Vài năm trở lại đây, việc làm lễ dâng sao, giải hạn vào ngày rằm và đặc biệt là vào dịp sau Tết đã trở thành một việc làm thường niên của nhiều hộ gia đình. Thậm chí việc chuẩn bị cho lễ dâng sao cũng được hoàn tất từ trước tết, từ thầy cúng, đồ cúng cho tới hẹn ngày hẹn giờ sao cho đẹp. Việc làm lễ dâng sao giải hạn là một tín ngưỡng rất tốt đẹp của dân tộc ta, nó mang ý nghĩa cầu mong điều lành đến với mình và người thân trọng gia đình. Tuy nhiên gần đây, lễ này đã bị biến tướng, khiến cho nhiều người đổ tiền, của vào để làm lễ, gây ra sự lãng phí không đáng có.
Lễ dâng sao, giải hạn là một hoạt động tín ngưỡng tốt đẹp
Chưa nhà nghiên cứu nào khẳng định được thời điểm xuất phát của lễ dâng sao, giải hạn nhưng mọi người đều thống nhất rằng đây là một lễ nghi có từ thời xa xưa của dân tộc ta. Việc cúng sao giải hạn nhằm tránh những điều xấu, không tốt để cầu mong có một năm mới an lành, may mắn. Số sao được cúng gồm có 9 chòm sao khác nhau, các ngôi sao này không có trên bản đồ thiên văn học, mà chỉ mang tính chất tượng trưng, tâm linh, tồn tại trong tín ngưỡng của mọi người.
Có 9 chòm sao khác nhau sẽ ứng với từng người ở độ tuổi, giới tính khác nhau.
Mỗi người, tùy vào độ tuổi, giới tính mà ứng với một ngôi sao khác nhau. Nếu ứng phải sao xấu thì phải làm lễ giải hạn hàng tháng cho hết năm đó tại chùa hoặc tại nhà. Lễ vật để làm lễ rất đơn giản, ví dụ như sao Thái Bạch thì chỉ cúng những đồ có màu vàng như tiền lễ vàng, một số bông hoa màu vàng và gà luộc, xôi đỗ. Việc lễ cúng này không tốn kém, mà có ý nghĩa như một chỗ dựa tinh thần, khiến cho người bị sao xấu ứng chiếu cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn về mặt tâm lý.
Nhiều người tham gia lễ dâng sao, giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội
Tiến sĩ Hoàng Hiệp, chuyên gia văn hóa Phương Đông cho biết: Việc làm lễ dâng sao giải hạn là một việc làm tốt đẹp, cầu sự an lành cho con người. Điều này phù hợp với phẩm chất, văn hóa của người Việt".
Sự biến tướng của lễ dâng sao, giải hạn
Vài năm trở lại đây, lễ dâng sao giải hạn không còn chỉ mang tính chất vùng miền, cục bộ, mà càng ngày càng được nhiều người dân biết tới. Cuộc sống ngày càng có nhiều bất an xảy đến, khiến nhiều người không còn tin vào bản thân mình, họ nghĩ rằng có một thế lực siêu nhiên nào đó tác động đến cuộc sống, đến những vận hạn của mình, vì vậy để an ủi mình, ngày càng nhiều người tìm đến những khóa lễ giải hạn, cầu bình an. Điều đáng nói là không ít người đã thái quá nghi lễ này, sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình. Thậm chí nhiều người nghèo khó không có điều kiện cũng vay mượn, bán cả tài sản để làm lễ. Cộng với tác động của kinh tế thị trường, những nghi lễ này đã trở thành một "loại hình dịch vụ" ở nhiều cơ sở thờ tự.
Việc này gián tiếp ảnh hưởng tới tâm lý của nhiều người, người không làm được lễ thì tâm lý lo lắng, sợ hãi những điều đen đủi sẽ tới với mình, người làm lễ rồi thì sợ mình làm lễ chưa đủ, thì vận đen vẫn sẽ tới với mình.
Tiến sỹ Hoàng Hiệp, chuyên gia về văn hóa Phương Đông.
Trả lời cho câu hỏi vì sao nhiều ngôi chùa nhận làm lễ dâng sao, giải hạn cho Phật tử, mặc dù lễ nghi này không hề có dính dáng gì tới đạo Phật. Tiến sĩ Hoàng Hiệp, chuyên gia văn hóa phương Đông giải thích: "Bởi nhà Phật lấy từ, bi, hỷ, xả làm trọng. Vì vậy các Phật tử có nguyện vọng làm nhưng điều tốt đẹp, cầu cho quốc thái, dân an thì nhà chùa cũng đứng ra tổ chức lễ giúp chúng sinh".
Như vậy, việc làm lễ dâng sao, giải hạn không hề xấu. Nhưng những biến tướng của nó thì có tác hại không chỉ đối với những người làm lễ, mà còn có ảnh hưởng xấu tới xã hội, gây tốn kém, lãng phí nguồn lực.
Theo Dân Việt