4 người chết, 12 người bị thương trong vụ đánh bom xe bus chở đoàn khách du lịch Việt Nam là vụ bạo lực mới nhất tại Ai Cập, quốc gia một thời là thiên đường cho những người yêu lịch sử và khảo cổ, nhưng nhiều năm qua đã chìm sâu trong bất ổn chính trị, bạo lực và khủng bố.
Bóng ma bạo lực ám ảnh Ai Cập
Mùa Xuân Arab, từ Tunisia lan sang Ai Cập năm 2011, là mồi lửa thổi bùng lên bạo lực, bất ổn chính trị, và nay là những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại xứ sở của các Pharaoh.
Năm 2013, phe quân đội lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Morsi để dọn đường cho Abdel Fattah El Sisi giành lấy quyền lực. Khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Ai Câp, ông El Sisi đưa ra lời hứa mang lại ổn định và an ninh cho quốc gia khi đó đang chìm sâu trong bất ổn.
Chính sách cứng rắn với người Hồi giáo của ông El Sisi, dẫu được nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết, lại trở thành một trong các nguyên nhân khiến các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy hoạt động. Tại bán đảo Sinai, nhóm vũ trang Sinai Province năm 2015 tuyên thệ trung thành và trở thành chân rết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Nhóm vũ trang chân rết của IS hoành hành tại phía Bắc bán đảo Sinai. Ảnh: Egypt Today.
Trong thời kỳ hoàng kim, lực lượng IS tại Ai Cập đã giết hàng trăm cảnh sát, quân nhân và cả dân thường bị nghi ngờ làm việc cho chính quyền.
Mục tiêu của IS là những người theo dòng Hồi giáo Sufi bởi chúng vốn coi Sufi là dị giáo và cho rằng những người theo dòng Hồi giáo này chỉ biết cầu xin sự giúp đỡ từ thánh thần. Ngoài ra, người Thiên Chúa giáo cũng thường xuyên trở thành nạn nhân trong các vụ xả súng, đánh bom liều chết của IS.
Tới cuối năm 2017, IS đã giết hơn 100 tín đồ Thiên chúa giáo trong các vụ đánh bom nhà thờ ở Sinai và trên toàn Ai Cập, khiến nhiều người sợ hãi, phải rời bỏ làng mạc đến vùng khác sinh sống. Mục tiêu của IS là kích động hận thù giữa các tôn giáo, từ đó châm ngòi cho bất mãn trong dân chúng và bất ổn trên toàn Ai Cập.
Một trong những tội ác chấn động do IS gây ra là vụ tấn công khủng bố máy bay chở khách của Nga vào tháng 10/2015. Vụ việc, được cho là đặt bom trên máy bay, khiến chiếc máy bay chở khách nổ giữa không trung và làm toàn bộ 224 người thiệt mạng.
IS cũng chính là tổ chức đứng sau vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo Rawdah hôm 24/11/2017 khiến 305 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất thế giới từ sau sự kiện 11/9 tại Mỹ.
Không chỉ IS, Al-Qaeda, phong trào Hasm cùng nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan khác cũng là mối đe dọa lớn ở Ai Cập.
Quân đội Ai Cập nhiều năm qua vẫn loay hoay xử lý những kẻ đã thề trung thành với chủ nghĩa khủng bố. Các chiến dịch quân sự lớn liên tiếp được triển khai, đặc biệt tại bán đảo Sinai. Tuy nhiên, các nỗ lực cả về quân sự lẫn chính trị và kinh tế không thể giúp Cairo chấm dứt hoàn toàn đe dọa của các nhóm vũ trang Hồi giáo.
Vụ tấn công tại nhà thời Hồi giáo Rawdah khiến 305 người thiệt mạng là tội ác do IS thực hiện. Ảnh: AFP.
