Tuần trước, 50.000 bình oxy đã được tập kết tại khu du lịch Đại Nam. Được biết, số oxy này do Quỹ từ thiện Hằng Hữu của CTCP Đại Nam cung cấp cho người dân, chung tay với cả nước để vượt qua đại dịch.

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng: Tôi đặt 50.000 bình oxy từ cách đây 3 tháng-1

Chia sẻ tại livestream ngày 27/8, Chủ tịch CTCP Đại Nam ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng Lò Vôi) tuyên bố sẽ không để các bệnh viện dã chiến thiếu oxy, và sẽ cung cấp cho hội ATM Oxy của anh Hoàng Tuấn Anh.

Ông Dũng chia sẻ, ông đã đặt 50.000 bình oxy từ cách đây 3 tháng, cùng với 21 máy tạo oxy mini.

"Tôi đã chuẩn bị từ cách đây 3 tháng. Khi dịch bệnh xảy ra khó khăn nhất là vật tư y tế, quan trọng nhất là hơi thở.

Bạn bè tôi nhiều người nói hãy chia bình oxy lại, tôi nói nếu tôi bán lại cho thị trường chắc cũng lãi cả trăm tỷ, nhưng tôi không làm được điều đó. Tôi muốn chia sẻ lại cho cộng đồng, làm sao cùng dân mình, cho đất nước mình qua kiếp nạn", ông Huỳnh Uy Dũng chia sẻ.

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng: Tôi đặt 50.000 bình oxy từ cách đây 3 tháng-2
Ảnh: Thạch Linh

Ông Dũng "Lò Vôi" cho biết bản thân rất xúc động khi biết các tổ chức từ thiện như ATM Oxy, tổ chức từ thiện Nhất Tâm 1-2 giờ sáng mang bình oxy vào các hẻm nhỏ để hỗ trợ người bệnh, hay có tổ y tế của phường chỉ có 3 bình oxy để các cán bộ y tế đi cấp cứu cho người dân.

Ông Dũng tuyên bố sẽ cung cấp bình oxy cho các đơn vị trên để giúp người dân: "Tôi nói với anh em tôi sẽ chi viện liền trong tuần tới đến ATM Oxy chỗ Hoàng Tuấn Anh, các cháu lên kế hoạch dùng 2000 bình, bình lớn dùng cho bệnh viện dã chiến, bình nhỏ cho nhà dân".

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng: Tôi đặt 50.000 bình oxy từ cách đây 3 tháng-3
Oxy tập kết về Đại Nam

Theo ông Dũng, 3 tháng trước khi dịch bệnh bùng phát, ông đã quyết định đặt 50.000 bình oxy trong bối cảnh vận chuyển tàu biển rất khó, để kiếm được container vận chuyển không phải đơn giản.

"Cách đây 3 tháng tôi dám ký hợp đồng mua 50.000 bình oxy, giờ các bạn đi ra mua 500 cái bình cũng kiếm đâu ra vì Việt Nam chúng ta chưa sản xuất, hoặc giá thành cao quá nên các đơn vị không sản xuất.

Khi tôi nhập 21 máy tạo oxy về, tôi hỏi mua bình luôn, tôi hứa là tôi không để các bệnh viện dã chiến thiếu bình", ông Dũng cho biết.

"Có đêm tôi ngủ 1-2 tiếng, khi nào mệt mỏi thì 4 tiếng, cứ suy nghĩ làm sao mình chia sẻ được cho người dân lúc khó khăn nhất. Tôi cho công nhân đo chích ngừa, dùng khả năng của mình kể cả đi vay mượn để đi mua bình oxy, tôi mua 21 giàn máy oxy về thành đội cơ động để chia sẻ lại cho Bình Dương.

Tôi biết anh em cảnh sát cơ động Bình Dương, Bình Định vác từng bình oxy vào bệnh viện để chia sẻ phục vụ chống dịch. Tôi cảm ơn tất cả anh em, khi đất nước hoạn nạn, dân vùng này chia sẻ cho dân vùng khác, tỉnh này chia sẻ cho tỉnh khác.

