Nhiều người sẽ sốc khi không thể hiểu sao các bà mẹ lại có thể “quấn” một chiếc vòng cổ được làm từ sữa mẹ lên người. Tuy nhiên, sản phẩm đồ trang sức làm từ sữa mẹ này đang là xu thế cực kì "hot".

Suzanne - một bà mẹ Anh không mấy mặn mà với kiểu kỷ niệm ngày thôi nôi của con mình bằng một lọn tóc, một chiếc răng quý giá hay một album ảnh. Thay vào đó, cô chọn một vật lưu niệm gần gũi hơn với bé.

Cô đã đặt một chiếc dây chuyền được làm từ... sữa của chính cô.

Độc đáo kiểu trang sức được làm từ sữa mẹ
Mặt dây chuyền làm từ sữa của chính Suzanne được cô đặt hàng với giá 75 bảng Anh.


Vickie Krevatin, người sở hữu công ty nữ trang làm từ sữa mẹ nổi tiếng nhất nước Anh Mom’s Own Milk cho hay: “Tôi biết những gì tôi làm sẽ gây khó chịu cho một số người, những người cho rằng loại trang sức này là kinh tởm. Tuy nhiên, tôi càng ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng làm những món đồ trang sức làm từ sữa mẹ".

Tại sao công ty của Krevatin càng lúc càng ăn nên làm ra như vậy? Thật dễ hiểu, đây là do xu hướng thương mại hóa mọi phương diện về trẻ em. Với những ông bố bà mẹ sẵn sàng vung tiền để làm bất cứ điều gì cho con, từ việc đúc khuôn dấu chân của con cho đến chụp hình nghệ thuật thì việc lấy sữa mẹ làm kỷ vật cho con cũng sẽ là một ý tưởng không tồi.

Nhưng đối với nhiều người phụ nữ, ngoài yếu tố thời trang, trang sức làm từ sữa mẹ cũng mang một ý nghĩa thiêng liêng. Như trường hợp của Suzanne, cô đeo vòng cổ làm từ sữa của chính cô như một huy hiệu thể hiện sự tự hào khi cô đã nuôi cả ba đứa con nhỏ Ava 4 tuổi, Henry 2 tuổi và Oliver 10 tháng tuổi của mình bằng sữa mẹ.

Khi Oliver được 5 tháng tuổi, Suzanne dự định sẽ ngừng cho con bú khi kỳ nghỉ thai sản của cô kết thúc. Lúc này, cô vô tình đọc được tin tức về đồ trang sức làm từ sữa mẹ trên một diễn đàn Facebook.

“Suy nghĩ đầu tiên của tôi là chắc nó trông sẽ rất thô và lòe loẹt. Nhưng tôi thực sự rất tò mò. Tôi thấy giống như mình đang đeo một lọ sữa bên mình. Nó thật độc đáo và là cách để kỷ niệm ngày cuối cho con bú của tôi”, bà mẹ Suzanne cho biết.

Vì vậy, tháng trước, Suzanne đã đặt một dây chuyền giá 75 bảng Anh làm từ sữa của mình. Công ty thiết kế trang sức đã gửi cho cô 2 ống nghiệm cao su bịt kín một đầu để cô vắt 30ml sữa của mình vào đó và gửi lại công ty. Sữa sẽ lưu trong phòng phân loại vài ngày, nhưng theo Vickie, người đã thực hiện các đơn đặt hàng từ những nơi rất xa như New Zealand, cho biết sữa mẹ vẫn tươi lâu hơn so với sữa bò vì hàm lượng protein của sữa mẹ thấp hơn sữa bò. Sữa cũng sẽ không bị đông lại hay có mùi hôi.

Độc đáo kiểu trang sức được làm từ sữa mẹ
Suzanne và con trai 10 tháng tuổi Oliver.


Khi Vickie nhận được các ống nghiệm chứa đầy sữa mẹ, cô sẽ cô đặt nó với hai thành phần bí mật mà cô từ chối tiết lộ vì lo ngại đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh, Anna Daniels: “Cách duy nhất để làm đồ trang sức từ bất kỳ loại sữa nào là phải tách casein (loại protein chính trong sữa). Thao tác này có thể được thực hiện bằng cách trộn sữa với một chất chua như dấm hoặc chanh để đẩy protein ra ngoài và cô đặc sữa lại”.

Sau đó, Vickie sẽ đúc khuôn mẫu sữa đã được cô đặt theo một hình dạng nào đó và đặt nó trong hộp nhựa khoảng 24 giờ.

Vickie thành lập công ty của mình sau khi có con là Jessy. Hiện cô đã 42 tuổi nhưng vẫn đang cho con bú năm lần một ngày.

Bà mẹ Kim Bartrum, 32 tuổi, đến từ Birmingham cũng đã đeo một vòng xuyến đeo cổ bằng sữa mẹ để kỷ niệm mối dây liên kết của mình với đứa con 2 tuổi rưỡi - cậu bé Vincent. Cô đã cho Vincent bú cùng với em trai 7 tuần tuổi của mình. Năm tháng sau, cô biết mình mang thai lần nữa và nguồn sữa mẹ của cô phải bị gián đoạn. Từ đó, cô quyết định phải có một vật lưu niệm. “Vòng cổ của tôi đại diện cho thành tích cho con bú của tôi, nó thể hiện sự gần gũi của tôi với các con. Tôi đã không nhận được bất kỳ ý kiến tiêu cực nào, gia đình tôi nghĩ rằng việc này rất đáng yêu”, cô chia sẻ. Kim thậm chí còn mong sẽ giao lại những món đồ trang sức này cho hai con trai của mình khi chúng trưởng thành.

Theo thời gian, sữa mẹ có thể bị đổi màu do enzym của chúng tiếp xúc lâu với ánh sáng. Nhiều khách hàng có thể thấy sữa mẹ sẽ chuyển sang màu nâu trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, những khách hàng của dòng sản phẩm đặc biệt này vẫn thích thú vì họ cho rằng cho con bú là một sự kiện lớn của cuộc đời. Đây là cách để họ lưu giữ những kỷ niệm.


Theo Tri Thức Trẻ