Ngày 20/11, Quốc hội sẽ chính thức biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, vấn đề bổ sung thêm ngày nghỉ lễ trong năm và giảm giờ làm việc bình thường vẫn là vấn đề lớn được đặc biệt quan tâm.
Đầu tháng 11, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội xem xét bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ là 28/6 (ngày Gia đình Việt Nam).
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 19/11, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm. Nhưng thay vì chọn ngày 28/6 sẽ chọn vào dịp Quốc khánh 2/9. Quy định này được ghi vào trong luật.
Bộ luật Lao động sửa đổi nếu được Quốc hội thông qua sẽ có quy định người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9. Ảnh: Hoàng Hà.
“Nếu chọn dịp 2/9 thì có ý nghĩa hơn vì vừa giải quyết được vấn đề gia đình, vừa là ngày Quốc khánh của đất nước, lại là ngày cận kề trẻ em, học sinh, sinh viên đến trường. Như vậy, có thể lựa chọn cho nghỉ thêm một ngày vào 1/9 hoặc 3/9 để bố mẹ có thêm thời gian, điều kiện chuẩn bị ngày khai giảng cho con”, ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, việc lựa chọn ngày 1/9 hoặc 3/9 giao cho Chính phủ chọn. Như vậy người lao động sẽ được nghỉ Quốc khánh trong 2 ngày, vào ngày 2/9 và một ngày liền trước hoặc sau 2/9.
Về giờ làm việc bình thường, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết Quốc hội giao Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội để quyết định. Khi năng suất lao động được nâng lên có thể đánh giá tác động giảm thời gian xuống 40 giờ/tuần.
Ông cũng nhấn mạnh việc Nhà nước khuyến khích chủ lao động và người sử dụng lao động thương lượng để giảm giờ làm việc từ 44 giờ xuống 40 giờ/tuần. “Việc này là hoàn toàn có thể. Đây là quy định mở, vì thế nếu người lao động có mong muốn cũng không nhất thiết phải ép doanh nghiệp giảm giờ làm”, ông Lợi nói.
Liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi), đầu tháng 11, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau.
Về giờ làm việc bình thường, luật hiện hành quy định là 48 giờ/tuần, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện làm việc 40 giờ/tuần.
Theo tính toán, nếu giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thì tổng thời gian giảm là 208 giờ/năm (8,4%). Việc này sẽ khiến tổng chi phí lao động tăng lên khoảng 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm khoảng 0,5%.
Chính phủ cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan đến nhiều chủ thể, có tác động rất lớn đến năng suất, tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế, cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng.
Vì vậy, Chính phủ thống nhất trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định hiện hành. Đồng thời, đề nghị bổ sung, quy định rõ trong luật là khuyến khích doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần, có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp.
Theo Zing