Chỉ số đường viền được nhà kinh tế học George Taylor đưa ra lần đầu năm 1926. Ông tuyên bố váy ngắn hơn khi kinh tế thịnh vượng và dài ra trong thời kỳ suy thoái.
Hiện tại, điều đó áp dụng với giày cao gót.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán 2023 là năm ảm đạm của kinh tế toàn cầu. Kinh tế đang chật vật sau đại dịch. Giữa lúc đó, những đôi giày siêu cao gót lại xuất hiện và trở thành xu hướng thời trang.
"Đó là yếu tố dự đoán kinh tế suy thoái", Guardian bình luận.
Những đôi giày siêu cao gắn với thời cuộc
Giày siêu cao trở lại
Giày siêu cao gót, giày cao gót phóng đại trở thành xu hướng từ năm 2021. Các hashtag #pleaserheels, #platform có vài trăm triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.
Những đôi giày siêu cao được sao quốc tế lăng xê mạnh, từ Beyonce với váy Versace đen kết hợp áo hồng cùng giày siêu cao gót đến Lady Gaga diện body-con với đôi boots ấn tượng.
Đôi giày do Beyonce diện với giá khoảng 1.500 USD trở thành item không thể thiếu trong tủ đồ của nhiều sao nổi tiếng và giới yêu thời trang. Lyst thống kê đây là sản phẩm được tìm kiếm nhiều thứ hai năm 2021.
Ca sĩ Gen Z Olivia Rodrigo cũng gây bão khi diện giày khủng với gót siêu cao khi được mời đến Nhà Trắng kêu gọi giới trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19.
Nam giới cũng không bỏ qua xu hướng giày siêu cao, từ Lil Nas X đến Kanye West, Billy Porter... mang lên sân khấu, các sự kiện thời trang để thể hiện cá tính.
Đôi giày đế siêu cao được Beyonce, Ariana Grande và nhiều tín đồ thời trang mê mẩn
Trevor Davis - cựu chuyên gia sản phẩm tiêu dùng tại IBM - đưa ra lý thuyết về chiều dài của giày cao gót cùng sự phát triển của nền kinh tế. Ông cho biết chỉ số được đưa ra dựa trên việc phân tích phương tiện truyền thông xã hội, các nguồn trực tuyến từ ngườn tiêu dùng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
"Sau khi tìm hiểu, chúng tôi đánh giá sự tương quan của giày cao gót với nhiều chỉ số kinh tế để đưa ra kết quả. Và chúng tôi nhận ra khi chỉ số kinh tế đi xuống, chiều cao của gót giày bắt đầy tăng lên", Trevor Davis nói với Guardian.
Nhóm nghiên cứu của Davis cũng phát hiện rằng mọi người thường sử dụng thời trang để vượt qua thời kỳ khó khăn. "Chúng tôi hiểu đây là hành động theo đuổi vẻ hào nhoáng để chống lại 'cơn gió lạnh' của nền kinh tế. Nhưng nếu thời kỳ suy thoái kéo dài, tư duy thắt lưng buộc bụng sẽ thay đổi tâm trạng của người tiêu dùng. Khi đó, ít phô trương hơn trở thành tiêu chuẩn và chiều cao của gót giày cũng giảm đi", Trevor Davis nói.
Mặc dù chỉ số này hình thành trước đại dịch, Davis nói ông nhận thấy mối liên hệ khá mật thiết giữa xu hướng giày siêu cao và kinh tế hậu Covid-19. “Giày đế thô, màu sắc sặc sỡ phản ánh sự phô trương. Một số khoản chi tiêu bị dồn nén được chuyển sang tăng chiều cao gót giày để tâm trạng nhẹ nhàng hơn cũng như cảm giác tự do", ông nói.
Trào lưu gắn với thời cuộc
Giày siêu cao xuất hiện từ thế kỷ thứ VI TCN. Hình dáng và kích thước của những đôi giày thay đổi qua nhiều thập kỷ. Elizabeth Hemmelseck - giám đốc cấp cao của Bảo tàng giày BATA - cho biết những đôi giày đế thô siêu cao được phụ nữ quý tộc châu Âu lăng xê mạnh, thậm chí có những đôi cao đến 50 cm.
Theo Hemmelseck, phụ nữ (và số ít nam giới) tìm đến những đôi giày đế thô siêu cao để xoa dịu tinh thần.
"Mọi người muốn bản thân trông mạnh mẽ khi xã hội có vấn đề. Khi xỏ chân vào đôi giày có đế cao từ 12 cm trở lên, tâm lý thay đổi. Chúng ta sẽ nhìn đời bằng đôi mắt khác. Nhiều người cảm giác được truyền sức mạnh và trông quyền lực hơn.
Gọi giày đế siêu cao là đôi giày gắn với khủng hoảng kinh tế vì nó chứng kiến bao cuộc đổi thay của thời cuộc.
Những đôi giày cao gót "chứng kiến" nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế
Thời kỳ Đại khủng hoảng (những năm 1930-1940), Salvatore Ferragamo giới thiệu đôi giày đế khủng với màu sắc sặc sỡ. Đôi giày thiết kế cho nữ diễn viên Judy Garland với phần đế từ gỗ sồi. Đây là chất liệu được người Hy Lạp cổ dùng để đúc giày dép.
Thời kỳ kinh tế toàn cầu lạm phát, trải qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, giày cao gót trở lại và được nhiều ca sĩ cá tính như Elton John, David Bowie và John Travolta diện lên sân khấu. Theo Tatler, loại giày cao chót vót thay thể những đôi sandal thấp của những năm 1960.
Những năm 1990, khi thế giới bước vào thời đại mới, Vivienne Westwood lăng-xê trở lại mốt giày siêu cao với đôi giày da lộn cao 23 cm. Đây là đôi giày khiến siêu mẫu "báo đen" Naomi Campbell ngã lần đầu tiên và duy nhất trong hơn 30 năm làm nghề. Đôi giày hiện được trưng bày tại Bảo tàng Victoria & Albert.
Hiện tại, khi nền kinh tế đối mặt khủng hoảng sau đại dịch Covid-19, những đôi giày đế siêu cao tiếp tục trở lại và tạo thành xu hướng. Đó là lý do giày đế siêu cao được gọi là đôi giày sống cùng thời gian, chứng kiến, gắn với những cuộc khủng hoảng kinh tế.
Theo Tiền phong