Dù có kinh nghiệm đặt chân tới hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng ngôi làng "của quý" ở Bhutan vẫn là nơi khiến Daniel Pinto cho rằng đây là "điểm đến kỳ lạ nhất từng ghé thăm".
Ở tuổi 25, nam blogger du lịch người Bồ Đào Nha vốn rất dày dặn kinh nghiệm trong các chuyến đi, nhưng anh không tránh khỏi cảm giác bị sốc khi tới làng Sopsokha nằm ở phía Tây của "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới".
Hình ảnh mô phỏng bộ phận nhạy cảm xuất hiện khắp nơi (Ảnh: Daniel Pinto).
"Đó là một ngôi làng truyền thống rất đẹp của người Bhutan, được bao quanh là những cánh đồng lúa. Ở đây, người dân dùng biểu tượng của quý để trang trí cho các tòa nhà và tác phẩm điêu khắc", Daniel cho biết.
Anh còn tới thăm "ngôi đền sinh sản" Chimi Lhakhang và rất bất ngờ trước cách trang hoàng tại đây. Đó là một bức tượng vàng khổng lồ nằm ở vị trí nổi bật, bao quanh là những bức tượng mô phỏng dương vật với đủ kích cỡ, hình dáng.
Được biết, ngôi đền vốn là chốn lui tới của những người phụ nữ mong muốn có con. Người địa phương tin rằng, những biểu tượng dương vật giúp tăng khả năng sinh sản.
"Vào trong đền, du khách sẽ bắt gặp những bức ảnh mô phỏng câu chuyện về các cặp vợ chồng từng khó đậu thai, sau khi tới đây cầu xin và lúc trở về nhận được tin vui. Tiếc rằng du khách không được mang theo điện thoại hay máy ảnh vào trong bất cứ ngôi đền nào ở Bhutan, nên tôi không lưu được những khoảnh khắc ấn tượng", Daniel nói.
Lần đầu tận mắt chứng kiến khiến vị khách Bồ Đào Nha rất ngạc nhiên (Ảnh: Daniel Pinto).
Vị khách người Bồ Đào Nha gợi ý, du khách hay người hành hương đến đây có thể mua những món quà lưu niệm lấy cảm hứng từ "bộ phận nhạy cảm" của nam giới về làm quà.
"Bạn có thể thấy hình nhạy cảm này được chế tác thành búp bê với nhiều kích thước và màu sắc khác nhau. Thậm chí, hình in trên áo phông cũng rất lạ mắt", nam blogger giới thiệu.
Daniel cho rằng, Bhutan là quốc gia quản lý khách du lịch chặt chẽ. Trong suốt thời gian anh ở đây luôn có một quan chức chính phủ đồng hành. Mới đây, quốc gia này vừa giảm phí du lịch với khách nước ngoài từ 200 USD/đêm xuống còn 100 USD/đêm.
Với người Bhutan, hình ảnh này không gợi nên sự thô tục (Ảnh: Getty).
Quay trở lại câu chuyện hình ảnh dương vật xuất hiện ở khắp làng Sopsokha, trên thực tế, người dân địa phương quan niệm rằng, điều này không mang ý nghĩa thô tục. Tất cả đều được thể hiện đậm chất nghệ thuật.
Người Bhutan cho rằng đây là "tấm bùa" quan trọng, là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở giúp xua đuổi tà ma và mang lại may mắn. Họ vẽ hình tượng này ở tường nhà, dưới mái hiên, cột nhà... với mục đích xua tà ma, mong gặp nhiều an lành may mắn.
Ngày nay, họ vẫn tìm cách bảo tồn tục thờ cúng truyền thống lâu đời này bằng nhiều cách thể hiện mang tính nghệ thuật.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tục thờ cúng dương vật, tín ngưỡng phồn thực đã xuất hiện ở Bhutan từ rất lâu. Đức tin này được cho là bắt nguồn từ thế kỷ 15. Khi đó, một vị cao tăng Phật giáo là Drukpa Kunley (còn có tên gọi khác là Thánh Điên) xuất hiện tại đây.
Theo tương truyền, Thánh Drukpa Kunley còn nổi tiếng với câu nói "Rượu ngon nằm ở cuối hũ, hạnh phúc nằm ở dưới rốn". Ông từng đi dọc khắp đất nước, dùng nhiều câu chuyện hài hước để truyền bá, giúp con người ngộ đạo, hiểu được giáo huấn đích thực của Đức Phật.
Theo Dân trí