Ngành du lịch tiêu điều
9h30 sáng một ngày cuối tuần tại Thung lũng của Nhà vua ở thành phố Luxor, phía Nam thủ đô Cairo, nắng chiếu rọi không gian rộng hàng chục km vuông với những công trình có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi. Từng là nơi đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, nhưng nay lối vào những khu lăng mộ thường xuyên rơi vào cảnh vắng lặng thưa thớt, ngay cả trong những mùa cao điểm du lịch.
Trước mùa xuân Arab năm 2011, tháng 10 luôn là khoảng thời gian cao điểm đối với những trung tâm du lịch như Luxor.
"Thường sẽ có những hàng dài người xếp hàng", Aamer Ibrahim, một dân bản địa làm trong ngành du lịch suốt cả cuộc đời nói, khoát tay chỉ về quãng đường dài 200 m từ lối vào Thung lũng của Nhà vua tới lăng mộ vua Ramses VI.
Đối với khách du lịch, sự vắng vẻ đồng nghĩa với việc có thể thoải mái dạo chơi giữa hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun hay ngắm nhìn những ký tự tượng hình trong lăng mộ Pharaoh Ramses VI mà không phải mệt mỏi chen lấn hay xếp hàng chờ đợi. Nhưng với ngành công nghiệp không khói có nguồn thu chính là những tấm vé của du khách trị giá chỉ 14 USD, cảnh vắng lặng này là một thảm họa.
Sự lao dốc của ngành du lịch kéo theo sự trượt dài của nền kinh tế, và cảm nhận rõ nhất bức tranh ảm đạm chính là những thương nhân.
Cảnh hoang vắng tại Thung lũng của Nhà vua ở thành phố Loxur trong mùa du lịch cao điểm. Ảnh: Guardian.
Tại phố mua sắm trung tâm Luxor, những cửa hàng thời trang trang trí sặc sỡ bằng đủ loại đèn huỳnh quang nhằm thu hút du khách. Dù vậy, những cửa hàng quần áo vẫn ế ẩm, nhà hàng và quán cà phê vắng khách, bởi đơn giản, chẳng có mấy du khách đặt chân đến Luxor.
"Mọi thứ đều chậm lại. Chúng tôi không hề có thu nhập, trong khi giá cả hàng hóa thì cứ tăng", Emad Nubi, chủ một quá cà phê, chán nản chia sẻ. Quán cà phê Areeka của ông từng có thời kỳ hoàng kim phục vụ 100 khách cùng lúc nay phủ đầy bụi bặm. Gia đình ông cũng phải đóng cửa hoạt động sản xuất mật ong và đường vì ế khách.
Sau sự kiện mùa xuân Arab năm 2011, cuộc đảo chính năm 2013 cùng hàng loạt sự cố hàng không khiến hàng trăm người thiệt mạng, ngành du lịch từng đóng góp 11,4% GDP cho Ai Cập đã lao dốc không phanh.
Nếu như năm 2010, Ai Cập đón tiếp 14,7 triệu lượt du khách nước ngoài, thì trong năm 2016, chỉ có khoảng 3,6 triệu lượt du khách đến với xứ sở Pharaoh. Con số này tăng nhẹ trong 9 tháng đầu năm 2017 trước khi tiếp sụt giảm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng làm 305 người chết tại nhà thờ Rawdah.
Theo thống kê chính thức, doanh thu du lịch của Ai Cập năm 2015 giảm xuống còn 6,1 tỷ USD, so với 12,7 tỷ USD năm 2010. Lĩnh vực này tiếp tục đà đi xuống sau vụ máy bay Nga bị tấn công khủng bố ở Sinai, khi doanh thu quý I/2016 chỉ đạt 500 triệu USD, so với 1,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015.
Trong thời gian Nga và Anh cấm các chuyến bay thẳng tới Sharm el-Sheikh, thành phố du lịch bên bờ Biển Đỏ của Ai Cập, ngành du Ai Cập thiệt hại khoảng 2,2 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 280 triệu USD) mỗi tháng. Các lệnh cấm này chỉ mới được dỡ bỏ đầu năm nay, tuy nhiên dấu hiệu khởi sắc cũng chưa đến tức thì.
Theo Zing