Đỡ đẻ cho chó đêm giao thừa và những câu chuyện 'cười ra nước mắt' nghề bác sĩ thú y

Trong 20 năm gắn bó với nghề bác sĩ thú y, anh Đăng có đến hơn chục giao thừa đỡ đẻ cho chó, có những ca kéo dài đến sáng mùng 1 Tết, tưởng xong rồi thì lại có người mang chó tới nhờ anh giúp đỡ.

Chuyện đỡ đẻ cho thai phụ ngày Tết là câu chuyện hết sức bình thường, nhưng đỡ đẻ cho các bệnh nhân đặc biệt là những chú chó, mèo lại chuyện khác.

Với Th.s, Bác sĩ Nguyễn Hải Đăng (Giám đốc một Bệnh viện Thú y tại Hà Nội) thì việc đỡ đẻ cho những "bệnh nhân" 4 chân này vào ngày Tết là chuyện thường gặp.

Bà đỡ bất đắc dĩ cho bệnh nhân “4 chân” đêm giao thừa

Đỡ đẻ cho chó đêm giao thừa và những câu chuyện cười ra nước mắt nghề bác sĩ thú y-1
Bác sĩ Đăng siêu âm cho chú chó giống Poodle với công nghệ 4D.

Trường hợp anh Đăng nhớ nhất cách đây 5 năm. Khoảng 21h tối đêm 30 Tết, khi anh chuẩn bị đón giao thừa thì nhận được điện thoại cầu cứu nói rằng chú chó Dachshund (hay còn gọi là giống Lạp Xưởng, Xúc xích) đẻ khó và được chủ đưa đến bệnh viện của anh.

Chú chó chửa 5 thai nhưng đến gần giao thừa thì mới chỉ đỡ được 4 thai, thai còn lại cuộn tròn trong bụng. Mãi đến 2 giờ sáng mùng 1 Tết thì thai cuối cùng mới ra.

Anh Đăng giải thích, nếu cho mổ thì chỉ mất 40 phút là xong, nhưng vì chú chó này đẻ thường được và đó cũng là giải pháp tốt nhất cho cả chó mẹ và chó con nên anh vẫn cố gắng chờ đợi.

Đỡ đẻ cho chó đêm giao thừa và những câu chuyện cười ra nước mắt nghề bác sĩ thú y-2
Nhìn chó mẹ và chó con khoẻ mạnh sau ca đỡ đẻ anh Đăng lại cảm thấy vui vẻ dù phải làm "bà đỡ" bất đắc dĩ đêm giao thừa.

“Nhưng chưa hết, khi chuẩn bị đóng cửa để nghỉ ngơi thì lại có người khách tiếp theo chạy đến, giọng hớn hở: 'May quá, bác sĩ vẫn còn thức, con sống rồi con ơi! các con của con cũng sống rồi'. Đó là chú chó Chihuahua, thời điểm mang đến đã bị vỡ ối nên tôi quyết định mổ đẻ. Đến khoảng 4 giờ sáng thì xong xuôi, khách ra về tôi đóng cửa đi ngủ.

Đến 6 giờ sáng, khi đang ngủ ngon bất chợt lại có người gọi cửa. Tiến sát cửa tôi nghe thấy tiếng tụng kinh niệm phật: 'Nam mô a di đà phật, con lạy Phật, con lạy Phật, mong sao gọi được bác sĩ, mong được bác sĩ cứu con của con'..., Và thế là nguyên đêm giao thừa và sáng hôm mồng 1 Tết, tôi đã đỡ đẻ cho hơn chục chú chó con ra đời thành công...", anh Đăng vui vẻ kể lại.

Đỡ đẻ cho chó đêm giao thừa và những câu chuyện cười ra nước mắt nghề bác sĩ thú y-3
Sau khi đỡ đẻ xong, chó mẹ và chó con quá yếu sẽ được nằm trong lồng ấp với nhiệt độ thích hợp.

