Trần Tố Vy (sinh năm 1991, quê Bạc Liêu) đang sinh sống trong một con ngõ ngoằn ngoèo, lầy lội và tối tăm dẫn vào khu trọ thuộc đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8 (TP HCM). Cô gái có dáng người nhỏ nhắn, chiếc mũi cao thanh tú nhưng gương mặt thì hằn lên chi chít những vết sẹo.

Khuôn mặt thoáng xúc động, Vy im lặng hồi lâu rồi mới mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình: “Giờ có khóc cũng chẳng ích lợi gì, tính em vốn ương bướng từ nhỏ. Em chỉ hận bọn họ, vì mâu thuẫn không đâu mà làm tan nát cuộc đời và cả tương lai của em”.

“Bọn họ” mà Vy đề cập đến là một nhóm người do Nguyễn Văn Dính (sinh năm 1984, ngụ tại huyện An Ninh, tỉnh Kiên Giang) và Nguyễn Thị Mụi (sinh năm 1983) cầm đầu. Nhớ lại buổi chiều định mệnh 4 năm về trước, Trần Tố Vy kể lại mà ánh mắt vẫn còn hằn lên nỗi sợ hãi.

Chiều hôm ấy, cô đang ngồi rửa chén bát trong phòng trọ thì nghe tiếng gọi cửa. Nghe tiếng gọi không mấy thiện cảm, Vy ngồi im không trả lời. Rồi một tiếng hét lớn: “Ra nhận quà đi” vừa vang lên kèm theo đó là tiếng bàn chân đạp vào cửa. Cánh cửa phòng trọ làm bằng tôn bung ra, nhóm người mặt mũi dữ tợn ùa vào. Chẳng kịp ngồi dậy cũng chẳng kịp kêu la, nhóm người trên nhanh chóng khống chế rồi dùng dao lam rạch chằng chịt lên mặt cô. Sau khi ra tay tàn ác, nhóm người trên nhanh chóng bỏ đi. Vy được những người hàng xóm đưa đi bệnh viện.

Kể về thân phận mình, Vy cho biết mình sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu). Gia đình vốn đông con, thu nhập chỉ trông vào mấy vuông tôm. Nhưng liên tiếp mấy năm, thời tiết không thuận, tôm nuôi chết hàng loạt, nổi trắng cả mặt nước. Bao nhiêu tiền bạc đã đầu tư vào nuôi tôm, gia đình cô nay trắng tay, vốn liếng vay mượn lại mẹ đẻ lãi con. Để trang trải, cha mẹ cô phải làm đủ thứ việc. Thương cha mẹ, cô bé Vy lúc đó mới 13 tuổi đã khăn gói theo người hàng xóm bắt xe đò lên Sài Gòn tìm việc mưu sinh.


Khuôn mặt cô gái bị biến dạng hoàn toàn sau lần bị hãm hại.

Sau nhiều ngày vạ vật, lang thang khắp ngóc ngách phố thị, cuối cùng cô cũng được một người chủ quán thương tình nhận vào làm trong một quán cafe ở quận 7 với mức lương 600.000 đồng một tháng. Tuy số tiền công không cao nhưng với một đứa bé mới chân ướt chân ráo lên thành phố như cô thì đó đã là điều may mắn.

Được chủ nhà bố trí cho chỗ ở miễn phí, cô chắt chiu từng đồng bạc lẻ, mỗi tháng gửi về chút ít đỡ đần cho cha mẹ. Nhưng khi cuộc sống dần sáng sủa hơn thì bất hạnh lại ập xuống gia đình cô. Sau một đêm mất ngủ, mẹ Như bỗng cảm thấy đau nhói vùng đầu. Đến bệnh viện khám, các bác sĩ cho biết mẹ cô bị căn bệnh u não ác tính giai đoạn cuối. Hai năm sau, mẹ cô từ giã cõi đời.

Kể từ đó, người cha nghèo khổ bám trụ ở quê chăm đứa con gái út khù khờ. Ở cái tuổi mà nhiều bạn bè đồng trang lứa còn mải ăn, mải học, Vy trở thành trụ cột trong gia đình. Để kiếm được nhiều tiền hơn, cô xin nghỉ việc ở quán cafe để chuyển sang làm trong một quán nhậu. Với thân hình phổng phao, lại thêm chất giọng ngọt ngào và đằm thắm, cô nhanh chóng có được nhiều mối khách quen.

Tại quán nhậu bình dân nơi cô làm việc, nhân viên không được trả tiền lương mà thay vào đó phải ngồi khui bia và tiếp khách. Khách càng ưng ý về mức độ phục vụ của tiếp viên đến đâu thì tiền boa sẽ kiếm được càng nhiều.

Và như một quy luật, nếu muốn có tiền bo thì ngoài việc làm cho khách vui lòng và rút hầu bao, các nữ tiếp viên còn phải ganh đua với nhau và khéo léo tìm cho mình các mối khách sộp. Chính vì vậy, tiếp viên quán nhậu dù sống và làm việc cùng nhau nhưng hễ liên quan đến việc khách boa nhiều hay ít tiền là mâu thuẫn lập tức xảy ra.

