Đây căn bệnh đặc biệt nguy hiểm có thể khiến một người đang bình thường bỗng dưng gục xuống, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc đối mặt với các di chứng tàn tật suốt đời.
Dấu hiệu của đột quỵ não
Theo PGS.TS Ngô Đăng Thục, giảng viên cao cấp bộ môn Thần Kinh và Nguyên trưởng khoa Nội Tổng hợp BV Đại học Y Hà Nội, cho biết, đột quỵ (Stroke) là thuật ngữ chung, để chỉ tình trạng suy giảm chức năng thần kinh cấp tính, xảy ra sau khi có sự ngưng đột ngột cấp máu cho một vùng não do mạch máu liên quan bị tổn thương. Bệnh nhân khi đột quỵ được điều trị thường bị muộn làm mất cơ hội được sử dụng thuốc đặc trị ngay, nhất là dùng thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não. Vì thế bệnh nhân đột quỵ cần được đưa tới bệnh viện kịp thời cấp cứu nhanh nhất có thể.
Còn đột quỵ não, theo Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa, là hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng tổn thương não, tồn tại trên 24h hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương chi phối, loại từ nguyên nhân chấn thương.
Cũng theo PGS. TS Thục có rất nhiều triệu chứng chung của đột quỵ đó là: Tê hoặc xệ một bên mặt yếu hoặc tê một tay một chân cùng bên cơ thể; Ý thức thu hẹp hoặc lú lẫn; Khó nói hoặc không hiểu lời nói; Thị lực mất một hay hai mắt; Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất điều phối; Đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân… Trong khi đó đột quỵ não có dấu hiệu liệt nửa người và liệt mặt trung ương cùng bên; Rối loạn ngôn ngữ (nói khó hoặc thất ngôn) nếu liệt bên tay thuận; rối loạn cảm giác nửa người bên liệt; rối loạn thị giác ; Co giật cục bộ hoặc toàn bộ hóa; Triệu chứng tiền đình trên tiểu não; Có thể có hội chứng màng não…
Phân biệt đột quỵ não chia ra hai thể bệnh đó là thiếu máu não chiếm 85% (gồm có nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua) và chảy máu não chiếm 15% (trong đó chảy máu não và chảy náo não đưới nhện). Những bệnh nhân căn bệnh này cần phải xét nghiệm ngay chụp CT não hoặc MRI não để xác định chính xác bệnh, PGS.TS Thục nhấn mạnh…
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) thường xảy ra đột ngột, không báo trước và không chừa bất kì một ai. Ảnh minh họa
Phương pháp điều trị đột quỵ não
Theo PGS.TS Thục những bệnh nhân bị đột quỵ não do nhồi máu não: Phương pháp điều trị tốt nhất chúng ta nhanh chóng chẩn đoán xác định để dư ra những quyết định hợp lý. Điều trị các yếu tố ảnh hưởng tới chức năng sống (huyết áp, nhiệt độ cơ thể, glucose huyết thanh). Điều trị nguyên nhân gây nhồi máu não, khai thông các mạch bị tắc hoặc hạn chế gây chết tế bào thần kinh. Phòng và điều trị những biến chứng nội khoa (trào ngược, nhiễm khuẩn, loét do nằm..). Biến chứng thần kinh (chảy máu thứ phát, phù não, cơn co giật). Dự phòng cấp hai sớm để giảm bớt tỷ lệ tại phát và phục hồi chức năng sớm ngay khi có thể.
Đối với đột quỵ do cơn thiếu máu não thoáng qua, chúng ta hiểu là một giai đoạn rối loại chức năng thần kinh ngắn do thiếu máu não cục bộ (hoặc thiếu máu võng mạc). Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Mỹ (AHA) điều trị triệu chứng này nên theo phác đồ sau (2010):
Chống kết tập tiểu cấu: Aspirin 50-325mg/ngày.
Kiểm soát huyết áp luôn duy trì huyết áo ở mức bằng 140/90mmHg
Thuốc hạ lipit máu nhóm statin: Vừa có tác dụng hạ lipit máu, vừa làm chậm tiến triển mảng vữa xơ và giảm nguy cơ đột quỵ não. Các bệnh nhân có loạn nhịp tin (đặc biệt rung nhĩ) vần được điều trị loạn nhịp.
Đột quỵ do chảy máu não là máu thoát ra khỏi lòng mạch thành khối máu tụ trong nhu mô não do nguyên nhân mạch máu, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương và không liên quan đến chấn thương.
Điều trị chảy máu não quan trọng nhất tìm được nguyên nhân của dị dạng mạch não nếu có (phình mạch, u mạch, thông động-tĩnh mạch não) để đề ra phương pháp điều trị thích hợp và Chẩn đoán hình ảnh được sử dụng CT có tiêm thuốc cản quang (MSTC), chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA), MRI mạch não (MIR).
Đột quỵ não do chảy máu dưới nhện là tình trạng máu chảy vào khoang dưới nhện không do chấn thương. Điều trị chảy máu dưới nhện phải tìm được nguyên nhân để có biện pháp điều trị thích hợp. Nguyên nhân chảy máu dưới nhện có thể do vỡ phình mạch não, thông động - tĩnh mạch não, bóc tách động mạch trong não, rối loạn đông máu, viêm động mạch…
Những đối tượng có nguy cơ đột quỵ não cao là những người cao tuổi, người có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tiểu đường, béo phì, căng thẳng stress... Ngoài ra, ngày nay những căng thẳng áp lực trong cuộc sống hiện đại, mất ngủ, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, thức ăn nhanh… sẽ một trong những yếu tố gây ra nguy cơ cao bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Theo một nghiên cứu mới đây, tăng huyết áp gây nguy cơ đột quỵ tới 4-6 lần. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 3 lần. Đột quỵ não chiếm tỷ lệ cao hơn cả ở người tăng huyết áp kèm xơ vữa động mạch vì khi xơ vữa động mạch sẽ làm hẹp lòng động mạch gây cản trở lưu thông dòng máu khiến mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ, đe dọa tính mạng người bệnh.
Dự phòng đột quỵ
Theo PGS.TS Thục để hạn chế căn bệnh này mỗi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị tích cực những yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì…
Ngoài ra, để phòng ngừa đột quỵ não, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý hạn chế chất béo, ngọt, đường, bột, thức ăn nhiều mắm muối…Tăng cường ăn các loại rau, củ, quả…
Cần có chế độ tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe.
Hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá. Chú ý đảm bảo chất lượng và thời gian của giấc ngủ, tránh kích động hoặc căng thẳng quá mức.
Quan trọng nhất khi có dấu hiệu của đột quỵ não cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế cấp cứu nhanh nhất nếu có thể.
Theo Trí Thức Trẻ