GS - TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Đầu năm mới, các lễ hội dày đặc tiêu tốn của xã hội rất nhiều thời gian và của cải vật chất một cách không cần thiết, ông nhận định thế nào về tình trạng các lễ hội hiện nay?
- Có thể nói là khá buồn. Đời sống tín ngưỡng linh thiêng, đẹp đẽ đang mai một đi, thậm chí bị dung tục hoá, vụ lợi. Ngày xưa, người ta đi chùa, đi lễ là mang theo lòng thành, cẩn thận từ trang phục đến lời ăn tiếng nói, nâng niu từng bó hoa, nén nhang. Vào chùa cũng để tìm cảm giác thanh tịnh, ấm áp.
Còn hiện nay, tôi sợ đi chùa, đi lễ đầu năm. Người vào chùa, vào phủ đông như nêm cối, người nọ vái vào lưng người kia. Tiền “giọt dầu” cũng được cài tứ tung. Lời cầu khấn cũng dung tục, mang tư tưởng “buôn thần bán thánh”. Trang phục của người vào chùa cũng hỗn độn. Trộm cắp thì chen vai thích cánh với người đi lễ… Công an, bảo vệ phải đứng khắp nơi trong lễ hội để giữ trật tự. Điều đó chứng tỏ, nơi tâm linh thiêng liêng đã trở nên lộn xộn quá rồi.
Mọi người bon chen, lộn xộn trong lễ hội đền Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội)
Sự bon chen, lộn xộn trong lễ hội như ông nói chứng tỏ điều gì, thưa ông?
- Đó là sự vụ lợi. Điều bức thiết và khiến tôi đau lòng, lo lắng nhất chính là đời sống tâm linh đang bị trục lợi, biến dạng, xuyên tạc. Sự vụ lợi này đã bắt đầu bén rễ vào đời sống tâm linh. Và để kiếm tiền từ thần thánh, người ta sẵn sàng biến lễ hội thành “cái chợ” với đủ các loại dịch vụ, buôn cả ấn tín, cả đồ thờ cúng… Nếu may mắn, lợi lộc của thần, của phật có thể “mua” được thì còn gì là linh thiêng, đẹp đẽ.
Vậy theo ông, cần phải làm gì để trả lễ hội, đời sống tâm linh về đúng ý nghĩa của nó?
- Có 3 việc phải làm: Một là cần phải giáo dục cho người dân về ý nghĩa của tín ngưỡng. Việc này cũng không thể làm ngay được nhưng dù mất dăm năm hay chục năm chúng ta cũng phải bắt đầu. Có hiểu đúng người dân sẽ làm đúng, sẽ không “vật chất hoá”, không mê tín dị đoan, không “mua chuộc” thần linh nữa, biết giữ lễ nghĩa, biết thận trọng, giữ gìn văn hoá khi đi chùa, đi lễ.
Thứ hai, chính quyền cần trả lễ hội về cho người dân, để họ đứng ra làm chủ, tự tổ chức theo mong muốn của họ, nhà nước chỉ đứng ra hỗ trợ. Điều này cũng không phải không làm được. Duy chỉ có điều thứ 3 là tôi thấy khó thực hiện đó là việc vụ lợi trong đời sống tín ngưỡng. Việc vụ lợi đó không chỉ của các cá nhân mà cả chính quyền cũng “vào cuộc”. Đơn cử như lễ hội đền Trần (Nam Định) năm 2012, một quan chức cho biết thành phố thu được 14 tỷ đồng, ngoài ra tỉnh Nam Định, phường Lộc Vượng (nơi có đền Trần) cũng thu lợi không ít. “Miếng bánh” to như vậy, ai ai cũng có lợi nên rất khó có thể chấm dứt, hạn chế.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt