Phóng viên Báo CATP đã có cuộc thâm nhập vào những “bức bình phong” để “vén lên bức màn” đen tối…
“Rượu phạt” cho kẻ bất tuân
Sáng 28-9, trong vai người bị quỵt nợ, phóng viên đến Công ty đòi nợ thuê H.T. (nằm trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) để tìm hiểu. Ngay trước cổng, chúng tôi bắt gặp một nhóm người có vẻ ngoài bặm trợn, chân tay chi chít hình xăm, miệng văng tục không ngớt.
Các nhân viên thu hồi nợ của Công ty H.T. có vẻ ngoài rất hầm hố.
Họ tự nhận là nhân viên thuộc bộ phận thu hồi nợ của H.T. “Hai “cây” nợ ở Hóc Môn, tụi mày giải quyết tới đâu rồi?” - tay cầm đầu hỏi gắt. Thấy nhóm nhân viên vẫn im thin thít, gã tỏ vẻ bực bội, quát tiếp: “Không đòi được thì tụi mày không biết xuống “hỏi thăm” hả? Dùng biện pháp mạnh vào!”. Nghe tới đó, cả thảy lúi cúi chạy ra chiếc xe hơi đậu trước cổng, vội vàng rời đi.
Công ty đòi nợ H.T, Q. Bình Thạnh.
Bên trong, một nữ nhân viên vẫn đang đợi chúng tôi vào để tiếp thị “dịch vụ” của công ty mình…Sau khi nghe chúng tôi trình bày “hoàn cảnh mà mình gặp phải”, một nữ tiếp viên tên T. yêu cầu cung cấp đầy đủ các hồ sơ, chứng từ liên quan để bộ phận hỗ trợ có thể thẩm định.
“Nếu số nợ này có thể thu hồi được, anh phải ứng trước 15 triệu đồng tiền phí di chuyển để nhân viên đi làm việc. Còn tiền 'hoa hồng' thì thay đổi tuỳ theo khoản tiền đòi nợ” – cô này cho biết. Theo cách tính đó, nếu số nợ giao động từ 1 đến 2 tỷ đồng, khách hàng (KH) sẽ phải chịu mức phí là 26% của số nợ.
Nhân viên Công ty H.T. đang hướng dẫn khách hàng làm thủ tục hỗ trợ đòi nợ thuê
T. hướng dẫn thêm rằng khi KH đồng ý với điều kiện nêu trên, thì ký tên vào một hợp đồng đồng xác nhận. Việc thu tiền nợ sau đó sẽ do bên phía công ty chịu trách nhiệm. “Thế mình lấy tiền bằng cách nào? Con nợ này tôi báo trước với anh chị là chây lỳ lắm. Tôi đã thử mọi biện pháp rồi mà không xong” – phóng viên than thở.
Nghe tới đó, T. nhoẻn miệng cười, đáp lại: “Anh cứ yên tâm. Tụi em đã dám mở ra công ty đòi nợ thì sẽ có cách để giải quyết những con nợ xấu. Rượu mời không uống thì cho uống rượu phạt”.
Có “chống lưng”?
Công ty đòi nợ tiếp theo chúng tôi đến có tên là D.A. (nằm trên đường Cộng Hoà, Q.Tân Bình). Nghe xong chuyện bị mượn nợ trầy trật của phóng viên, một nữ nhân viên tên L. trấn an: “Yên tâm! Với những trường hợp mà anh gặp phải, công ty của tụi em có đầy đủ nghiệp vụ để hỗ trợ bên mình”.
Giống như công ty đòi nợ thuê trước đó, L. yêu cầu chúng tôi trưng ra đầy đủ giấy tờ pháp lý của việc mượn nợ. “Chỉ cần anh đưa cho em một chứng từ viết tay cho thấy người đó có mượn nợ anh là được. Sau đó bên em sẽ hướng dẫn anh làm giấy uỷ quyền theo đúng quy định pháp luật để được đòi nợ danh chính ngôn thuận” – L. hướng dẫn.
Nhân viên Công ty D.A. đang hướng dẫn khách hàng làm thủ tục hỗ trợ đòi nợ thuê
Xong bước đầu, cô này bắt đầu đưa ra mức phí của giao dịch. Theo đó, với số tiền cần thu hồi từ 1 tỷ rưỡi đến 2 tỷ rưỡi, KH phải trả 23% tổng số tiền thu hồi nợ cho công ty. Thêm nữa, nếu con nợ nằm ngoài địa phận TPHCM, KH còn phải chi thêm khoảng 6 triệu đồng tiền công tác phí. Còn với khoản nợ dưới 30 triệu đồng, KH sẽ phải trả mức phí dịch vụ tương ứng là 50% số tiền thu nợ.
Cứ thế mà tính, số phần trăm sẽ giảm dần nếu mức nợ thu hồi càng lớn. Tiền công sẽ được thanh toán sau khi công ty đòi nợ thu hồi nợ thành công. “Thế mình thu hồi nợ bằng cách nào? Dặn mấy anh em đòi nợ đúng quy định pháp luật nha” – chúng tôi đi vào vấn đề.
