- Thành công tại các cuộc thi nhan sắc chuyển giới tác động ra sao đến cuộc sống của chị?
Trước khi thi Chinh phục hoàn mỹ, tôi từng làm mẫu một thời gian, cuộc sống trôi qua bình thường. Khi đạt được danh hiệu quán quân và dự thi Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2019 cùng thành tích top 6, tôi nhận được nhiều chú ý hơn.
Ngoại trừ chị Hương Giang, danh xưng hoa hậu chuyển giới ở Việt Nam là một phạm trù mới. Người ta sẽ xem tôi ở bên ngoài được bao nhiêu phần nữ tính, bao nhiêu phần chuyên nghiệp so với các đồng nghiệp khác.
May mắn, ông trời cho tôi một ngoại hình xinh xắn, chất giọng con gái nên mọi thứ đều thuận lợi. Đặc biệt, khoảng thời gian đi thi quốc tế về, công việc dồn dập. Có tháng, tôi kiếm được gần 100 triệu đồng. Nhờ làm việc chăm chỉ lúc ấy, tôi nhanh chóng hoàn trả gia đình và bạn bè số tiền vay đi thi nhan sắc.
Nhưng sau thời gian đầu được chú ý, tôi bắt đầu loay hoay về định hướng dù thử sức nhiều lĩnh vực khác nhau: làm MC, người mẫu ảnh... Hiện tôi theo học lớp diễn xuất tại sân khấu kịch của cô Hồng Vân. Tôi mong muốn được rèn luyện chuyên nghiệp và có thể khẳng định bản thân ở vai trò diễn viên. Là một nghệ sĩ trẻ, tôi hiểu khó khăn mình đang trải qua. Nhưng tương lai còn dài, tôi sẽ phấn đấu hết mình.
- Vì sao chị không chọn một công việc văn phòng ổn định cuộc sống?
Bố mẹ không ủng hộ tôi theo nghệ thuật. Nhưng thú thật, tôi không phù hợp công việc văn phòng. Tôi năm nay mới 24 tuổi, cũng đã tốt nghiệp đại học nên cho phép bản thân vài năm để thỏa đam mê của tuổi trẻ. Sau này về già, mình sẽ không có gì nuối tiếc cho tuổi thanh xuân.
Nhưng nếu không thành công ở con đường nghệ thuật, tôi sẽ chuyển hướng làm tiếp viên hàng không. Đó cũng là một ước mơ khác của tôi. Trước đây, tôi từng làm lễ tân một khách sạn gần sân bay, tôi được gặp gỡ, tiếp xúc những đoàn tiếp viên hàng không. Nhìn các chị mặc đồng phục, phong thái chuyên nghiệp, tôi vô cùng hâm mộ.
Đỗ Nhật Hà tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2019.
- Chuyện tình cảm của chị thế nào?
Hiện tôi độc thân. Ở tuổi 24, sự nghiệp của tôi chưa vững vàng nên muốn gây dựng nó trước. Phụ nữ thời nay nên độc lập tài chính, tự chủ cuộc sống. Khi yêu, mọi thứ thật đẹp nhưng cuộc sống hôn nhân lại trái ngược hoàn toàn. Đôi khi người đàn ông muốn bạn gái hoặc bạn đời trở thành hậu phương của họ.
Ở tuổi này, tôi vẫn còn muốn bay nhảy, chinh phục những đỉnh cao mới. Tôi vẫn giữ quan điểm đến 30 tuổi mới lấy chồng.
Trước đây, tôi cũng tìm hiểu vài người nhưng họ quyết định chia tay khi biết tôi là người chuyển giới. Từ đó, tôi không muốn khiến người khác ngộ nhận nên sẽ thẳng thắn ngay từ đầu.
Thật ra, tôi cũng không muốn tất cả đều biết mình là người chuyển giới. Nhưng khi được hỏi, tôi không phủ nhận. Tôi biết có nhiều người muốn giấu đi quá khứ khi đã trở thành con gái. Khi bị phát hiện, họ cũng sẽ tìm cách giải thích để bảo vệ cuộc sống yên bình. Tuy nhiên, tôi không thuộc trường hợp này. Khi mình đã rõ ràng ngay từ đầu, cuộc sống mình sẽ thoải mái. Nếu có chia tay, nguyên nhân là cả hai không hợp nhau chứ không phải vì tôi chuyển giới.
