LTS: Sau phóng sự về trung tâm Tâm Việt, nhiều phụ huynh đã lên tiếng tố cáo hoạt động của trung tâm khiến con họ gặp thương tích nặng nề, thậm chí là tử vong. Một trong số phụ huynh đó là chị H. Sau cái chết của con trai vào ngày 10/6, chị im lặng vì Tâm Việt cam kết sẽ thay đổi về cơ sở vật chất, phương án bảo hộ... Nhưng khi đọc loạt bài chúng tôi thực hiện (thời điểm sau khi con trai tử vong), chị phẫn nộ khi nhận ra thực trạng của trung tâm không hề cải thiện. Người mẹ đã quyết định lên tiếng.
Ngất, hôn mê sau khi tập xiếc ngoài trời, gia đình chỉ được báo con sốt
Chị N.H, mẹ của em N.B (SN 2009), chia sẻ, ngày 6/5/2019 chị gửi con lên học tại Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (thời điểm đóng tại KTX của ĐH TDTT Bắc Ninh).
Chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 10/6, con chị tử vong. “Vào 16h19 phút ngày 10/6, tôi được Nguyễn Văn Chức, người được giới thiệu là Tổng Giám đốc Tâm Việt, gọi điện thông báo, con bị sốt cao, co giật, giáo viên Tâm Việt đang đưa đi cấp cứu ở BV Đa khoa Từ Sơn”, chị kể.
Sau đó khoảng 15, 20 phút sau, Chức lại gọi điện: ‘Con đã được cấp cứu rồi, đã uống sữa, chơi đùa ầm ĩ”. Chị H. cùng người nhà đi từ Hà Nội lên Bắc Ninh, ông Chức lại tiếp tục gọi điện: “Chị sang đi. Có thể bọn em chuyển con sang BV Sản nhi Bắc Ninh”.
Trung tâm y tế Thị xã Từ Sơn. Ảnh: VietNamNet
Ngay sau cuộc điện đó, chị H. đã gọi cho người nhà ở Bắc Ninh, chạy sang bệnh viện cùng con cho nhanh. Trên đường từ Hà Nội lên Bắc Ninh, gia đình chị H. nhận được điện thoại của người nhà thông báo con mất.
“Người nhà tôi gọi điện chúng tôi mới biết. Thời điểm con tôi mất, trung tâm không hề thông báo một câu”, chị H. bức xúc.
Lúc nhìn con ở bệnh viện, chị H. thấy tai và môi con tím ngắt. “Người ta bế con từ giường sang cáng đểchuyển về Hà Nội, người con cứng đơ. Tôi không biết con mình tử vong lúc nào mà cứng như thế.
Lúc đến viện, tôi vẫn thấy y tá đang bóp bóng cho con, các thiết bị y tế vẫn ở tay, trên mũi. Tôi nói: “Còn nước còn tát, xin cấp cứu cho con” nhưng bác sĩ lắc đầu: “Có cứu cũng không kịp nữa vì cháu đã chết não”, người mẹ bật khóc.
Chị H. đến BV Sản Nhi Bắc Ninh vào lúc 18h40. Chị được giáo viên Tâm Việt thông báo, con chết trước đó, vào lúc 17h19 phút.
Đại diện Trung tâm Y tế Thị xã Từ Sơn (còn gọi là BV Đa khoa Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng xác nhận, bệnh nhân B. vào khoa cấp cứu vào lúc 16h23 phút ngày 10/6.
“Theo nhận định ban đầu, bệnh nhân tiền sử tâm thần phân liệt, không dùng thuốc. Trẻ tập luyện dưới trời nắng, từ 15h, sau đó vào khoa cấp cứu trong tình trạng vã mồ hôi, sốt 38 độ, uống 2 hộp sữa, bị sặc đường thở, lịm đi rồi ngừng tim. Sau cấp cứu tuần hoàn hô hấp một lúc, chúng tôi chuyển bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh.
Lý do chuyển viện: Suy hô hấp, sau cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tình trạng trong lúc chuyển viện: hôn mê”.
Vị đại diện này xác nhận, người đưa B. vào cấp cứu khai là thầy giáo ở Tâm Việt.
