Cuối năm là mùa thu hồi nợ - công việc khó khăn và thậm chí là bế tắc với không ít người. “Lúc xin vay thì cậu ấy bảo bác là đại ân nhân của em, lúc tôi đòi tiền thì bảo sao bác ích kỷ, nhẫn tâm thế”, anh Tuân, chủ một quán cà phê ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, tâm sự.

Đòi nợ không được, còn bị gọi là kẻ ác

Thật ra là Tuân chán lắm rồi, không muốn nghĩ đến khoản nợ 90 triệu đồng mà em họ vay 3 năm trước nữa vì đòi mãi không được. Nhưng vì bản thân anh cũng vay tiền và đang bị giục trả gấp nên cực chẳng đã phải sang nhà em họ trong cùng tổ dân phố.

Nhìn thấy Tuân, người em sầm mặt vì biết ngay anh sang làm gì. Tuân vừa mở miệng chưa nói hết câu, cậu ta đã gắt gỏng: “Chưa có tiền. Anh đòi mãi thế không biết chán à? Đã bảo khi nào có tôi trả”.

Tuân cố gắng trình bày tình huống khó khăn, khẩn cấp của mình, hy vọng nếu không được trả hết thì anh nhận một phần tiền thôi cũng được, nhưng em họ không đủ kiên nhẫn lắng nghe. Cậu ta nói ráo hoảnh: “Có giết tôi cũng không ra tiền”.

Còn cô em dâu thì lẩm bẩm một mình nhưng cố tình cho anh nghe: “Giàu mà ích kỷ, nhẫn tâm, có kiểu họ hàng thế này thật vô phúc”.

Biết rằng không thể nói khó hay nói lý gì với họ, Tuân đành lủi thủi ra về, uất ức nhớ lại lúc cầm tiền 3 năm trước, cả hai vợ chồng đều bảo “bác là đại ân nhân của em”; “bác đã cứu cuộc đời em, cả đời này vợ chồng em mang ơn”.

‘Đứng cho vay, quỳ đòi nợ’ cuối năm, bị con nợ xua như xua ăn mày-1
Nhiều người gặp cảnh "đứng cho vay, quỳ đòi nợ".‘Đứng cho vay, quỳ đòi nợ’ cuối năm, bị con nợ xua như xua ăn mày-2

Hết hy vọng lấy lại tiền, anh tự nhủ hay là làm bung bét lên cho bõ tức, nhưng nghĩ xung quanh hàng xóm phần có nhiều người trong họ, cậu em kia ra mặt “Chí Phèo” không cần thể diện nữa nhưng anh thì vẫn cần, nên đành nén giận.

Không ngờ cây muốn lặng gió chẳng đừng, tối đó cô em dâu đăng bài trên mạng bóng gió mắng Tuân “coi đồng tiền to bằng trời”, “không đếm xỉa đến tình nghĩa anh em” khiến bao nhiêu họ hàng hết nhắn tin đến gọi điện hỏi thăm tình hình, thị phi không dứt.

Bị con nợ xua như xua ăn mày

Chị Thu Lan, 37 tuổi, sống tại Hà Đông, Hà Nội, chua chát nói sau buổi đòi nợ thất bại: “Đúng là chả dại gì bằng dại cho bạn vay tiền, vừa mất tiền vừa mất cả bạn”.

Người bạn này không quá thân nhưng đã gần gũi từ năm học cấp ba, trong công việc cũng có nhiều liên hệ. Hồi giữa năm 2022, người bạn rủ cùng đầu tư vào một vụ làm ăn, mỗi người đóng 600 triệu đồng nhưng chị từ chối; nên cô ấy năn nỉ xin vay tiền để theo đuổi dự án này.

Nghe bạn nói đi nói lại nhiều lần, lại thêm sự thề thốt cam kết chỉ vay tối đa nửa năm và trả lãi hàng tháng như lãi tiết kiệm ngân hàng, Thu Lan cho vay số tiền 270 triệu còn rảnh rỗi.

Cô bạn trả lãi đúng 1 tháng đầu tiên, sau đó viện cớ đang thiết lập hệ thống cần đổ thêm vốn chứ chưa rút được về, xin khất đến hạn thì trả một lần cả gốc lẫn lãi. Đến nay đã hai năm rưỡi trôi qua, chị Lan đòi đến mức chính mình còn thấy điếc cả tai mà cô bạn vẫn không trả.

Thái độ của cô cũng ngày càng tệ, gọi điện không thèm nghe, nhắn tin không thèm trả lời. Chị Lan tức quá đăng lên mạng tag thẳng tên, cô ấy cũng làm ngơ. Những lần đến nhà, chị hết trách móc, dọa dẫm đến năn nỉ đều vô hiệu.

Lần gần nhất, cô ta trốn trong nhà, để mẹ chồng vác chổi ra vừa quét vừa xua đuổi: “Về đi về đi, không có tiền đâu mà cứ đến lải nhải mãi, không biết nhà người ta đang ăn cơm à?”.

Thu Lan chỉ biết á khẩu, bất lực. “Đời thuở nhà ai chủ nợ bị con nợ mắng như mắng ăn xin, đuổi như đuổi ăn mày”, chị ngao ngán tâm sự.

“Đứng cho vay, quỳ đòi nợ”

Câu nói này được rất nhiều người nhắc đến khi chia sẻ cảnh đến gặp con nợ “xin tiền”. Họ vô cùng hối hận vì đã muốn làm người tốt khi bạn bè, họ hàng hay đồng nghiệp, người quen vay tiền theo kiểu dựa trên sự tín nhiệm.

“Đời tôi, hối hận nhất là cho người quen vay tiền, tưởng làm người tốt nhưng lại thành người ngu dại; cho vay xong có đòi được hay không là tùy thuộc vào sự tử tế cũng như độ dày da mặt của người vay.

Họ cầm tiền rồi thì họ thành bề trên của mình luôn, người phải quỵ lụy chính là mình”, anh Ngọc Lâm, sống ở Nam Định, chia sẻ.

Kể từ khi chấp nhận mất hơn 100 triệu đồng sau hành trình đòi nợ vô ích, Lâm không bao giờ cho ai vay tiền nữa: “Người vay thường lấy quan hệ tình cảm với tôi để ràng buộc, nhưng tôi không cả nể nữa, trách móc hay nghỉ ngơi cũng được”.

Còn anh Phạm Viên (Bắc Ninh) sau khi trải nghiệm cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” đã rút ra cách ứng xử khi người quen, thân vay tiền: “Nếu là mối quan hệ thân thiết, tôi cho hẳn một số tiền nhỏ nhất định, nhưng cho vay thì không, đằng nào cũng mất mà còn mua thêm cục tức”.

“Còn tôi rút kinh nghiệm rồi, từ chối thẳng, bảo tiền đều đang đầu tư, không có đồng nào rảnh. Ai nói nhiều tôi gửi cho họ link dịch vụ cho vay tiền. Thôi thì bạn bè giúp nhau bằng cách khác”, chị Lê Vinh, kế toán một công ty tại Hà Nội, nói.

Theo VTC