Vào đầu tháng 6 mới đây, bộ phim truyền hình được xếp vào hàng bom tấn của đài SBS Hàn Quốc The Penthouse: War In Life 3 (Penthouse: Cuộc Chiến Thượng Lưu 3) đã chính thức lên sóng.
Tập phim thứ 2 cũng hé lộ cho người xem một nhân vật mới, Alex Lee, từ Mỹ trở về Hàn Quốc Mặc dù đây có thể là một nỗ lực để thêm thắt vào cốt truyện của bộ phim truyền hình nổi tiếng, nhưng sự xuất hiện của Alex Lee trong Penthouse: Cuộc Chiến Thượng Lưu 3 gây tranh cãi gay gắt.
Trong tập phát sóng gần đây, Alex Lee, do diễn viên Park Eun Seok thủ vai, bước vào hiện trường với vẻ sợ hãi và nói theo cách giống với tiếng Anh bản ngữ của người Mỹ gốc Phi (AAVE). Điều này khiến người ta có cảm giác như đang chế nhạo "tiếng Anh bản ngữ của người Mỹ gốc Phi" (African American Vernacular English).
Tạo hình nhân vật này bị nhiều khán giả chê bai.
Nhân vật này có gương mặt giống hệt Logan Lee, nhưng diện mạo hầm hố hơn hẳn với mái tóc dreadlocks, hình xăm khắp người, răng nạm kim loại... Tạo hình này của Alex Lee bị chê xấu xí, không hợp với một người xuất thân trong gia đình tài phiệt sống ở Mỹ.
Nhắc đến dreadlocks, nhiều chị em không hiểu đó là kiểu tóc kỳ quái gì mà lại được đưa vào tạo hình nhân vật trong phim và gây tranh cãi. Những giải đáp dưới đây sẽ giúp chị em chúng mình mở mang tầm mắt về cụm từ lạ này!
Dreadlock là gì?
Dreadlock hay còn gọi là tóc bện thừng. Nó gồm những lọn tóc nhỏ được tết lại với nhau để tạo thành những búi nhỏ riêng biệt, trông giống kiểu Medusa - nữ thần đầu rắn trong truyện thần thoại Hy Lạp.
Thông thường tóc dreadlocks sẽ tết toàn bộ mái tóc nhưng cũng có nhiều biến tấu khác nhau, chẳng hạn tết một chỏm dài phía trước hoặc phía sau, còn lại cắt gọn...
Ca sĩ DiFranco đã để kiểu tóc dreadlock này trong nhiều năm nhưng gần đây đã quay trở lại với tóc thẳng.
Kiểu tóc dreadlocks hay tóc bện thừng được du nhập vào Việt Nam cách đây không lâu. Những năm gần đây, không khó để bắt gặp những bạn trẻ Việt với mái tóc dài, tết lọn và trang trí bằng nhiều phụ kiện màu sắc như chỉ, hạt gỗ, vòng bạc... Họ có thể là vũ công hiphop, người chơi nhạc rock, người chơi trượt ván, họa sĩ graffiti, nghệ sĩ xăm, người thiết kế đồ họa hay ca sĩ, diễn viên...
Cả nam và nữ đều có thể để kiểu tóc dreadlocks. Tuy nhiên, kiểu tóc này khá kén gương mặt, chỉ phù hợp với những người có gương mặt thon gọn, chẳng hạn như mặt trái xoan.
Bên cạnh yếu tố phong cách, thì mái tóc cũng phải đáp ứng những yêu cầu về độ dài, độ dày và chất tóc. Đây là kiểu tóc sinh ra để dành cho những chàng trai năng động, trẻ trung, yêu thích sự bụi bặm vốn có. Những chàng trai theo phong cách mạnh mẽ, cá tính, đầy chất rock cũng rất thích kiểu tóc này.
Nguồn gốc của dreadlock từ đâu?
Theo Theculturetrip, câu hỏi này thực sự đến nay chưa có câu trả lời bởi qua các bằng chứng khảo cổ học và cả các câu truyện thần thoại, truyền thuyết, người ta chỉ có thể kết luận rằng dreadlocks đã tồn tại trong nhiều thời đại ở nhiều nền văn minh và nhiều dân tộc khác nhau.
Ở Hy Lạp cổ đại, một bức tranh có niên đại từ năm 3600 trước Công nguyên được phát hiện ở Crete, nơi ra đời của nền văn minh Minoan, và ở Thera (Santorini ngày nay) cho thấy những người cổ đại có kiểu tóc bện dài giống dreadlocks.
Ở Ai Cập cổ đại, người ta đã tìm thấy các bức phù điêu và các đồ tạo tác khác cho thấy người Ai Cập mang kiểu tóc bện giống dreadlocks. Một số bằng chứng khảo cổ đầu tiên về dreadlocks xuất phát từ đó, nơi những xác ướp được phát hiện vẫn còn nguyên vẹn với mái tóc bện từng lọn.
Nhờ có kinh Veda, bộ kinh cổ nhất của Ấn Độ giáo có niên đại khoảng 1500 năm trước Công nguyên, kiểu tóc dreadlocks cũng được biết đến ở Ấn Độ. Thần Shiva, vị thần tối cao của đạo Hindu được mô tả là có mái tóc dreadlocks hay còn gọi là jata trong tiếng Phạn.
Nhiều nền văn minh ở Tiểu Á, Caucasus, Cận Đông, Đông Địa Trung Hải và Bắc Phi cũng đã được miêu tả để tóc dreadlocks trong thời kỳ đồ sắt và đồ đồng.
Các nhà sử học đã phát hiện ra các tài liệu của người La Mã nói rằng người Celt để tóc giống như con rắn, một số bộ lạc người Đức và người Viking được biết đến là đeo những chiếc áo choàng cổ. Thổ dân và các nhóm dân bản địa của New Guinea cũng theo phong cách này trong nhiều thế kỷ nay, và các bộ lạc trên khắp châu Phi, đặc biệt là các bộ tộc Maasai, Ashanti, Galla và Fulani, cũng theo phong cách bụi trần này.
Thực tế, kiểu tóc dreadlocks không phải là một phong cách mới, mà là kiểu tóc tự nhiên khi con người chưa có những loại nước, xà phòng gội đầu giúp mượt tóc, mà chỉ có thể gội bằng nước suối, nước biển. Những sợi tóc trở nên khô và dính bết lại với nhau một cách tự nhiên, hình thành những lọn tóc rối, dày và cứng như dây thừng.
Đó cũng là khởi nguồn ý nghĩa của kiểu tóc dreadlocks trong nền văn hoá Rasta: mỗi sợi tóc tượng trưng cho một người và khi không có những thứ vật chất phù phiếm con người ta sẽ sống hòa thuận với thiên nhiên hơn, kết nối, chia sẻ với nhau nhiều hơn…
Theo Pháp Luật Bạn Đọc