Chùa Ngọc Hoàng (chùa Phước Hải)
Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án... bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi.
Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ pháp. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế "tranh châu".
Hàng ngày, khách trong và ngoài nước đến chiêm bái chùa rất đông. Lễ hội lớn nhất là Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Ngày 15 tháng 10 năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa xây theo hình ấn, là kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa, đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương.
Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự thường là màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc "tứ linh".
Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa miếu, có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, nơi đây còn có một giá trị khác, đó không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi qui tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa (Quảng Đông).
Miếu Phù Châu (miếu Nổi)
Miếu Phù Châu thuộc khu cù lao trên sông Vàm Thuật (xưa gọi Bến Cát), nay thuộc phường 5, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
Miếu có diện tích khoảng 550 mét vuông và được xây gần như bao trùm trên một cồn đất nhỏ hình bàn chân có diện tích khoảng 2500 mét vuông nổi giữa sông Vàm Thuật. Dưới chân cồn đất có nhiều đá xanh lồi xung quanh. Do địa hình khá đặc biệt nên còn có tên gọi dân gian là Miếu Nổi. Khách muốn sang Miếu Nổi phải đi bằng đò.
Toàn bộ kiến trúc trong miếu được trang trí tinh xảo, đắp nổi hình rồng, phượng và cẩn sứ, các mái vòm cũng được cẩn sứ và ghép hình tỉ mỉ. Hai bên tường được cẩn sành mô tả các hình tượng tính ngưỡng dân gian. Trong khuôn viên miếu có cây si cổ thụ tồn tại gần 100 năm.
Xung quanh khuôn viên có ghế đá, dành cho du khách đến nghỉ chân và ngắm cảnh. Phía ngoài có miếu nhỏ thờ ông Hổ, một dạng tín ngưỡng sơ khai mang màu sắc Vật linh giáo do người Hoa mang theo từ quê hương tới. Bên trong miếu đặt một bệ thờ giả sơn với năm tượng hổ ở tư thế chồm.
Đền bà Mariamman (đền Bà Ấn)
Đền Bà Ấn là tên mà người dân thường dùng để gọi ngôi đền (có người gọi là chùa) Ấn Độ giáo (còn gọi là Hindu giáo), hiện tọa lạc ở số 45 đường Trương Định, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Đền có tên gốc là Đền Bà Mariamman, và thờ nữ thần Mariamman.
Theo tín ngưỡng của người Ấn, thì đây là vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ, sức khỏe dồi dào, hôn nhân suôn sẻ, con cháu đông vui... Đền được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, khi mà một số đông người Ấn Độ di cư qua Việt Nam và sống tập trung ở gần khu vực lập đền sau này. Hiện nay, đền vẫn được đông đảo người Ấn đến cúng bái.
Chùa Bửu Long
Chùa Bửu Long nằm trên một ngọn đồi phía tây ngạn sông Đồng Nai, chùa Bửu Long tọa lạc tại số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km. Tên chính thức là thiền viện Tổ Đình Bửu Long với bảo tháp Gotama Cetiya mang nét kiến trúc lộng lẫy và đẹp mắt đã thu hút nhiều du khách gần xa đến tham quan. Từ xa, du khách có thể nhận diện ngôi chùa qua hình ảnh của ngọn bảo tháp màu vàng rực rỡ nổi bật trên nền trời.
Chùa Bửu Long được xây dựng theo nét kiến trúc các chùa ở Đông Nam Á như Thái Lan, Ấn Độ… kết hợp cùng nét kiến trúc các chùa thời Nguyễn – tạo cho chùa Bửu Long có vẻ đẹp rất riêng và độc đáo.
Theo Khám phá