Bi kịch của cô cũng xuất phát từ những mâu thuẫn trong quá trình làm việc. Dù là người mới nhưng Trần Tố Vy khá được lòng khách. Có nhiều khách đến nhậu mỗi khi vào bàn là bằng mọi giá yêu cầu phải có cô đến ngồi cùng. Nhiều nữ tiếp viên khác trong quán từ chỗ đang đắt khách bỗng chốc chẳng còn ai ngó ngàng đến. Trong đó, có tiếp viên Nguyễn Thị Trúc Linh (sinh năm 1990, quê Cà Mau).

Trước kia, Linh từng được ví là “Hoàng hậu của quán” nhưng kể từ khi Vy đến, Linh phải vất vả lắm mới xoay được một chỗ để ngồi cùng khách. Làm việc cùng nhau, ra vào chạm mặt nhưng Linh luôn tỏ thái độ hậm hực với cô nhân viên nhỏ hơn mình một tuổi.

Ít ngày trước khi xảy ra vụ án, cơn giận của Linh bùng phát khi nghe Vy trò chuyện với một tiếp viên khác rằng: “Nếu ai có ý định lấy trộm tiền của tôi thì tốt nhất đừng để cho tôi biết, nếu không sẽ không xong”. Cho rằng, Trần Tố Vy đang ám chỉ mình, Linh vùng dậy chửi rủa thậm tệ, mặc cho cô thanh minh, giải thích. Những ngày sau đó, Linh tiếp tục gây sự mỗi khi thấy mặt cô gái.

Để được yên thân làm việc, Vy vẫn giữ thái độ im lặng. Mâu thuẫn bùng nổ lên đến đỉnh điểm khi một buổi tối, Linh và Vy được khách yêu cầu phục vụ chung một bàn. Tuy làm chung nhưng Vy lại lấy được cảm tình của khách hơn Linh.

Không kiềm chế được bản thân, Linh phát ra những lời khó nghe khiến khách hàng khó chịu và đuổi ra ngoài. Hai tiếp viên xảy ra xô xát, ẩu đả. “Cuộc chiến” của hai cô tiếp viên sau đó được mọi người can ngăn. Trong lúc ẩu đả, Linh lu loa mình rơi mất sợi dây chuyền và cho rằng Trần Tố Vy đã lấy cắp.

Hơn một tiếng đồng hồ sau đó, khi vừa từ quán về đến đầu hẻm nhà trọ, Vy bị Linh và mẹ chặn đường giật túi kiểm tra. Thấy mẹ và Vy giằng co nhau, Linh xông vào tiếp ứng cùng mẹ để đánh và giật phăng sợi dây chuyền Vy đang đeo trên cổ. Ngay sau đó, cả ba bị dân phòng mời về phường giải quyết. Theo lời mẹ Linh tố cáo, lực lượng dân phòng đã kiểm tra túi của Trần Tố Vy nhưng không thấy sợi dây chuyền.

Dù không tìm thấy chứng cứ, mẹ con Linh vẫn không nguôi ấm ức, nên gọi điện kể với chị dâu là Nguyễn Thị Mụi. Để xả giận cho em, người chị dâu cùng chồng là Nguyễn Văn Dính (27 tuổi, ngụ Kiên Giang) gọi thêm 5 người nữa kéo đến phòng trọ, lên kế hoạch “rửa hận” cho em chồng.

Những kẻ hãm hại Trần Tố Vy sau đó đã bị bắt và phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật. 4 năm đằng đẵng trôi qua, nữ tiếp viên xinh đẹp ngày nào vẫn sống trong nỗi ám ảnh và mặc cảm đan xen. Mỗi khi nhìn khuôn mặt mình trong gương, cô chỉ biết khóc nức nở.

Vy tâm sự: “Cha em ở dưới quê biết chuyện cũng buồn lắm nhưng chẳng có điều kiện lên thăm con. Em giờ như vậy, chỉ mong cơ quan chức năng sớm ra phán quyết buộc họ bồi thường thiệt hại để em có kinh phí đi thẩm mĩ lại gương mặt, chứ để như vậy ai còn dám nhận em vào làm nữa. Từ hôm xảy ra chuyện tới nay, dù đã đỡ nhiều nhưng em không dám ra đường”.

Trong phiên tòa xét xử tại TAND quận 8 (TP HCM), các bị cáo trực tiếp tham gia vụ án dùng dao lam rạch mặt cô gái gồm Trần Thanh Phong (sinh năm 1987), Nguyễn Văn Dính (sinh năm 1984) và Phan Thanh Duy (cùng ngụ Kiên Giang) đã bị xử phạt 3 năm tù. Nguyễn Thị Mụi đã bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã.

Theo Giadinh.net.vn

* Tên nạn nhân đã thay đổi