Vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xảy ra sáng nay (11/7) làm 2 người chết có nguyên nhân không ngờ tới: Do 3 người đứng tranh cãi trên đường và bị một xe khác đâm vào.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Cao tốc này có 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp. Phương tiện được chạy tối đa 120 km/h, tối thiểu 60 km/h.

Về vụ tai nạn, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, giảng viên Luật hình sự Đại học Thủy Lợi cho biết: Dừng xe cãi nhau trên đường cao tốc là hành vi nguy hiểm, có thể gây tai nạn, khi tai nạn xảy ra sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy trong vụ việc này cần làm rõ hành vi dừng đỗ xe của 2 tài xế trên làn cao tốc và hành vi thiếu chú ý quan sát của người điều khiển xe 7 chỗ.

Thông tin bước đầu xác định, hậu quả vụ tai nạn rất nghiêm trọng khiến 2 người chết, nhiều người bị thương. Nếu kết quả xác minh cho thấy có lỗi của người tham gia giao thông thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Cụ thể, khoản 12, điều 3, Luật Giao thông đường bộ quy định: Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Dừng xe cãi nhau trên đường cao tốc gây tai nạn có thể chịu án 10 năm tù-1
Sau cú va chạm, 2 người tử vong, 3 xe biến dạng. Ảnh: Hoài Anh

Điều 26, Luật Giao thông đường bộ quy định: Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau:

Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào cao tốc.

Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc.

Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường. Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

Đặc biệt, khoản 3, điều 26, Luật Giao thông đường bộ quy định: Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Từ những căn cứ trên, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc dừng đỗ xe có đúng quy định hay không và khả năng quan sát, làm chủ tốc độ của tài xế xe 7 chỗ.

“Trước tiên sẽ làm rõ hành vi của 3 tài xế (xe bán tải, xe 16 chỗ và xe 7 chỗ). Việc va chạm giữa xe bán tải và xe 16 chỗ trước đó có khiến 2 xe này không thể di chuyển hay không? Nếu xe không thể tiếp tục di chuyển, buộc phải dừng đỗ thì việc dừng xe có đặt biển cảnh báo nguy hiểm hay không?

Nếu sau va chạm xe bán tải và xe 16 chỗ còn khả năng di chuyển mà 2 tài xế vẫn dừng xe trên đường cao tốc (trên làn xe vượt, tốc độ cho phép 120km/h) hoặc xe không thể di chuyển, buộc phải dừng xe mà không có cảnh báo dẫn đến tai nạn thì 2 người này có lỗi. Người còn sống sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Đối với người điều khiển ô tô 7 chỗ đâm vào phía sau xe 16 chỗ (đang dừng), theo luật sư Đặng Văn Cường cũng có dấu hiệu của hành vi thiếu chú ý quan sát.

Theo quy định của pháp luật thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát và giữ khoảng cách với xe phía trước.

Nếu phát hiện chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại hoặc đánh lái để tránh va chạm. Các xe dừng, đỗ, gặp sự cố trên đường cao tốc được xác định là “chướng ngại vật”.

Nếu người điều khiển phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông mà đâm vào phía sau ô tô khác (đang di chuyển hoặc đang dừng khẩn cấp) thì có thể xác định là lỗi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách với phương tiện phía trước. Người có lỗi mà gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nếu còn sống thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS.

Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm của 2 người tranh cãi với lái xe 16 chỗ trên làn đường vượt của đường cao tốc. Vị trí 3 người đứng tranh cãi là nơi dành cho xe vượt với tốc độ tối đa 120km/h, không được phép đi bộ, không phải chỗ để đứng cãi nhau.

“Hành vi đứng tranh cãi trên mặt đường cao tốc, không có cảnh báo, gây tai nạn giao thông rất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ.

Bởi vậy trong vụ việc này, ngoài 2 người đã tử vong, những người còn sống có liên quan nếu có lỗi (dừng đỗ xe sai quy định, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, cản trở giao thông…) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS.

Gây hậu quả làm chết 2 người và nhiều người bị thương, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thì người có lỗi trong vụ tai nạn này nếu còn sống sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 260 BLHS với khung hình phạt từ 3-10 năm tù.

Ngoài hình phạt tới 10 năm tù thì người vi phạm trong vụ tai nạn này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra với các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường thông tin.

Theo VietNamNet