Cụ thể, tài khoản fan ca sĩ Jihyo đăng tải câu chuyện của đàn chị Sunmi. Theo Sunmi, Jihyo là thực tập sinh khi còn rất bé, ít nói và thường đứng im như tượng giữa đám đông. Bất cứ thực tập sinh lớn hơn nào trêu chọc cô, ca sĩ sinh năm 1997 sẽ phản ứng bằng cách tác động vật lý lại.

Người đăng kèm theo video hiếm hoi về quãng thời gian Jihyo làm thực tập sinh và đang nô đùa với Taecyeon (2PM).


Video Jihyo năm 8 tuổi tại JYP được chia sẻ trên mạng xã hội X, dấy lên làn sóng tranh cãi về việc đào tạo thần tượng khi còn quá nhỏ. Video: X.

Kpop bóc lột lao động trẻ em?

Trong khi đoạn video ghi lại những hình ảnh dễ thương của Jihyo thời thơ ấu, nó cũng là lời nhắc nhở cho người hâm mộ về độ tuổi chính xác của cô khi cô bước vào ngành công nghiệp Kpop.

Cô gia nhập JYP Entertainment năm 2005, khi mới 8 tuổi và được đào tạo trong mười năm trước khi ra mắt. Trước khi gia nhập JYP, cô đã được đào tạo tại SM Entertainment trong một năm, lúc mới lên 7.

Video này làm dấy lên cuộc tranh luận về chuyện bình thường hóa việc trẻ em trở thành thực tập sinh Kpop và bị “ném” vào môi trường làm việc khắc nghiệt.

Đoạn video đang gây phản ứng dữ dội của nữ ca sĩ Hàn Quốc-1
Jihyo có 10 năm làm thực tập sinh trước khi được ra mắt trong nhóm Twice năm 2015.

“Chúng ta không chỉ biết các công ty giải trí rất tồi tệ mà còn biết kiểu phụ huynh nào cho phép điều này xảy ra. Họ thực sự không quan tâm đến con cái sao?”, “Đây thực sự là bóc lột lao động trẻ em, ngành công nghiệp Kpop cần phải được quản lý chặt chẽ vì không có lý do gì một đứa trẻ 7 tuổi phải luyện tập ở độ tuổi này”,

“Đây là khoảnh khắc dễ thương với nhiều người, nhưng tôi không cảm thấy gì ngoài đau đớn thay cho cô ấy. Là người mẫu nhí, được tuyển chọn khi mới 7 tuổi, dành 1 năm tại SM, 19 năm tại JYP, trải qua chương trình sinh tồn, có trung bình 4 lần xuất hiện trên truyền hình một năm trong gần 10 năm làm thần tượng. Điều này thật buồn và đáng sợ”… Khán giả bất bình trước video về Jihyo đang hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Thần tượng Kpop ngày càng trẻ hóa, các chuyên gia vẫn cảnh giác về những hậu quả tiềm ẩn

Ra mắt khi còn là thiếu niên không phải là hiện tượng mới trong ngành công nghiệp Kpop. Năm 2000, BoA chào sân khấu showbiz khi mới 13 tuổi. Taemin của SHINee ra mắt khi 14 tuổi vào năm 2008.

Trong thời gian từ 2020-2024, độ tuổi thần tượng ngày một trẻ hóa. Nhiều trẻ em đã vụt sáng thành thần tượng như Ni-ki của ENHYPEN, Leeseo của IVE, Jongseob của P1Harmony, Boeun của CLASS:y, Hyein của NewJeans - tất cả đều ra mắt ở độ tuổi 14.

Thực tế là họ chỉ là một phần nhỏ trong danh sách dài các thần tượng tuổi teen.

Đoạn video đang gây phản ứng dữ dội của nữ ca sĩ Hàn Quốc-2
Nhiều thần tượng ra mắt ở độ tuổi 13, 14 trong những bốn năm trở lại đây.

Mặt tích cực của việc ra mắt sớm giúp họ kiếm được nhiều tiền khi còn trẻ, nổi tiếng và quan trọng nhất là có nhiều thời gian để xây dựng sự nghiệp, nhưng nó cũng đi kèm với cái giá đắt.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Kun cho rằng việc trở thành thần tượng ở độ tuổi còn quá trẻ đồng nghĩa với việc bỏ lỡ mọi cơ hội giao lưu mà trẻ em có được ở trường học thông qua việc tương tác với bạn bè và tạo nên nhiều kỷ niệm.

Là người chuyên về tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên, Lim Myun Ho - Giáo sư tâm lý học từ Đại học Dankook - cảm thấy sự cô lập mà các thực tập sinh phải chịu trước khi ra mắt có tác động lớn.

Hệ thống đào tạo trong Kpop đã cắt đứt những đứa trẻ này khỏi thế giới thực đến mức chúng không còn được phát triển về mặt tâm lý và sự trưởng thành.

“Ngay cả khi họ có trở thành ngôi sao, thì khả năng cao là họ sẽ thấy khó kiểm soát cảm xúc hoặc khả năng phục hồi khi đối mặt với căng thẳng.

Họ cũng có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những bình luận thù ghét, sau đó trở nên không thể đối phó và rơi vào hành vi tự hủy hoại bản thân, điều mà chúng ta đã thấy nhiều người nổi tiếng làm. Việc thiếu giao tiếp xã hội là vấn đề lớn hơn cả việc trốn học” - giáo sư nói.

Đoạn video đang gây phản ứng dữ dội của nữ ca sĩ Hàn Quốc-3
Hyein sinh năm 2008, ra mắt trong nhóm Newjeans khi mới 14 tuổi.

Lee Gyu Tag, giáo sư về nhạc pop và nghiên cứu truyền thông tại Đại học George Mason Hàn Quốc, giải thích xu hướng ra mắt thần tượng trẻ tuổi này có thể bắt nguồn từ sự phổ biến của các chương trình thử giọng nhạc trot.

Trẻ em ở đây được thể hiện đúng độ tuổi trong khi các buổi thử giọng thần tượng yêu cầu chúng phải cư xử như những nghệ sĩ Kpop chuyên nghiệp.

Thêm vào đó, vấn đề tình dục hóa các thần tượng trẻ cũng là một mối quan tâm dai dẳng. Không chỉ là việc để lộ quần áo mà còn là việc trẻ em bị ép phải tiếp nhận những tư duy mà chúng chưa sẵn sàng.

Chương trình My Teenage Girl đã gây ra nhiều tranh cãi vì có sự tham gia của những người tham gia chỉ mới 11 tuổi.

Bất chấp những lời chỉ trích và dấu hiệu rõ ràng về tác hại, các chuyên gia cho rằng xu hướng công nghiệp của những nghệ sĩ trẻ mới ra mắt sẽ không dễ dàng biến mất.

Giáo sư Lim nói các hãng quản lý cần xây dựng nguồn lực để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho “gà nhà”, nhà phê bình Ha cho biết khán giả cũng cần cảnh giác và lên án việc đối xử không phù hợp hoặc tình dục hóa quá mức đối với những đứa trẻ này.

Theo Tiền Phong