Nếu nay mai Bình Dương hết dịch, chỗ nào có dịch số oxy này sẽ thành đội cơ động tôi mang đến đó để cứu giúp dân mình. Sống chết cách nhau có hơi thở, chúng ta chia nhau hơi thở", ông Dũng tuyên bố.

Ông Dũng gửi lời nhắn nhủ đến các nhà kinh doanh khác, trong đại dịch thì nên "kiếm lời vừa phải". 

"Mua 10 đồng trừ chi phí lời 10-20%, chúng ta bán cái gì lại cho dân trong lúc hoạn nạn này, nếu không cho được, không chia được, không gánh cho người dân lúc khó khăn, nhất là người nghèo thì đừng làm gì việc thất đức. Nếu không giúp được dân thì thôi, đừng phá".

Ông Dũng cũng chia sẻ, 1.000 nhân viên Đại Nam vẫn làm việc trong mùa dịch, 40% lo cho nhà máy găng tay, 60% lo phục vụ oxy, chuyển bình, để góp phần chống dịch.

Ông Dũng cũng khẳng định oxy sản xuất tại Đại Nam đủ tiêu chuẩn oxy y tế, bình được cấp giấy chứng nhận an toàn.

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng: Tôi đặt 50.000 bình oxy từ cách đây 3 tháng-4

"Tôi sẵn sàng bán tài sản giúp đất nước vượt qua dịch bệnh"

Đó là tuyên bố của ông Huỳnh Uy Dũng cách đây 3 tháng, trong một lần livestream khi ông chia sẻ về công tác chuẩn bị phòng dịch của Đại Nam, và nhắn nhủ đến cán bộ nhân viên của Đại Nam.

Ông Dũng cho biết, Đại Nam là khu du lịch nên thường tập trung đông người. Khi dịch chưa bùng phát, mặc dù chưa có chỉ đạo của chính quyền, ông Dũng đã quyết định tạm đóng cửa khu du lịch Đại Nam vì "mình không thể vì một chút tiền mà để xảy ra sự cố lây lan dịch bệnh, như vậy có lỗi với cộng đồng, với đất nước".

Ông Dũng cũng chia sẻ, vào Tết âm lịch, khi được nhân viên hỏi Đại Nam sẽ chuẩn bị phương án kinh doanh dịp Tết như thế nào, ông Dũng khi đó chỉ trả lời: "Hãy chuẩn bị một phương án rất quan trọng là Tết không phục vụ vì Covid".

"Tôi đã nói trước với nhân viên của tôi trước khi xảy ra từ sau tết 10 ngày vào tháng 3 âm lịch dịch bệnh sẽ bùng phát lại và kéo dài", ông Dũng chia sẻ.

Chủ tịch Đại Nam cũng cho biết ông luôn dự trữ lương thực cho 1.000 nhân viên có thể sống đủ trong 5-7 tháng.

"Bình thường vợ chồng tôi một tháng ăn 50kg gạo thì tôi dự trữ 200 ký, lỡ xảy ra có gì có tiền cũng không mua được. Làm cái gì cũng phải phòng xa, tôi dân miền Trung khổ cực, khu vực thường xảy ra thiên tai nên nhà nghèo cũng phải có bồ lúa, phòng thiên tai mất mùa, năm nào được mùa lấy lúa mới cất vô, lấy lúa cũ ra bán.

Hãy để ở nhà cái gì tích trữ được lâu như mỳ gói, hũ mắm, mình xác định hoàn cảnh nào cũng sống được không phải ở nhà lầu xe hơi, trong bối cảnh nếu dịch bệnh xảy ra.

Nơi này dịch có nơi khác thì giúp, nếu nhiều nơi bùng phát thì nơi nào giúp nơi nào, nếu mình tự giúp được bản thân thì đó là yêu nước rồi", ông Dũng đã chia sẻ về sự phòng xa từ tháng 5/2021.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị