Chuyển hướng từ sân khấu, phim truyền hình sang làm phim điện ảnh, Đức Thịnh không được đánh giá cao. Tuy nhiên anh khẳng định người ta cho mình là số 0 thì mình phải làm để xem mình số mấy. Thực tế anh đã chứng minh bằng thành công từ các phim mình thực hiện như Madai, Siêu sao siêu ngố...
Đức Thịnh và Trường Giang hợp tác với nhau 3 phim. Ảnh: ĐPCC.
"Trường Giang lố, tôi phải kìm lại"
- Kịch bản "Siêu sao siêu ngố" có doanh thu hơn 100 tỷ đồng nhưng lại không được đánh giá cao, thậm chí bị chê nhảm. Bộ phim ngay từ đầu đã không được ê-kíp của anh ủng hộ đưa vào sản xuất, kể cả vợ anh - diễn viên Thanh Thúy - cũng phản đối kịch liệt. Vì sao anh bất chấp tất cả để bấm máy?
Dự án này có lúc tôi định bỏ vì cảm thấy không có lối đi sáng sủa. Việc sản xuất phim diễn ra trong thời gian ngắn, hơi gấp, sức khỏe và tinh lực của tôi lại không được dồi dào nhất. Nhưng cuối cùng, bằng sự nhạy cảm về mặt nghề nghiệp, tôi quyết tâm phải bấm máy phim này dù không biết phim sẽ được chiếu vào dịp nào.
Ngoài ra, thế mạnh của tôi là nắm chắc các miếng hài, biết miếng nào khán giả cười hay không cười. Phim này không có nhiều miếng hài như các phim trước nhưng miếng nào cũng ăn. Diễn xuất của Trường Giang cũng cộng hưởng thêm.
Trường Giang đâu phải tay mơ đâu. Khi Giang đọc kịch bản đã biết phim này có độ chơi cho mình. Trường Giang đồng ý tham gia dự án là tôi đã có niềm tin vào sự thành công.
- Anh đã kìm nén chất sân khấu và tấu hài ở Trường Giang thế nào để lên phim bớt ''lầy lội''?
Tôi đánh giá Giang là diễn viên hài chịu tiếp thu những điều đúng, không bao giờ khăng khăng mình giỏi nên cái gì cũng làm được. Tôi với Giang đã làm 3 phim nên khá hiểu ý nhau. Ví dụ cái gì của Giang lố quá thì tôi nói, Giang nghe. Còn cái gì của tôi làm chưa đủ hài thì Giang góp ý thì tôi cũng nghe.
Ví dụ trong phim Siêu sao siêu ngố, có đoạn Tùng heo ở bờ hồ với Sam, Trường Giang “ngứa miệng” lắm, muốn nói thêm một tràng dài đó, tôi cắt hết nhưng cuối cùng vẫn chiều cậu ấy nói câu: “con heo này trắng bóc, nó xài kem trộn hay sao”.
Diễn viên hài khi chụp được tình huống tốt thì họ chụp và làm đến cùng như tấu hài ấy nhưng thời lượng phim không cho phép và còn cho khán giả cảm nhận những điều khác nữa. Lầy quá thì đến những đoạn tình cảm khán giả không tin. Vì vậy Giang muốn nói thêm, tôi bảo: “Để dành cho phim khác”.
Đức Thịnh không buồn khi chưa được đánh giá là đạo diễn điện ảnh. Ảnh: NVCC.
- Còn nhận xét vai trò đạo diễn, biên kịch của anh mờ nhạt?
Tôi thấy bình thường, giống như người ta cho rằng câu lạc bộ Barcelona có đội hình toàn ngôi sao thì không cần huấn luyện viên. Tuy nhiên vừa thay đổi huấn luyện viên là đội đã thất bại liền.
Diễn viên là công cụ cho tôi, nếu họ không giỏi thì tôi cũng không thành công. Nếu nói về vai trò đạo diễn thì tôi nghĩ nên ẩn trong bộ phim. Vì bài học lớn trong các phim quốc tế là đạo diễn phải giấu bàn tay khỏi bộ phim.
'Tôi chưa có nhiều thủ pháp làm phim điện ảnh'
- Thực hiện 5 phim điện ảnh song vai trò đạo diễn phim điện ảnh của anh tới nay vẫn chưa được ghi nhận?
Khi Thanh Thúy nói là anh thấy sao khi search Google mà không có tên anh là đạo diễn điện ảnh. Tôi thấy bình thường vì ngày đầu tôi làm đạo diễn sân khấu cũng đâu có ai tin tưởng, đánh giá cao.
