Bảy du khách vừa được Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta hỗ trợ giải cứu sau khi suýt mắc kẹt ở Bali là nhóm của chị Bùi Thanh Hằng (Hà Nội).

Trao đổi với Zing.vn từ sân bay Juanda trên đảo Surabaya, hòn đảo cách Bali hơn 500 km, chị Hằng cho biết nhóm chị vừa làm xong thủ tục lên máy bay để trở về Jakarta trước khi bay về Hà Nội.

Du khách Việt ở Bali: Chạy 13 tiếng để thoát khỏi nơi núi lửa phun-1
Những người bạn trong nhóm du lịch Bali của chị Bùi Thanh Hằng. Ảnh: NVCC.

Nhóm của chị Hằng được biết thông tin về việc núi lửa phun trào sau khi hãng hàng không nhắn tin về việc chuyến bay có thể bị hoãn. Dù vậy, mọi hoạt động khác trên đảo Bali vẫn diễn ra bình thường.

"Du khách vẫn đầy đường, không có biểu hiện gì bất thường, người hướng dẫn nói mọi việc vẫn ổn", chị Hằng cho biết.

Cảnh tượng hỗn loạn chỉ diễn ra tại sân bay Ngurah Rai, sân bay này cách ngọn núi lửa Agung đang phun trào 75 km. Người hướng dẫn viên du lịch Indonesia khuyên đoàn của chị Hằng ở lại, vì "mọi thứ có thể trở lại bình thường ngay ngày mai". Người đàn ông Indonesia này thậm chí còn đề nghị chị Hằng và bạn bè về nhà anh ta trú tạm nếu mắc kẹt lại Bali.

Cùng lúc đó, chị Hằng và bạn bè quyết định gọi điện cho đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta. Quan điểm của đại sứ quán là nhóm chị Hằng phải rời khỏi Bali ngay, vì nếu ở lại họ có thể mắc kẹt từ 7-10 ngày.

"Nhân viên đại sứ quán yêu cầu rất quyết liệt, buộc đoàn phải dời khỏi Bali càng nhanh chóng càng tốt vì sân bay Bali có thể bị đóng cửa vô thời hạn", chị Hằng kể. "Đại sứ quán cho biết có 2 đường thoát khỏi Bali, một là đường bộ (qua phà) đến Surabaya, cách Bali khoảng 500 km và mất khoảng 13 giờ chạy xe. Hai là đường qua phà trên biển đi Lombok cách Bali 160 km. Tuy nhiên, đại sứ quán quyết để đoàn đi đường bộ đến Surabaya vì như vậy là an toàn hơn cả".

Du khách Việt ở Bali: Chạy 13 tiếng để thoát khỏi nơi núi lửa phun-2
Vị trí của đảo Bali so với 2 hòn đảo liền kề là Lombok và Surabaya. Ảnh: Google Maps.

Nhóm của chị Hằng được hỗ trợ thuê một chiếc xe 12 chỗ và bắt đầu di chuyển từ bến xe ở Bali vào khoảng 0h ngày 27/11. Họ được đưa thẳng đến sân bay tại Surabaya vào 14h cùng ngày.

"Và bây giờ chúng tôi thấy quyết định của đại sứ quán là kịp thời và đúng đắn vì theo như chúng tôi được biết thì sân bay Lombok cũng vừa đóng cửa do tác động của núi lửa", chị Hằng chia sẻ.

Du khách người Việt kể rằng nhân viên của đại sứ quán lẫn người hướng dẫn viên du lịch người Indonesia đã rất tận tình giúp đỡ nhóm của họ. Nhân viên đại sứ quán đã phối hợp cùng người hướng dẫn viên để sắp xếp cho nhóm du khách Việt lên xe, lưu lại thông tin về công ty du lịch, tài xế.

"Nhân viên đại sứ quán gần như đã thức trắng đêm với chúng tôi, người hướng dẫn viên trên đảo Bali chỉ về nhà sau khi chúng tôi đã lên xe". Chị Hằng cho biết việc di chuyển đến đảo Surabaya diễn ra suôn sẻ, họ không gặp ùn tắc gì đáng kể.

"Tài xế cũng rất cẩn thận, dù chiếc xe khách kêu to như chiếc xe công nông", chị Hằng kể lại.


Du khách Việt ở Bali: Chạy 13 tiếng để thoát khỏi nơi núi lửa phun-3
Núi lửa Agung vừa phun trào ngày 26/11. Ảnh: AFP.

Tại sân bay Ngurah Rai, sân bay quốc tế chính của Bali, hàng loạt chuyến bay bị hủy khiến hàng nghìn hành khách mắc kẹt. Hiện báo động núi lửa ở khu vực này sáng 27/11 đã được nâng lên cấp 4, cấp báo động cao nhất. Các nhà chức trách đang lo ngại đợt phun trào mạnh có thể sắp diễn ra.

Khu vực sơ tán hiện tại dựa trên lần phun mạnh cuối cùng của Agung vào năm 1963 khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa.

Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa Thái Bình Dương", nơi các tầng địa chất va chạm và gây ra 90% các trận động đất trên thế giới. Nước này hiện có 130 núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
 

Theo ZIng