Câu hỏi đồ cúng cô hồn có nên ăn được nhiều người đặt ra vào dịp rằm tháng 7. Vào ngày này, ngoài mâm cũng gia tiên, thần linh, mâm cúng Phật (đối với Phật tử), các gia đình còn có lễ cúng chúng sinh, hay còn gọi là cúng cô hồn. Nghi lễ này thường được thực hiện ngoài trời, thậm chí ngoài đường, dành cho những vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ tự. 

Về nguyên nhân cúng cô hồn ngoài trời, dân gian cho rằng những vong hồn xa lạ cũng có tốt, có xấu, nếu mời vào nhà thì có thể gặp rắc rối nếu bị quấy quả, vì vậy cúng ở ngoài sẽ đảm bảo sự bình an cho gia chủ. Một số người giải thích rằng phần đất thổ cư của mỗi gia đình đều có thổ thần thổ địa canh giữ, những vong "không phận sự" sẽ không được vào hưởng lễ cúng, hoặc họ sẽ sợ mà không dám vào.

Đồ cúng cô hồn có nên ăn?-1
Xôi cúng cho ngày rằm tháng 7. (Ảnh: Minh Đức)

Về đồ lễ cúng cô hồn, nhiều người cho rằng nếu ăn thì sẽ khiến cô hồn vốn luôn đói khát tức giận vì cảm thấy bị giành giật vật thực, từ đó sẽ quấy phá, dẫn đến những điều xui xẻo, nhẹ thì bị đau bụng, khó chịu, nặng thì gặp những chuyện không hay khác. 

Tuy nhiên, ở một số địa phương tại miền Nam có tục giật đồ cúng cô hồn, thậm chí còn có cảnh tranh cướp nhau. Người ta quan niệm, đồ cúng cô hồn bị người ngoài giật đi thì những điều xui xẻo của gia chủ cũng theo đó biến mất, còn người giật đồ cúng cũng nhận được may mắn. 

Vậy đồ cúng cô hồn có nên ăn? Về phương diện tín ngưỡng thì như bạn thấy, mỗi nơi mỗi khác, tùy vào phong tục. Riêng ở các chùa, đồ lễ cúng cô hồn vẫn được đem ra sử dụng như thường, vì đạo Phật không chấp vào hình tướng của các vật. Dâng cỗ cúng là dâng tấm lòng thành, cái mà các vong hồn chúng sinh  nhận hưởng là tấm lòng tưởng nhớ, chia sẻ, thương xót... chứ không phải đĩa xôi, gói bỏng thật.

 

Vì vậy, vứt bỏ đồ cúng cô hồn không ăn là một kiểu lãng phí thực phẩm, rất không nên.

Tuy nhiên, ngày xưa người ta kiêng ăn đồ cúng cô hồn cũng có lý do, đó là đồ cúng thường được đặt ở ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài đường và đặt rất thấp, để lâu dễ trở nên mất vệ sinh, nhiễm bụi bặm, ẩm thấp, bị ruồi nhặng, gián, kiến, chuột... xâm phạm nên chứa nhiều vi trùng.

Chắc hẳn đã có những người ăn đồ cúng cô hồn bị đau bụng, và vì điều này diễn ra trong tháng cô hồn - khoảng thời gian bị coi là xui xẻo - nên nguyên nhân sẽ bị quy cho "ma trêu", "ma quấy"... Từ đó mà dẫn đến quan niệm kiêng ăn đồ cúng cô hồn, đặc biệt là trẻ em càng được dặn dò kỹ lưỡng.

Ngày nay, nhiều món ăn dành cúng cô hồn được đóng gói nylon kín như bánh kẹo, bỏng, bim bim... hoặc các loại trái cây còn nguyên vỏ nên hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Với các món khác, việc có nên ăn đồ cúng cô hồn cần được xem xét trên khía cạnh vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu vẫn đảm bảo thì có thể ăn, kém an toàn thì nên bỏ đi hoặc xử lý lại.

Theo VTC News