Khi tôi làm phim Ma Dai, người ta nói Đức Thịnh là điểm yếu của phim. Nghe cũng tự ái chứ nhưng tôi cứ làm xem mình là con số mấy. Khi bộ phim thành công thì mọi thứ đã thay đổi. Có những ông sếp đến bắt tay mình nhiều hơn, cộng sự cũng tin tưởng hơn.
Việc mọi người nhớ tôi là đạo diễn sân khấu có lẽ là dấu ấn bên sân khấu của tôi đậm nét. Tôi phải làm gì để Google công nhận mình là đạo diễn điện ảnh? Có lẽ tôi sẽ tiếp nhận và bồi bổ thêm các kỹ năng điện ảnh trong phim của mình.
Nói thật việc mọi người công nhận hay không, không quan trọng bằng việc diễn viên, cộng sự nghĩ gì về tôi. Tôi cảm thấy may mắn khi chuyển từ sân khấu sang điện ảnh. Chính nền tảng sân khấu tốt đã giúp tôi nhiều khi làm điện ảnh.
- Nếu ở sân khấu, anh dựng những tác phẩm tâm lý nặng hơn, còn làm phim, anh chủ yếu làm hài. Anh cũng bị đồng tiền chi phối?
Ở sân khấu tôi có nhiều thủ pháp nhưng ở điện ảnh tôi không có gì, thậm chí là không kỹ năng điện ảnh. Ở sân khấu, một vở diễn hài mà vào tay thì tôi cũng biến nó thành nghệ thuật. Ở điện ảnh tôi không có nhiều thủ pháp nên chỉ thấy nội dung hài thôi mà thiếu góc máy nghệ thuật, ánh sáng có chiều sâu…
Mọi người nhìn tưởng là khác nhau nhưng thật ra chỉ là một Đức Thịnh với một quan điểm nghệ thuật duy nhất là gửi gắm câu chuyện giản dị về cuộc sống thông qua một tác phẩm.
Còn về chất điện ảnh trong phim thì 2 năm nữa tôi sẽ hoàn thiện được và làm ra bộ phim chuẩn điện ảnh.
- Trong số những đạo diễn ở Việt Nam, ai là người đáng để anh học hỏi?
Đa số những đạo diễn nghệ thuật họ vắng mặt trong các phim thương mại. Theo tôi, phim của anh Charlie Nguyễn dễ tiếp nhận nhất. Khi xem phim của anh là tôi thấy chất điện ảnh liền dù phim thành công hay thất bại.
Còn một số đạo diễn Việt có nhiều kỹ năng và múa may nhiều quá trong bộ phim. Kiểu đó chỉ lừa được một số người chứ không lừa được những người xem tinh.
- Từ bỏ cái nôi sân khấu, phim truyền hình chuyển hướng làm phim điện ảnh, được và mất của anh là gì?
Tôi nghĩ được nhiều hơn mất. Nhịp sống của nghệ sĩ sân khấu đơn giản lắm, không nghĩ nhiều. Đi tập muộn thì mắng cho vài câu là xong. Đến phim điện ảnh thì tôi không thể làm việc cảm tính mà phải theo kế hoạch, deadline thậm chí kế hoạch trước 2 năm, gặp gỡ đối tác…
Cuộc chiến của phim chiếu rạp ở Việt Nam thật sự khốc liệt chứ không như mọi người nghĩ dễ thắng. Mỗi năm có khoảng 45 phim Việt ra mắt nhưng chỉ có 10 phim có doanh thu tốt, số còn lại ra "nghĩa trang".
Cuộc sống của vợ chồng tôi những ngày đầu chuyển hướng cũng có chút khó khăn. Chúng tôi không nói chuyện được với nhau vì hai người là hai thế giới khác. Trong khi tôi cho rằng chuyện của Thúy không đáng nghe thì Thúy ngược lại. Sau này cùng nhau làm việc, chia sẻ nhiều hơn thì mọi thứ lại trở về quỹ đạo bình thường.
- Có tin anh và Thanh Thúy từng nghĩ đến chuyện chia tay vì mâu thuẫn nảy sinh từ phim ảnh?
Chúng tôi có gây nhau, thậm chí gây lớn nhưng chưa đến mức căng thẳng muốn chia tay. Khi cuộc hôn nhân phải đi tới việc ly dị thì nghĩa là một trong hai người là người hàm hồ. Chúng tôi đều trưởng thành, biết lắng nghe và có sự bình tâm thì mọi khó khăn đều qua nhanh.
Theo Zing