Chuyện bi hài trong nghề bác sĩ thú y

Gắn bó với nghề bác sĩ thú y đã 20 năm, anh Đăng đã chứng kiến và trải qua nhiều câu chuyện bi hài trong nghề. Theo anh Đăng, không ít trường hợp chủ vì quá đau buồn khi “thú cưng” đến nỗi khóc lóc thảm thiết. Thậm chí là ngất xỉu, phải nhập viện cấp cứu, truyền nước.

Phòng khám của anh cũng trở thành nơi thường xuyên diễn ra lễ cầu siêu khi thú cưng không qua khỏi hay thành nơi ăn ngủ của cả những gia đình “kỹ tính”, chọn giờ sinh và giờ đón thú cưng về nhà.

Đỡ đẻ cho chó đêm giao thừa và những câu chuyện cười ra nước mắt nghề bác sĩ thú y-4
20 năm làm nghề bác sĩ thú y, bác sĩ Đăng chứng kiến nhiều câu chuyện bi hài.

Anh Đăng kể, cách đây khoảng 3 năm có một chú chó Phốc Sóc (5 tuổi) của cặp vợ chồng hiếm muộn ở đường Lương Thế Vinh (Hà Nội) vì không có con nên xem chó như con. Điều kỳ lạ là chú chó này cũng khó có con nên phải cho thụ tinh nhân tạo nhưng cũng chỉ được duy nhất một thai nên không chỉ chọn giờ sinh, ngày sinh gia đình này còn chọn cả ngày đẹp đón cún về.

“3 ngày sau khi "bệnh nhân" sinh mới được ngày đón về nên vợ chồng chị chủ gần như ăn ngủ tại phòng khám. Lúc đón về, gia đình đưa ô tô đến đón, có cả họ hàng nội ngoại hai bên như đón chính con của anh chị vậy, thậm chí họ còn chọn trước người truyền tay đón chú chó con”, anh Đăng nhớ lại.

Đỡ đẻ cho chó đêm giao thừa và những câu chuyện cười ra nước mắt nghề bác sĩ thú y-5
Nhiều gia đình "kỹ tính" chọn giờ đẹp để chó sinh con và cả thời gian đón về.

Còn có những ca sau khi chó mẹ đẻ xong chưa kịp có sữa cho chó con bú, chủ nuôi sẵn sữa do đang nuôi con nhỏ nên không ngại ngần vạch áo lên cho chó bú khiến các bác sĩ ngỡ ngàng và ngạc nhiên.

Anh Đăng cũng kể thêm về kỷ niệm về “căn bệnh lạ” mà anh đã từng cấp cứu, khi chó được chủ nuôi cho uống thuốc lắc nên khi nghe nhạc lại lắc lư khiến ai cũng “bật cười” khi biết nguyên do.

Đó là vào tối một ngày mùa hè năm 2016, một bạn thanh niên mang đến phòng khám của anh Đăng 2 bạn Phốc Hươu (Fox Hươu) nhưng điều lạ là dù nhìn cả hai vẫn tỉnh táo nhưng không hiểu sao cứ lắc lư theo đúng nhịp điệu.

Trong chuyên môn chưa thấy nhắc đến bệnh này nên khiến bác sĩ ngỡ ngàng tưởng bệnh lạ. Hai chú chó lắc liên tục đến 7 giờ sáng ngày hôm sau, bác sĩ cũng phải thức cùng để theo dõi.

“Không ai biết là bệnh gì, may là đến khoảng 5 giờ sáng, người cho hai chú chó uống thuốc lắc cũng phê thuốc, khi tỉnh lại và nói lại với gia đình về việc cho chó uống cùng nên bác sĩ mới đưa ra liệu trình can thiệp.

Sự việc khiến cả ngày sau đó 2 chú chó mệt lử đến mức chỉ nằm một chỗ, không ăn uống gì", anh Đăng kể lại.

Theo Khám Phá


đêm giao thừa câu chuyện cuộc sống Tết Nguyên Đán chú chó

Tin tức mới nhất