Khách du lịch nước ngoài tới Campuchia thường đi thẳng tới khu di tích đền Angkor Wat - một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên vào ngày 8/7, UNESCO đã đưa tên Sambor Prei Kuk, hay còn gọi là "ngôi đền trong rừng rậm", vào danh sách di sản mới.
Sambor Prei Kuk - hay còn gọi là "ngôi đền trong rừng rậm" ở Campuchia - mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Shutterstock.
Cách thủ đô Phnom Penh 206 km về phía bắc, nơi đây tập hợp nhiều đền. 10 ngôi đền trong số đó có hình bát giác. UNESCO cho biết Sambor Prei Kuk được xác định là Ishanapura, thủ đô của đế chế Chenla cổ. Đây là một nền văn minh Khmer phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 6 và thế kỷ 7, trước khi đế chế Khmer ra đời.
Cùng với Công viên Khảo cổ Angkor và đền Preah Vihear tọa lạc tại biên giới Thái Lan - Campuchia, khu vực này được công nhận là di sản văn hóa thế giới mới.
Du khách đã bắt đầu đổ xô tới thăm Sambor Prei Kuk hôm 15/7. Một cặp vợ chồng thậm chí chụp ảnh cưới tại đây.
Đông đảo du khách bắt đầu tới tham quan khu vực đền cổ xưa này. Ảnh: Reuters.
"Nơi đây đã được công nhận là di sản thế giới. Tôi hy vọng người dân được hưởng lợi thật nhiều từ điều này. Chúng tôi biết ơn tổ tiên đã xây dựng nên công trình và lưu giữ cho chúng tôi tới tận ngày nay", một người gác đền tên Sem Norm chia sẻ. Ông đã chăm sóc cho khu đền từ năm 1994.
Một số người khác hy vọng ngành du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương.
"Khi ngày càng nhiều du khách tới đây, người dân địa phương có thể tăng thu nhập bằng cách bán đồ lưu niệm, và những bọn trẻ có thể học tiếng Anh dễ dàng", du khách Uch Srey Leakhena cho biết.
Lượng khách du lịch tới Campuchia đã tăng 5%, lên tới 5 triệu người vào năm 2016. Dự kiến khoảng 5,5 triệu du khách tới thăm quốc gia này trong năm nay.
Theo Zing