Định vị âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến: Đời cho!-1
Nhạc sĩ Trần Tiến có âm nhạc rất đời

Thông tin nhạc sĩ Trần Tiến mắc bệnh ung thư khiến nhiều người hâm mộ và đồng nghiệp của ông vô cùng lo lắng. Mọi người đều dành những lời động viên, mong sức khỏe của vị nhạc sĩ tài hoa sớm hồi phục và ông sẽ vượt qua khó khăn.

Nhắc tới Trần Tiến, có lẽ điều khiến nhiều người nhớ ngay đến ông là một người nhạc sĩ du ca và đầy chất lãng tử. Ông gắn liền với hình ảnh của một người nghệ sĩ đội chiếc mũ nồi, tay ôm đàn guitar gảy đầy điêu luyện và mạnh mẽ.

Nhận định về sự lãng tử của Trần Tiến, nhạc sĩ Thụy Kha cho rằng mọi thứ đã thể hiện hết qua âm nhạc của tác giả Mặt trời bé con. Trần Tiến viết nhạc rất phiêu, không có bất cứ khuôn vàng thước ngọc nào mà mọi thứ đều mang tính ngẫu hứng mạnh mẽ. Vì thế, âm nhạc của ông cũng rất đặc biệt.

Định vị âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến: Đời cho!-2
Hình ảnh quen thuộc của nghệ sĩ Trần Tiến

Nói về định vị âm nhạc của Trần Tiến, nhạc sĩ Thụy Kha cho rằng, nếu Văn Cao là "trời cho", Trịnh Công Sơn là "tâm cho" thì Trần Tiến là "đời cho". Ông viết rất đời, rất thật và dùng chính những trái nghiệm trong cuộc đời của mình để viết nên những bản nhạc.

Trần Tiến luôn dâng hiến hết mình, "bóc trần" mình ra cho âm nhạc. Ông đẩy cảm xúc đến tận cùng, không giấu giếm điều gì và mọi cái hay, cái dở của cuộc đời đều được ông đưa ra hết để chia sẻ với mọi người.

"Có thể nói, ảnh hưởng lâu dài của Trần Tiến là sau Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Người ta nghe nhạc Trần Tiến từ sau Trịnh Công Sơn và nghe tới bây giờ. Ông ấy là người có những bài hát trong ca từ đầy chất thơ, được hát lên bằng giọng pop ballad rất hay của bản thân. Vậy nên, không ai hát hay nhạc của Trần Tiến bằng chính ông ấy", nhạc sĩ Thụy Kha nhận định.

Tiểu sử của người nhạc sĩ cho thấy ông là một người đã đi nhiều, biết nhiều và viết nhiều. Ông từng tâm sự, mỗi chuyến du ca là một lần được sống, được sẻ chia và gặp gỡ với những cuộc đời, những số phận. Và mỗi lần như thế, lại có một bản nhạc được viết nên chứa chan xúc cảm.

Có lúc là Ngọn lửa cao nguyên hừng hực phấn chấn, có lúc là Quê nhà màng tới những nỗi niềm nhớ thương về làng quê Bắc Bộ của mình, cũng có lúc là Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, rồi Ngẫu hứng sông Hồng, Mưa bay tháp cổ…

Định vị âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến: Đời cho!-3
Trần Tiến được nhạc sĩ Nguyễn Cường đánh giá là ông hoàng số 1 của pop Việt

Thế nhưng, không chỉ có những bản nhạc gắn với các địa danh mà ông đã đi qua và trải nghiệm, mà còn là những tác phẩm đi vào lòng người với những tình cảm sâu sắc như Chị tôi, Mẹ tôi, Sao em nỡ vội lấy chồng… Ông chinh phục trái tim của người nghe bằng những thấu cảm của bản thân với các kiếp người. Đối với Trần Tiến, ông chỉ viết nhạc cho mình. Bài hát được ca sĩ nào đó thể hiện hay không đều không quá quan trọng với ông.

Sinh năm 1947 tại Hà Nội trong một gia đình khá giả nhưng do những sự thay đổi của chế độ, ông cũng trải qua một thời tuổi trẻ khó khăn.

Từ Năm 16 tuổi, Trần Tiến đã làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn và đi biểu diễn ở vùng tuyến lửa lúc bấy giờ như Quảng Bình, Vĩnh Linh. Các bài hát Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp được ông viết trong thời gian này và đã đoạt Giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Sự nghiệp âm nhạc của Trần Tiến vô cùng đồ sộ và kho tàng các bài hát nổi tiếng của ông nhiều không xuể. Hàng loạt các ca khúc nổi tiếng như: Mặt trời bé con, Tóc gió thôi bay… vẫn luôn được các thế hệ yêu nhạc yêu mến. Và nhạc sĩ Nguyễn Cường – người bạn thân thiết của Trần Tiến trong “Bộ tứ sông Hồng” đã không tiếc lời khen dành cho bạn mình: “Trần Tiến là ông hoàng số 1 của pop Việt”.

Theo Giao thông