- Tiêu chuẩn về bạn trai của chị là gì?
Suy nghĩ của tôi thay đổi theo từng giai đoạn. Bây giờ, suy nghĩ trưởng thành hơn nên tôi không đòi hỏi người đàn ông có địa vị, có thể chăm lo cho cuộc sống của mình.
Tôi muốn người đàn ông trước hết phải tôn trọng, đối xử với tôi bằng tất cả sự chân thành. Tôi không muốn bạn trai ra điều kiện rằng anh ấy sẽ yêu tôi nếu tôi chịu thay đổi để xứng đáng với anh ấy. Khi hai người đến với nhau, điều đầu tiên tôi cần là phải tôn trọng nhau. Ngoài ra, lúc ở bên người đó, tôi phải thực sự cảm thấy thoải mái và ngược lại.
Hiện có nhiều người muốn tìm hiểu tôi, đa số họ đều làm trong lĩnh vực giải trí. Thế nhưng tôi lại không muốn có bạn trai làm cùng nghề. Mọi người thường nói nếu có người yêu làm cùng ngành nghề thì cả hai sẽ cùng đi lên, thấu hiểu cho nhau song cũng có nhiều vấn đề nhạy cảm. Tôi không muốn bạn trai bị ảnh hưởng quá nhiều bởi mình.
Nhiều người cũng bảo rằng nếu bạn trai không thuộc showbiz thì sẽ khó chấp nhận quá khứ của tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng, đó là một thử thách cho cả hai. Nếu anh ấy chấp nhận con người tôi, hiểu được đam mê nghệ thuật của tôi thì sẽ càng chứng tỏ tình yêu chân thành anh dành cho tôi.
- Chị nghĩ gì trước nhận định "Không thể tồn tại tình yêu giữa một người đàn ông và một phụ nữ chuyển giới"?
Khá hiếm cặp nào quen nhau lâu bền. Trong suy nghĩ của người đàn ông Việt Nam, đến độ tuổi nào đó, họ sẽ cưới vợ, sinh con. Họ không cần chung sống với người chuyển giới khi bản thân có đầy đủ các điều kiện khác. Đó là vấn đề lớn nhất khiến họ có thể chia tay.
Ngoài ra, người đàn ông còn chịu ảnh hưởng từ phía gia đình. Nếu người nam đủ bản lĩnh, cả hai có thể bên nhau lâu dài hơn. Tôi thấy đa phần người chuyển giới sẽ quen người nước ngoài. Người phương Tây có tư tưởng thoáng hơn, không giống đàn ông châu Á.
Giống ở gia đình tôi, mẹ là người khá tiêu cực trong tình yêu. Bà hay bảo tôi sống một mình, ráng đi làm, kiếm tiền rồi sống cho sung sướng. Tôi vẫn tin vào tin tình yêu, chỉ là không lập gia đình lúc này.
Nhật Hà cao 1,75 m, số đo 87-62-90.
- Chị chăm sóc nhan sắc thế nào?
Tôi phải giữ gìn vẻ ngoài khá kỹ. Có những người phải chi nhiều tiền để phẫu thuật thẩm mỹ, sau đấy lại mất thời gian trùng tu. Riêng tôi chỉ chăm dùng nội tiết tố, đảm bảo đủ liều lượng nội tiết tố hàng ngày. Nếu bỏ uống nội tiết tố, ngoại hình của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Để có được như hôm nay là cả một quá trình dài phấn đấu, tôi cố gắng hạn chế các yếu tố xấu tác động đến bề ngoài của mình.
- Chị muốn nhắn nhủ gì với các bạn chuyển giới muốn bước vào showbiz ?
Thông thường mọi người cho rằng người chuyển giới có học thức kém, địa vị thấp trong xã hội. Do đó, các bạn chuyển giới cần trau dồi về học vấn, chuyên môn, tự nâng cao bản thân.