Nghe thế, mặt L. biến sắc, cô nói rằng phía công ty có “nghiệp vụ riêng”, không thể nào nói cho khách hàng biết hết “tuyệt chiêu”. Nhưng sau một hồi, L. tiết lộ, công ty cô có đủ biện pháp, cả nhẹ nhàng lẫn cứng rắn. Nhẹ, theo cô ta đó là tìm đích danh con nợ, thông báo về việc phải trả tiền và cho họ một thời gian nhất định. KH nào “biết chuyện”, hợp tác thì mọi chuyện sẽ “rất vui vẻ”. Ngược lại, với KH “khó bảo”, đương nhiên các nhân viên thu hồi nợ sẽ có biện pháp “rất riêng”.
Bảng biểu phí dịch vụ thu nợ tại TP.HCM của công ty D.A.
“Giao cho bên em rồi thì anh sẽ biết biện pháp đó là gì” – L. nói kiểu lấp lửng và khẳng định luôn rằng hầu hết những trường hợp nợ nần như phóng viên đưa ra, đều là nợ xấu và đối tượng thu hồi nợ rất “trần ai”. Muốn xử lý dứt điểm nợ của những kẻ như vậy, không thể không áp dụng biện pháp mạnh!
“Nói thật với anh là chả ông nào đi đòi nợ mà tới năn nỉ con nợ cả. Những thành phần, bước một tụi em sẽ tới thông báo, cho thời hạn. Bước 2, liên tục tác động người thân. Và cuối cùng, nếu không nghe lời, thì…” – L. ngắt quãng giữa chừng, chỉ để lại nụ cười đầy tinh quái.
Để củng cố niềm tin, L. còn khoe với chúng tôi về bộ máy tổ chức chuyên nghiệp và hệ thống hậu thuẫn hùng hậu của công ty đòi nợ thuê này. “Chắc anh cũng đoán được, chả có ông nào không thế lực, không “quan hệ” mà dám đứng ra mở một công ty đòi nợ thuê. Nghề này là nghề đụng chạm mà. Tụi em có đội ngũ luật sư hùng hậu lắm. Chưa kể sếp tổng công ty còn là 'cán bộ Nhà nước' nữa” – L. ghé tai phóng viên, khoe.
“Tầm sư học thuật”
Nghề nào cũng có bí quyết riêng, và đòi nợ thuê cũng không là ngoại lệ. “Không phải ai cũng hành nghề này được. Phải có nghệ thuật mới lấy được tiền người ta”, đó là những lời thật tâm mà H. “bọ cạp” – một “trùm” đòi nợ thuê ở Q9, từng rỉ tai chúng tôi.
Kinh nghiệm xương máu của những tay “anh chị” cộm cán trong giới đòi nợ thuê ở TPHCM đó là phải “biết người biết ta”. Tức nghĩa, khi nhận bất kỳ một phi vụ đòi nợ nào, thì phải xác định được con nợ đó là ai? Lỳ lợm, gan góc và “quan hệ” cả nghĩa trắng lẫn nghĩa đen ở mức nào?
Có những món nợ cả tỷ bạc nhưng chỉ sau vài biện pháp mạnh tay như: đe doạ, khủng bố, hành hung… số tiền ấy đã được lấy trong tích tắc một tuần lễ. Nhưng cũng có món nợ chỉ vài trăm triệu đồng, lại chẳng thể “nuốt trôi”, bởi người mang nợ không phải là… kẻ đơn giản.
Bên ngoài Công ty thu hồi nợ T.H. (khu Trung sơn, huyện Bình Chánh).
Miễn lấy được tiền thì mọi việc cũng có thể làm. Những cũng phải nhớ, chẳng một dân đòi nợ thuê nào muốn “đụng dao đụng búa” với những con nợ để “tiền mất tật mang”. Đó là những “chuyện thầm kín” mà chắc chắn dân đòi nợ thuê không muốn nói ra. Riêng với những con nợ “biết tỏng” điểm yếu này thì dù số nợ có bao nhiêu cũng đành… “bó phép”!
Thủ thuật đòi nợ của các “đại ca” cũng chính là bài học nằm lòng của các nhân viên thu hồi nợ bên trong các công ty tài chính hiện nay. Đa số những nhân viên này đều có xuất phát điểm là “chân rết” của những nhóm hành nghề đòi nợ thuê bên ngoài xã hội. Bởi thế, bản lý lịch trích ngang của họ đa phần đều không mấy phẳng lặng.
Cũng có người muốn “cứng cựa” hơn nên đã tìm đường kết giao với các tay “anh chị” để vừa hợp tác, vừa “học thuật”. Nhóm phóng viên cũng bí mật “tầm sư” để học nghề đòi nợ. “Thầy” của chúng tôi là V. - một nhân viên có kinh nghiệm của bộ phận thu hồi nợ thuộc Công ty Tài chính F…
Nguyễn Thị Hồng H. (ngụ TX.Dĩ An, Bình Dương) là một nữ sinh có sắc vóc, đang mắc một món nợ vay tiêu dùng tiêu dùng với giá trị 20 triệu đồng. Trước đó, để có đủ cơ sở vay nợ, H. ghi vào hồ sơ vay nơi cư ngụ là địa chỉ gia đình mình, còn số điện thoại người thân chính là mẹ của cô. Đến hạn trả góp, không biết vì sao H. lại không thực hiện nghĩa vụ. Mọi liên hệ của cô gái đều bị cắt đứt.
