Vàng thau lẫn lộn

Phim chiếu mạng bắt đầu nổi lên ở Việt Nam sau thành công của nhiều nhóm làm phim nghiệp dư như FAP TV, BB&BG, Thích Ăn Phở... Những bộ phim này đều mang nội dung hài hước, dí dỏm. Từ năm 2022, sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều bộ phim được đăng tải, phát sóng trên mạng thu hút phần lớn công chúng. Có thể kể đến phim Công Chúa Bến Xe của Jang Mi, Trời Ơi! Tức Muốn Chết của Hồng Vân hay Gia Đình Bá Đạo của Thu Trang - Tiến Luật...

Trước đó, sê-ri chuyện ma Một Nén Nhang của Huỳnh Lập gây sốt cộng đồng mạng. Bố Già của Trấn Thành cũng là một trong những phim chiếu mạng đình đám tại Việt Nam, trước khi có bản điện ảnh chạm mốc doanh thu hơn 300 tỷ đồng.

Dọn phim chiếu mạng xấu, độc-1
Chuyện xoay quanh giới giang hồ là đề tài quen thuộc của phim chiếu mạng Việt Nam.

Bên cạnh những bộ phim được đầu tư bài bản, mang ý nghĩa nhân văn, công chúng chứng kiến không ít sản phẩm khai thác vấn đề liên quan bạo lực, giang hồ, tình dục với cách thể hiện táo bạo, trần trụi. Năm 2020, hai phim nói về những cô gái “đổi tình lấy tiền” được phát sóng trên mạng. Sugar Daddy & Sugar Baby của đạo diễn Trần Bửu Lộc được cho là miêu tả trần trụi những cảnh yêu đương nóng bỏng. Thậm chí, cảnh phòng the còn để lộ cơ thể của diễn viên.

Gái Ngàn Đô của đạo diễn Bùi Huy Thuần khai thác câu chuyện về những cô gái làm nghề mại dâm cũng khiến khán giả hốt hoảng, bởi nhiều cảnh phim tập trung miêu tả hình ảnh trần trụi, bạo lực. Không dừng lại ở đó, phim tiếp tục được sản xuất phần 2 và lên sóng trong năm 2022. Đại Cathay ra mắt năm 2022 nhận về nhiều bình luận tiêu cực, do có cảnh nữ diễn viên bị lột đồ và ép chụp ảnh khoe da thịt… Điều đáng nói là phim này không hề có cảnh báo độ tuổi hay gắn mác phim 16+ hoặc 18+ trong phần giới thiệu.

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hồng Quân khẳng định, phim chiếu mạng có nhiều lợi thế riêng và không vướng phải sự cạnh tranh với phim chiếu rạp hay truyền hình. “Phim chiếu mạng khá tự do trong cách tiếp cận với khán giả. Mỗi sê-ri phim được sản xuất khá nhanh, nội dung bắt trend (xu hướng) nhờ kịch bản ngắn. Phát sóng trên nền tảng mạng xã hội cũng là lợi thế khi giới trẻ ngày nay tiếp cận những sản phẩm nghệ thuật chủ yếu thông qua Internet. Thời gian qua, phim chiếu mạng ở Việt Nam khá đa dạng về nội dung”, anh nhận định.

Phim được phát sóng ở phạm vi rộng như không gian mạng đặt ra khó khăn nhất định về mặt kiểm soát, kiểm duyệt nội dung. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh với những quy định về hậu kiểm cũng tạo ra hành lang pháp lý để quản lý nội dung phim chiếu mạng. “Nếu có bộ khung chặt chẽ về quy định dán nhãn phim, phân loại khán giả, chúng ta có thể loại bỏ những nội dung thiếu lành mạnh của phim chiếu mạng”, đạo diễn Hồng Quân đề xuất.

Cần chọn lọc

Có thể nói, sự thành công của phim chiếu mạng đôi khi không đến từ chất lượng mà đơn giản bộ phim đã bắt kịp xu hướng và thị hiếu của người xem. Đạo diễn, nhà sản xuất Hằng Trịnh đồng tình với quan điểm phim chiếu mạng có ưu thế nhờ sự tiện lợi, dễ tiếp cận. “Phim chiếu mạng không vấp phải nhiều rào cản quy định về nội dung, kỹ thuật làm phim… Đa số sản phẩm chiếu mạng khá dễ xem vì sự sáng tạo của đội ngũ sản xuất không bị giới hạn”, Hằng Trịnh nêu.

Chị cho biết một số sê-ri chiếu mạng của đạo diễn, diễn viên Huỳnh Lập hay nghệ sĩ Trấn Thành được khen ngợi về kịch bản và sự đầu tư. Tuy nhiên, giá trị nghệ thuật của đa số phim lại chưa được đánh giá cao. “Rất khó để tìm kiếm sản phẩm chiếu mạng để đời, đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh đương đại. Mục tiêu của nhà sản xuất phim chiếu mạng là kinh doanh, kiếm tiền trong khoảng thời gian ngắn. Họ có thể tự tạo ra nội dung để phục vụ mục tiêu đó. Vì vậy, không thể mong chờ một sản phẩm chiếu mạng đạt quá nhiều tiêu chí về nghệ thuật”, đạo diễn Hằng Trịnh nói.

Chuyên gia tâm lý PGS.TS Trần Thành Nam (trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để xây dựng một kênh trên mạng xã hội, người đứng đầu cần được đào tạo rất bài bản từ năng lực cho đến đạo đức làm nghề. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển hiện tại, nhiều người chỉ học những kiến thức liên quan đến kỹ thuật để xây dựng kênh và phát triển phim. “Họ không có quan điểm, nền tảng văn hoá sâu rộng, vậy nên mục tiêu của họ khi xây kênh là phải có lượt xem, lượt tương tác cao. Đặc biệt khi nhu cầu của người dân còn chưa cao, các bộ phim càng có tiêu đề gây sốc sẽ càng thu hút”, PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.

Khi tiếp xúc, xem quá nhiều nội dung tiêu cực trên mạng, giới trẻ có xu hướng coi đó là thật và có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống, con người. “Với những bộ phim về phái nữ, nhiều người nhầm tưởng rằng nữ giới thường chỉ thích tiền, thực dụng, còn đàn ông là những người không đáng tin, chuyên lừa gạt, ngoại tình. Vô hình trung với cách xây dựng nhân vật như vậy, khiến khán giả trẻ thấy thế giới không công bằng, xấu xa và tự biến bản thân thành người lọc lõi”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định, khi thế giới quan thay đổi sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hành vi của giới trẻ trong xã hội. Để thay đổi hiện trạng này, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất tăng cường giáo dục nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật cho người dân. Bởi nếu cả cộng đồng chỉ có nhu cầu thưởng thức những sản phẩm mang tính chất phản cảm, dễ dãi thì nền văn hoá nghệ thuật không thể phát triển.

Theo Tiền Phong