Ví dụ trong khi học đại học ngành quản trị khách sạn, tôi đi thi hoa hậu với mong muốn khẳng định bản thân. Tiếp đó, tôi lựa chọn theo con đường diễn viên vì muốn phát triển khả năng vốn có cũng như tìm kiếm nghề nghiệp lâu dài. Tôi tin các bạn trong cộng đồng LGBT sẽ làm được bởi các bạn có khả năng sáng tạo cao hơn bình thường. Quan trọng là mỗi người phải biết được thế mạnh và giữ vững niềm tin.
Ngoài ra, tôi mong các bạn giữ gìn hình ảnh đẹp của người chuyển giới trong mắt xã hội. Tôi không muốn hình ảnh tốt của nhiều người chuyển giới cùng nhau xây dựng lại bị một cá nhân nào đó tự phát hủy hoại. Khán giả không quá quan tâm cô hoa hậu chuyển giới này làm được việc gì nhưng họ lại bàn tán về bạn chuyển giới kia ra đường cởi đồ.
Mười việc tốt không gây ấn tượng lâu dài bằng một hình ảnh xấu. Vì thế, chúng ta không nên tiếp tục làm xấu hình ảnh của người chuyển giới trước cộng đồng.
- Có thông tin thời gian qua chị căng thẳng đến mức trầm cảm. Lý do là gì?
Trước khi chuyển giới, khoảng năm 2014, tôi có vài triệu chứng trầm cảm nhẹ. Lúc đó, mọi thứ bế tắc do gia đình không chấp nhận chuyện chuyển giới, tôi không tìm được lối thoát cho mình. Tôi phải dùng thuốc an thần, giấc ngủ cũng chập chờn. Sau đó, tôi được để tóc dài, mặc đồ như con gái, giúp tâm lý dần ổn hơn.
Đến khi chuyển giới, cuộc phẫu thuật để lại nhiều hệ lụy. Việc mất đi hormone nam đột ngột, cơ thể không thích nghi được sẽ ảnh hưởng nhiều đến tinh thần. Thời gian đó tôi suy nghĩ rất tiêu cực, thấy mình có triệu chứng tương tự như trầm cảm sau sinh. Bạn bè chỉ cần trêu: "Thôi mày nằm đó đi, tao bỏ mày đi đấy" là tôi có thể khóc nức nở.
Song mọi thứ cứ dai dẳng, âm ỉ trong tôi chứ không bùng phát nghiêm trọng. Đến giữa 2019, tôi bị trầm cảm trở lại. Đó là lúc tôi vừa đi thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế về không lâu, phải đối diện nhiều áp lực từ công việc lẫn dư luận. Tôi suy sụp, cảm thấy nhiều bế tắc trong cuộc sống, nhất là khi không tìm được hướng đi phù hợp trong hoạt động nghệ thuật.
Đỗ Nhật Hà bên bố mẹ. Cô cắt tóc ngắn sau thời gian đối diện trầm cảm.
- Chị làm gì để vượt qua trầm cảm?
Trầm cảm không chỉ đến bác sĩ, uống thuốc là hết mà quan trọng mình phải tự tìm ra lối thoát. Tôi đã cắt tóc để thay đổi mình, tập suy nghĩ tích cực hơn. Đó là bước ngoặt lớn trong suy nghĩ.
Ngày xưa, để nuôi được một mái tóc dài như con gái, tôi phải đấu tranh với gia đình khủng khiếp. Mái tóc dài là niềm tự hào và hạnh phúc. Nhưng tôi muốn thay đổi, mọi thứ phải mới mẻ, không còn bị luẩn quẩn nữa nên tôi quyết cắt tóc - điều quý nhất trên cơ thể. Ngoài ra, tôi không dám ở nhà, cố gắng ra ngoài cùng bạn bè cho thoải mái.
Ba mẹ không biết con gái trầm cảm. Tôi không tâm sự nhiều với ba. Mẹ tôi gần gũi hơn nhưng cũng không thể hiểu hết con đang suy nghĩ gì. Tôi không thể hiện cảm xúc tiêu cực trước mặt ba mẹ mình. Tôi sợ ba mẹ lo nghĩ nên đều giấu chuyện không hay. Nếu khóc, tôi trốn trong phòng, khóc cho thỏa rồi thôi.
Theo Ngoisao.net