Nhiệm vụ xử lý “cây” nợ này được giao cho V. và ngay tức khắc, anh cùng một nhóm người kéo đến nhà của H. để “hỏi chuyện”. Chúng tôi có mặt trong cuộc đòi nợ này và chứng kiến mọi việc xảy ra. “Các anh đến đây làm gì? Ai vay nấy trả. Đừng có làm phiền đến tôi!” – mẹ của H. “phang” ngay.
Nghe vậy, V. lộ rõ sự không hài lòng, gằn giọng: “Thế bà có phải là mẹ nó không? Nếu bà nói không, tụi tôi đi về, hậu quả ra sao thì con bà tự lãnh. Còn nếu nói có, giờ bà có chịu trả tiền cho nó thì tôi vẫn nói một câu thế này: Bà là một người mẹ vô trách nhiệm!”.
Màn đáp trả đó đã khiến người mẹ lặng như tờ. Bà cam kết sẽ gặp con để hỏi lại chính xác số nợ, sau đó thanh toán đủ cho phía công ty. “Bà nói vậy còn nghe được, chứ tôi thách con bà quỵt nợ luôn đó!” – V. nói lạnh tanh trước khi ra về.
Một vụ dùng sơn để đòi nợ bị camera an ninh ghi lại tại Q.5, TP.HCM.
Nhiều ngày theo chân, chúng tôi còn được nghe các nhân viên của Công ty F. kể lại hàng tá cuộc đòi nợ khốc liệt. “Có “cây” nợ chỉ 7 triệu đồng thôi, anh em dù liều mạng vẫn chưa lấy được. Giờ bên phía công ty giao chỉ tiêu cho tụi anh một tháng phải hoàn thành được bao nhiêu “cây” mới được nhận lương.
Mà nợ thì đâu dễ lấy. Cách nhẹ nhàng thì gọi đến số điện thoại người thân con nợ để dí liên tục, đến khi nào trả thì thôi. Nặng hơn thì chấp nhận đổ máu. Miếng cơm bắt buộc tụi anh phải dùng mọi thủ đoạn, bằng mọi cách ép con nợ phải thanh toán tiền. Vậy mà khi lỡ dính phải chuyện gì, mình gây ra chuyện hoặc bị thiệt thân thì công ty họ “lơ” luôn chứ đâu có chịu trách nhiệm” – V. chia sẻ với giọng đầy chua xót, rồi chỉ về phía N. như một minh chứng cho lời mình nói.
Anh N. có một vết sẹo dài trên gò má. Đó chính là kết cục mà anh phải gánh lấy trong một lần thu hồi nợ. Nhát dao mà con nợ liều mạng đáp trả lại anh, đã trở thành vết hằn không thể xoá bỏ của cuộc đời. “Anh mang cái mặt này về, con gái 3 tuổi của anh không nhận ra bố nó. Cháu cứ hễ thấy mặt anh là khóc thét. Nhưng đành chịu, chứ biết sao giờ” – N. ngậm ngùi kể lại, mắt rưng rưng.
“Ở đây cần “máu” chứ không cần bằng cấp”
Quá trình thực hiện loạt bài, nhóm phóng viên còn tìm đến một công ty thu hồi nợ khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, trong vai những người thất nghiệp. Phỏng vấn chúng tôi là một nam thanh niên tên M., anh ta có vẻ ngoài khá hầm hố và nói không ngớt về những điều kiện của nghề đòi nợ thuê. “Ở đây không cần bằng cấp, chỉ cần “máu” là đủ” – M. phán.
Theo gã này, vị trí của nghề này được phân theo nhiều cấp bậc. Khi đi đòi nợ, những nhân viên không có bằng cấp nhưng gan lỳ, sẽ được cắt cử đứng bên ngoài tạo “đội hình” để uy hiếp tinh thần. Người nào có kinh nghiệm, có trình độ và tài ăn nói sẽ được vô trong để nói chuyện trực tiếp với con nợ. H. còn tiết lộ, tất cả những nhân viên của công ty này không ai có hợp đồng lao động, không được hưởng lương mà chỉ ăn phần trăm theo số tiền nợ đòi được.
Tượng tự, quá trình tiếp xúc của chúng tôi ở Công ty Tài chính F… và Công ty Tài chính H… cũng cho thấy, rất nhiều nhân viên thu hồi nợ đứng trên danh nghĩa của 2 công ty này không có hợp đồng lao động và bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật. Họ chỉ nhận tiền lương nếu đòi được số “cây nợ” đúng chỉ tiêu mà phía công ty đưa ra (!).
Theo CAO