Theo đó, công văn nêu rõ yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận huyện, thị xã thành phố làm tốt công tác quản lý, sử dụng pháo trên địa bàn. Công an thành phố làm đơn vị thường trực, phối hợp với các sở, ngành, quận huyện làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về pháo góp phần đảm bảo an ninh trật tự, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đồng thời, xây dựng và triển khai phương án phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và các sự kiện lớn trên địa bàn thành phố.
Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, ban chỉ huy quân sự các cấp kiểm tra, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ việc sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng pháo hoa, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và các sự kiện lớn trên địa bàn thành phố.
Hà Nội sẽ bắn pháo hoa trở lại trong dịp Tết Âm lịch năm 2018
Các năm trước, TP Hà Nội bắn pháo hoa 5 điểm tầm cao và 25 điểm tầm thấp sau 1 năm dừng bắn pháo hoa. Cụ thể, 5 điểm tầm cao gồm: Hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), hồ Văn Quán (quận Hà Đông) và sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). 25 điểm tầm thấp sẽ tương ứng với 25 quận, huyện, thị xã, vị trí bắn pháo hoa sẽ do từng quận, huyện xác định.
Trước đó, dịp Tết Nguyên đán 2017, Hà Nội quyết định không tổ chức bắn pháo hoa theo Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư Trung ương. Cụ thể, Thành phố Hà Nội đã không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm trên địa bàn thành phố như thường lệ hằng năm. Thay cho hoạt động bắn pháo hoa được nhiều người dân chờ đón này, Hà Nội tổ chức hàng loạt các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ vào đêm giao thừa. Đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết 2018.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo an toàn giao thông phục vụ đi lại của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có Văn bản về nội dung này. Trong đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Thông tin & Truyền thông chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình ngầm có phương án chuẩn bị để kịp thời cảnh báo, thay thế ngay các nắp ga mất nắp và có kế hoạch sửa chữa, khắc phục ngay các hố ga bị hư hỏng, lún võng gẫy sập mất an toàn giao thông.
Chỉ đạo đơn vị quản lý cây xanh phối hợp với các đơn vị quản lý đường: tỉa cành cây che lấp biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông. Có kế hoạch bổ sung hệ thống chiếu sáng tại các đầu cầu vượt nhẹ trong nội đô (cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà, Thái Hà - Chùa Bộc...) để đảm bảo tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông khi lên cầu.
Các đơn vị đang thực hiện công tác xã hội hóa hạ ngầm đường dây: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tập Đoàn viễn thông Quân đội; Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, quản lý chặt chẽ chất lượng hoàn trả và cần có kế hoạch phối hợp đồng bộ thi công hạ tầng để giảm việc tối đa đào hè đường vừa gây mất an toàn giao thông vừa ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị.
Theo Infonet