- Anh nghĩ gì về vai mới của mình trong phim "Quỳnh búp bê"?
Khi mới xem, khán giả có thể thốt lên "À, Quốc Đam lại đóng vai phản diện!". Thế nhưng, Cảnh không hoàn toàn là một kẻ xấu. Nhân vật của tôi trong Quỳnh búp bê không xấu hẳn nhưng cũng không tốt hẳn. Bản thân Cảnh không phải là một con người ác và tất cả những việc cậu ta làm chỉ là để trả ơn cho người đã cứu vớt mình. Dù phục tùng thế giới tội ác, đôi khi Cảnh vẫn có lòng trắc ẩn, đối xử có tình người với các đàn em của mình. Đối với tôi, đây là một nhân vật khá thú vị.
Quốc Đam vào vai Cảnh, đảm nhận nhiệm vụ quản lý gái làng chơi tại một nhà chứa trong phim "Quỳnh búp bê".
- Ba bạn diễn nữ trong "Quỳnh búp bê" tạo cho anh ấn tượng như thế nào?
Phương Oanh, Thu Quỳnh hay Thanh Hương đều là những người đàn bà cực đẹp và mỗi người đều có cá tính riêng. Tôi thấy họ đều hết mình cho vai diễn. Ba người đàn bà ấy đều đẹp nên ai cũng sẽ có chút xao xuyến khi nhìn họ. Tất nhiên bản thân tôi cũng xao xuyến khi đứng trước các cô ấy vì phải có cảm xúc thật thì mới đóng phim được chứ (cười).
Trong phim, tôi có nhiều cảnh đánh đập họ. Thu Quỳnh đã phải ăn tát thật còn Thanh Hương thì suýt chút nữa bị tôi dùng gậy thúc vào bụng. Phim làm về giới mại dâm nên cách nói chuyện của các thành viên trong đoàn cũng có hơi hướng xã hội đen để giữ đường dây nhân vật. Từ đạo diễn đến quay phim, diễn viên đôi khi cũng chửi tục theo đời sống của bộ phim.
Cảnh quay mà tôi nhớ nhất khi thực hiện Quỳnh búp bê chính là phân đoạn bị Thu Quỳnh cưỡng hiếp. Thu Quỳnh đã diễn theo kiểu hơi cuồng, khiến cho nhân vật của tôi phải sợ và đúng là tôi thấy sợ thật. Tôi hoảng vì phải cởi áo và suýt chút nữa đã phải cởi thắt lưng, cởi quần... trong cảnh đó.
- Anh cảm thấy thế nào khi phải thực hiện vô số cảnh đánh đập bạn diễn nữ?
Lúc nào tôi cũng thấy áy náy với các cô ấy. Sau mỗi cái tát, tôi đều chạy lại ôm bạn diễn một cái. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đánh phụ nữ. Kể cả có tức giận lắm, tôi cũng chỉ trút giận lên một vật nào đó. Dù đã xin lỗi, tôi vẫn không cảm thấy bớt áy náy chút nào.
- Anh nghĩ sao khi bị khán giả gắn với hình ảnh của diễn viên chuyên đóng vai phản diện?
Từ trước đến nay, mọi người thường đánh đồng vai cá tính với vai phản diện. Đối với tôi, vai cá tính là vai nhiều màu sắc. Tôi thích làm những vai trông bề ngoài rất mất dạy nhưng ẩn chứa bên trong nhiều cái tốt hoặc một người tốt vẫn có những lúc mất dạy. Đấy mới là cuộc đời vì hoàn cảnh nhiều lúc xô đẩy, bắt buộc người tốt cũng phải có lúc xấu và người xấu cũng có lúc nổi lên tính người, bản thiện chứ không phải chỉ có một mặt.
Tất cả đạo diễn từng làm với tôi đều hiểu tôi muốn làm những vai không tốt hẳn cũng chẳng xấu hẳn. Nhân vật của tôi phải có lúc sóng gió và có lúc phần ác nổi lên trong con người lương thiện hoặc ngược lại. Đó là một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Nhân vật Trần Tú của Người phán xử ở cuối phim vẫn có tính con người khi quyết định làm mọi việc vì bản thân và anh em của hắn. Đó là mong muốn chính đáng nhưng thực hiện theo cách tiêu cực mà thôi.