“Theo lời thầy giáo đưa vào, cháu hoạt động ở ngoài trời trưa nắng, bạn này tập xiếc giữa nắng trưa, nhập viện trong tình trạng ngất, hôn mê”, người này nói thêm.
Trong quá trình thâm nhập vào trung tâm, PV cũng chứng kiến, học sinh của Tâm Việt liên tục phải tập các môn đi xe đạp 1 bánh, đứng con lăn… nguy hiểm nhưng không hề có bất kỳ thiết bị bảo hộ.
Chị H. cũng thông tin thêm: “Thời điểm con tôi học, các học sinh Tâm Việt đều tập đi xe đạp 1 bánh liên tục ngoài trời cả ngày, dù thời điểm tháng 6 nắng nóng. Sau vụ việc con tôi mất, các học sinh mới được chuyển vào tập trong nhà với các môn ném bóng, đội chai…”.
“Ngoài ra, vào ngày 25/5, khi xem clip của con do trung tâm gửi, tôi nhận thấy con bị băng ở mặt. Tôi gọi điện, giáo viên Tâm Việt bảo: ‘Không sao chị ạ”. Tôi không yên tâm, lên trung tâm thì không thấy con bị băng nữa. Con vẫn ăn uống, vẫn tập nên tôi yên tâm đi về”, người mẹ này thông tin thêm.
Ngày 9/6, trước khi B. mất 1 ngày, gia đình chị sang thăm con ở trường, con vẫn bình thường. Chị định đưa con về thì ngày 10/6, chị H. nhận được điện thoại của giáo viên Tâm Việt thông báo con sốt cao, phải cấp cứu.
Trên đường lên Bắc Ninh, chị H. nhận tin con đã tử vong. Đại diện BV Đa khoa Bắc Ninh (đơn vị quản lý Trung Tâm Cấp Cứu và Vận Chuyển 115 Bắc Ninh) cũng xác nhận với VietNamNet, đêm 10/6, xe cứu thương do bệnh viện quản lý đã chuyển cháu B. từ BV Sản nhi Bắc Ninh về BV 354 (Hà Nội) trong tình trạng nạn nhân B. đã tử vong.
Điều đáng nói tất cả sự việc cháu bị ngất khi tập luyện gia đình chị H không hề được phía trung tâm tiết lộ. Điều họ nói với người mẹ này chỉ là con sốt cao, co giật, đang được chuyển lên viện.
Phía bệnh viện sản nhi Bắc Ninh, nơi bé B được chuyển đến sau cấp cứu ban đầu tại BV Đa khoa Từ Sơn cũng chỉ giải thích với gia đình bé tử vong ngoài viện, không rõ nguyên nhân.
Thời gian gửi con ở Tâm Việt, khi thăm con, chị H. không được trung tâm cho gặp mặt con trực tiếp, chỉ đứng nhìn từ xa. (Ảnh phụ huynh cung cấp)
“Tâm Việt không một lời giải thích”
“Sau khi con tôi mất, ông Phan Quốc Việt không hề giải thích điều gì. Gia đình hỏi ông ấy chỉ chắp tay, không nói câu gì”. Chị H. nói thêm: “Khi ôm thi thể con ở viện, tôi thấy rất nhiều sẹo trên người, những vết ngã, sứt sẹo ở chân tay. Con ở nhà không có những vết ấy.
Bởi vậy, chúng tôi mới không muốn làm giám định pháp y, không muốn con bị động chạm dao kéo vào người vì quá đau rồi”.
“Gia đình tôi không muốn ầm ĩ, nghĩ con chết rồi không làm lại được nữa. Chúng tôi nghĩ đến các phụ huynh khác và để cho các con khác có nơi học tập vì rất nhiều gia đình mong chờ và hi vọng khi gửi con ở đây. Chúng tôi cũng hi vọng trung tâm có nhiều thay đổi, cải tiến nhưng sự thật là không”.
Cũng theo chị H. sau khi B. tử vong, hội phụ huynh và trung tâm có 1 buổi họp. Tại buổi họp này, phụ huynh có đưa ra nhiều yêu cầu như tăng cường cơ sở vật chất, chị H. cũng mong muốn các con luyện tập có đồ bảo hộ…nhưng sau này cũng không có.
