Lò vi sóng từ lâu đã trở thành trợ lý đáng tin cậy trong gia đình, nhưng liệu chúng có thực sự an toàn? Các nhà khoa học khuyến cáo: đừng cho bất cứ thứ gì trong 10 vật dưới đây vào lò vi sóng nếu bạn không muốn chịu hậu quả nặng nề.  

1. Hộp nhựa  

Theo các nhà nghiên cứu, khi gặp nhiệt độ cao, các chất hóa học độc hại trong nhựa sẽ ngấm vào đồ ăn gây ảnh hưởng xấu đến các chức năng hoạt động của cơ thể. Các hóa chất này có thể gây ra nguy hại khó lường cho sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, vô sinh, bệnh tim…  

Vì thế, mọi người cần lưu ý khi cho đồ vào hâm nóng. Nên nhớ chỉ sản phẩm nào có mác “microwave-safe” hoặc “microwavable” (sử dụng được trong lò vi sóng) mới được dùng.  

2. Hộp giấy  

Hộp giấy có chứa syrofom, vốn là một loại nhựa, nên rất độc hại khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong lò vi sóng. Vì vậy, bạn tránh hâm nóng cơm hộp trong lò trừ khi trên hộp giấy có đề là “an toàn khi dùng với lò vi sóng”.  

3. Trứng nguyên vỏ 

Nhiệt độ cao trong lò vi sóng sẽ làm không khí trong trứng giãn nở, dẫn tới nổ tung quả trứng, làm văng tung tóe, vừa bẩn vừa có nguy cơ cháy nổ lò. Do vậy, bạn đừng lỡ dại thử nướng trứng trong lò vi sóng. Thay vì đó, chỉ nên đập trứng ra, cho vào chén, đâm vỡ lòng đỏ rồi để vào lò để nấu chín.  


Trứng bắn tung tóe trong lò vi sóng.  

4. Hải sản có vỏ cứng  

Những hải sản có vỏ cứng như cua, sò, ốc… khi để vào lò vi sóng sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng và vị ngon của thực phẩm, đặc biệt sẽ giải phóng các phân tử tạo mùi khó chịu giống như mùi cao su.  

5. Ớt  

Ớt có thể bốc hỏa trong lò vi sóng. Khi mở cửa lò ra bạn và những người đứng xung quanh sẽ bị “tấn công” bởi hơi cay nóng, khiến bạn chảy nước mắt và ho sặc sụa.  

6. Nho  

Có nhiều loại trái cây chịu được nhiệt độ cao, nhưng nho thì sẽ bốc cháy, nổ tung nếu bỏ vào lò vi sóng. Nho khô thì sẽ bắt lửa và bốc khói.  

7. Thực phẩm chứa nhiều nitric  

Những thực phẩm chứa nhiều nitric như thịt lợn ướp, thịt hun khói không được để vào lò vi sóng vì nitric sẽ biến thành nitrosamin, chất này có thể gây ung thư, ảnh hưởng tới sức khỏe cả gia đình.  

8. Bình thủy mini hay bình thủy cách nhiệt  

Bình thủy mini, bình lưỡng tính, hay bình nóng lạnh làm bằng thép không gỉ sẽ ngăn hơi nóng của lò vi sóng tiếp xúc với chất lỏng bên trong, thậm chí có thể làm lò bị hỏng hóc. Nếu bình thủy làm bằng nhựa, bạn cần kiểm tra kĩ xem chất liệu có an toàn với lò vi sóng không.  

9. Vật dụng bằng kim loại  

Đồ kim loại là thứ cần tránh thật xa khỏi lò vi sóng. Bởi lẽ, sóng vi ba của lò vi sóng không xuyên qua được kim loại mà bị phản xạ lại vào thành lò, làm nóng xung quanh, dẫn tới cháy nổ, hư hỏng lò và ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người đứng xung quanh.  

Do vậy, bạn không bao giờ bỏ chén, đĩa, bát… bằng kim loại hoặc có hoa văn kim loại vào lò vi sóng để tránh phát hỏa.  

10. Các loại khăn vải  

Nếu đang có thói quen dùng lò vi sóng để sấy khô hoặc tiệt trùng các loại khăn tay, khăn trải bàn, lót cốc… bạn cần dừng ngay lại. Thói quen này có thể gây ra tình trạng cháy vải hoặc gây hỏa hoạn khi nhiệt độ quá cao.

 

Theo Khám phá