Quốc Đam có vô số cảnh đánh đập bạn diễn nữ trong phim.
- Từng đóng nhiều phim nhưng đến "Người phán xử", anh mới thực sự nổi lên. Anh nghĩ gì về điều đó?
Tôi từng làm rất nhiều phim nhưng chưa có phim nào hiệu quả như Người phán xử. Tuy nhiên, hiệu ứng quá lớn cũng khiến cuộc sống của tôi không được thoải mái lắm. Tôi từng gặp nhiều trường hợp cố tình soi mói, nói những lời rất khó chịu. Nhiều người thậm chí không phân biệt được sự khác nhau giữa trong phim và ngoài đời khi đánh đồng tôi với Trần Tú. Họ bàn tán, nói ra nói vào và thậm chí moi móc hết chuyện đời tư của tôi. Đôi khi họ vẽ ra những câu chuyện không có thật mà tôi cảm tưởng đó là ông Đam nào khác chứ không phải là mình. Tôi không thích nổi tiếng, không thích bị quan tâm quá nhiều. Tôi mong khán giả chỉ xem phim và quan tâm đến nhân vật của mình thay vì để ý xem tôi sống như thế nào.
Rất nhiều người từng nói với tôi rằng chọn một nghề của công chúng nhưng không thích nổi tiếng là điều mâu thuẫn. Bản thân tôi cũng thấy rất mâu thuẫn. Tôi không muốn bỏ nghề diễn nhưng cũng không muốn bị mọi người nhận ra ở đời thường. Điều đó khiến tôi thấy không thoải mái, lúc nào cũng phải giữ ý tứ, thậm chí đến ăn uống cũng phải khép nép. Như vậy mệt mỏi lắm! Tôi thích cuộc sống thoải mái, ngồi với những người bình thường, không quan tâm việc tôi là nghệ sĩ. Tôi không thích bị hỏi những câu tương tự như "Đang làm phim gì?", "Trong phim đấy có em này xinh lắm, có thích em ấy không?"...
- Tại sao anh lựa chọn công việc diễn viên trong khi không thích nổi tiếng?
Nếu nói tôi hoàn toàn không thích nổi tiếng thì cũng không phải. Khi làm nghệ thuật, tôi cũng muốn khán giả biết đến mình. Tuy nhiên, tôi không thích mặt trái của việc nổi tiếng vì thực tế, ngoài những người tôn trọng mình còn có những người thể hiện tình cảm bằng những cách rất mất lịch sự. Tôi có thể bắt tay, chào hỏi, chụp ảnh với khán giả nói chuyện lịch sự với mình. Thế nhưng, tôi khó chịu khi có những người chạy ra vỗ vai, đánh mình như quân thù. Một số người sau khi chụp ảnh với tôi còn đăng Facebook kèm theo những chú thích không đúng sự thật. Khi đọc được những dòng đó, tôi cảm thấy rất xúc phạm.
Doãn Quốc Đam nổi tiếng với vai Trần Tú trong phim "Người phán xử".
- Ngoài những hiệu ứng tiêu cực, anh thấy "Người phán xử" còn mang đến cho mình điều gì?
Tôi được khen nhiều hơn và thấy vui khi những khán giả có văn hóa tôn trọng mình. Sau Người phán xử, tôi được nhiều dự án săn đón hơn. Không chỉ phim truyền hình mà một số dự án điện ảnh ở TP HCM cũng mời tôi tham gia. Tôi cũng không phải thử vai nhiều như trước mà gần như được mời trực tiếp.
Cuộc sống cá nhân của tôi thay đổi một chút xíu thôi vì trước đó, tôi vốn không thích tự làm nổi bản thân. Tôi quan niệm mình có cái gì hay thì người ta tự biết chứ không thích khoe khoang.
Theo Ngoisao.net