“Ngoài học phí, các phụ huynh đóng thêm quỹ nhưng khi cần tăng cường cơ sở vật chất cho trung tâm như mua máy lọc nước, quạt hơi nước… các phụ huynh lại ủng hộ 500 nghìn, 1 triệu, 2 triệu đồng…”, chị H. nói.
Nội dung yêu cầu Tâm Việt thay đổi, cải tiến trong buổi họp giữa phụ huynh và trung tâm này sau cái chết của cháu B. (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Lý giải về sự lên tiếng ở thời điểm này, người mẹ này cho biết: “Chúng tôi đã im lặng tin vào lời hứa của ông Việt, Tâm Việt sẽ thay đổi cho các con nhưng đọc loạt bài phóng sự báo đăng tải, tôi rất sốc, giận run cả người vì thực trạng ở trung tâm không hề thay đổi.
Tôi quyết định lên tiếng để cảnh báo cho các phụ huynh, những ai có ý định gửi con vào Tâm Việt nên ngừng suy nghĩ đó”.
Chị khẳng định, không muốn có bi kịch nào tương tự như con chị bị lặp lại.
“Chúng tôi đã tin tưởng ở Tâm Việt nào ngờ…”
Chị H. nhớ lại, từ khi sinh đến 1 tuổi, B. phát triển bình thường. 20 tháng tuổi, B. đi nhón chân và không nói, chị cho con đi khám và bác sĩ kết luận con bị tự kỷ. Từ đó chị tìm các trung tâm để can thiệp cho con.
“Tôi chọn Tâm Việt vì người bạn tôi giới thiệu. Ông Việt thường dẫn bọn trẻ con đến công ty của bạn tôi biểu diễn. Bên cạnh đó, truyền thông đưa tin em K.H (được tâm Việt quảng cáo là kỷ lục gia) mắc chứng tự kỷ nhưng sau khi học có nhiều tiến bộ.
Phiếu thu tiền học của cháu B. do phụ huynh cung cấp.
Trước đó, con tôi chưa bao giờ xa mẹ. Tin lời quảng cáo của ông Việt trên truyền thông nên tôi tin tưởng, cho con đi”. Cháu B. được gửi vào trung tâm Tâm Việt vào ngày 6/5. Lúc chị H. đưa con đến học, Tâm Việt đưa các mức học phí 9.8 triệu, 14.8 triệu và 19.8 triệu.
Gia đình chị H. chọn mức 15 triệu với hi vọng con được quan tâm hơn. “Tôi hỏi Nguyễn Văn Chức với mức học phí 15 triệu đồng, các con sẽ được như thế nào, Chức nói, học phí này sẽ được ông Phan Quốc Việt trực tiếp dạy nhưng thực tế không phải như vậy”.
Chị H. cũng thông tin, đóng mức học phí không hề thấp nhưng các khoản thuê xe ô tô, ăn uống… để các con đi biểu diễn xiếc, phụ huynh đều phải chi tiền.
“Trước khi lên trung tâm, tình trạng sức khỏe cháu rất tốt, béo khỏe. Cháu 10 tuổi nặng khoảng 42kg. Tuy nhiên sau khi vào Tâm Việt cháu gầy đi”, chị nói.
Lên thăm con, trung tâm không cho gia đình chị vào gặp con trực tiếp, chỉ đứng nhìn từ xa với lý do sợ con nhìn mẹ, đòi về nhà, ảnh hưởng đến việc luyện tập. Chiều ngày 9/6, gia đình chị H. có sang trung tâm. Lúc này, học sinh và giáo viên Tâm Việt bắt đầu đi từ nhà ra sân tập.
Trên đường đi, B. nhìn thấy bố mẹ. “Con cứ níu tay kéo mẹ về hướng ngược lại. Cháu không nói được, chỉ biểu hiện bằng hành động. Tôi hiểu là con muốn về nhà”, chị H. bày tỏ nỗi ân hận khi không đưa con về sớm hơn.
Chỉ 1 ngày sau đó, (ngày10/6) bé T.N.B tử vong.
Theo Vietnamnet