, cần tới hàng ngàn nghệ sĩ theo hình thức Acapella không có dàn nhạc đệm nhân sự kiện Nghìn năm Thăng Long.

Điều đặc biệt hiếm có của nhạc sĩ Nguyễn Cường ở tuổi U80-2
Nhạc sĩ Nguyễn Cường thành công trong việc ứng dụng chất liệu âm nhạc Tây Nguyên vào ca khúc.

Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ như: Mái đình làng biển, Hò biển, Nét ca trù ngày xuân, Bến có còn sông, Đàn cầm dây vũ dây văn, Chiều có em Đồng Văn, Tôi về ngẩn ngơ, Bi ca Trọng Thủy, Độc thoại phù sa. 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường được trao tặng Giải thưởng Nhà nước với các ca khúc như: Hò biển (1974), H'zen lên rẫy (1981), Một nét ca trù ngày xuân (1984), Em muốn sống bên anh trọn đời (1989), Đôi mắt Pleiku (1994) cùng nhiều giải thưởng khác.

Những người bạn âm nhạc đáng quý

Nhạc sĩ Nguyễn Cường dành nhiều lời trìu mến cho các "chiến hữu" đặc biệt gồm Trần Tiến, Phó Đức Phương và Dương Thụ. Ông khen ngợi một Phó Đức Phương hết lòng hy sinh để cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, một Dương Thụ mực thước về ứng xử trong đời sống hàng ngày hay một Trần Tiến luôn tươi vui, hóm hỉnh.

Điều đặc biệt hiếm có của nhạc sĩ Nguyễn Cường ở tuổi U80-3
 "Bộ tứ sông Hồng" nổi danh với: Nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương - (từ trái qua phải).

Nhạc sĩ Dương Thụ từng nhận xét: “Nguyễn Cường yêu dân ca đến mức sùng bái”. Ngoài dân ca Tây Nguyên, Nguyễn Cường còn mê đắm cả dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

Điều đặc biệt hiếm có của nhạc sĩ Nguyễn Cường ở tuổi U80-4
Dù đã hơn 80 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn giữ được sự hoạt bát cùng vẻ ngoài lãng tử, phong độ với quần áo jeans, mũ phớt

Ở tuổi 80, Nguyễn Cường vẫn giữ được sự hoạt bát cùng vẻ ngoài lãng tử, phong độ. Bí quyết giúp ông trẻ trung, giàu năng lượng là nhờ ý thức luyện tập từ thời còn trai tráng. Ông chia sẻ dành 50 phút mỗi sáng tập thể dục, đi bộ ít nhất 5km và bơi tối thiểu 500m trong 30-40 phút hàng ngày.

Theo Vietnamnet