Cá mập hiếm gặp nhất đại dương con cá mập miệng to bí ẩn của đại dương được du khách vô tình ghi lại được khi đang lặn ở biển Indonesia.

Penny Bielich sống ở Isle of Man, Ireland vô tình bắt gặp và ghi lại được hình ảnh về loài cá mập megamouth, hay còn được gọi là cá mập miệng to, hôm 25/7.

Cá mập miệng to có tên khoa học là megachasma pelagios, là loài cực kỳ hiếm gặp, sống tại một số vùng biển sâu thuộc Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Chúng hiếm đến nỗi, kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 cho đến nay, người ta mới phát hiện được 63 cá thể.


Du khách ghi được cảnh sinh vật cực hiếm thấy khi lặn biển-1
Mặc dù loài cá mập miệng to vô cùng bí ẩn, chúng không hề gây nguy hiểm cho con người. Ảnh: Storyville.


Sở dĩ chúng có cái tên kỳ lạ trên là vì phần đầu và cái miệng rất lớn, với bộ răng lược giống như cá voi dùng để bắt mồi là những sinh vật phù du, giáp xác và các loài cá nhỏ. Chiều dài của loài này có thể đạt tới 5 m, nặng trên một tấn và có tuổi thọ lên đến 100 năm. Cá mập miệng to có khả năng bơi kém. Chúng thường sống dưới độ sâu khoảng 160 m vào ban ngày và ngoi lên gần mặt nước khoảng 12 m vào ban đêm để kiếm ăn.

Penny Bielich phát hiện con cá mập miệng to này trong khi đang lặn ở Gili Lawa Laut, ngoài khơi đảo Komodo, và quay lại đoạn video rồi chia sẻ lên Instagram.


Du khách ghi được cảnh sinh vật cực hiếm thấy khi lặn biển-2
Vị trí phát hiện cá mập miệng to. Ảnh: Daily Mail.


Con cá mập miệng to đầu tiên được phát hiện vào năm 1976 ở ngoài khơi Hawaii (Mỹ), mắc kẹt trong mỏ neo của một chiếc thuyền. Chúng từng được phát hiện chủ yếu ở vùng biển Nhật Bản, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc).

Rất nhiều lần loài này được phát hiện ở Philippines, và vào năm 2015, ngư dân đã phát hiện một con bị trôi dạt lên bờ.

Gần đây hơn, ngư dân tại một ngôi làng ở Nhật Bản bắt được một con cá mập miệng to dài 5 m mắc vào lưới đánh cá tại vùng biển cách cảng Owase, ở quận Mie tháng 4/2016.

 

Theo Zing