Bài viết của tác giả Vương Huy trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Cuộc sống hưu trí buồn tẻ của mẹ
Chăm sóc cha mẹ khi về già như thế nào vẫn là vấn đề được những người trưởng thành như tôi quan tâm. Nhất là sau khi bố tôi qua đời, chỉ còn mình mẹ tôi sống cô độc ở quê. Vì là con một nên tôi được thừa hưởng toàn bộ tài sản từ cha mẹ, điều này cũng vô hình thôi thúc tôi cần có trách nhiệm hơn với việc chăm sóc mẹ già.
Sau khi căn nhà cũ bị phá dỡ do nằm trong dự án xây dựng khu đô thị mới, tôi đón mẹ lên sống cùng vợ chồng chúng tôi. Với tôi việc này rất thuận lợi khi gia đình vui vẻ sum họp, mỗi khi vợ chồng tôi đi làm về đã có người phụ giúp chuyện nấu nướng, dọn dẹp. Tôi cũng có thể đưa mẹ đi khám định kỳ hoặc đi dã ngoại mỗi cuối tuần cho bà khuây khoả.
Thế nhưng chỉ sau 2 tháng, tôi nhận ra vấn đề khi mẹ tôi chỉ quay quẩn ở nhà, không có thêm bất cứ hoạt động nào ngoại trừ việc ra ngoài cùng các con. Trên thực tế khu chung cư chúng tôi đang ở hầu hết là người trẻ, những gia đình chưa có con nên gần như không có người già. Tôi cảm nhận được sự chán nản, tủi thân khi mỗi ngày mẹ chỉ đi chợ, xem tivi hoặc lướt điện thoại cho qua ngày.
Vợ chồng tôi cố gắng về nhà sớm hơn để mẹ có người nói chuyện cùng, đề nghị đưa mẹ đến CLB người già ở khu chung cư lân cận nhưng mẹ vẫn nói không cần. Có lần mẹ nói chúng tôi nên có con sớm cho mẹ được bế cháu cho đỡ chán, vợ tôi chỉ cười trừ cho qua. Vợ đang trên đà thăng tiến nên chúng tôi thoả thuận sẽ có con muộn hơn, mẹ dù biết nhưng vài ngày lại giục một lần khiến cả 2 chúng tôi đều áp lực.
Hiếu thuận là cần lắng nghe cha mẹ
Có lần mẹ tôi bị sốt xuất huyết, phải nhập viện nên chúng tôi thay nhau nghỉ phép để theo dõi do lo sợ biến chứng bệnh này ở người cao tuổi. Mẹ nhập viện hơn 2 tuần, chúng tôi cũng gầy đi vì vẫn phải lo đảm bảo hiệu quả công việc tại công ty.
Sau đợt ốm này, vợ đề nghị đưa mẹ vào viện dưỡng nhưng tôi gạt đi ngay. Tôi sợ bị họ hàng "lời ra tiếng vào", nói tôi bất hiếu khi nhận thừa kế tài sản mà không thể chăm sóc nổi mẹ mình. Cha mẹ nào chẳng thích gần gũi con cái, nên tôi nghĩ mẹ tôi sẽ kịch liệt phản đối việc vào viện dưỡng lão.
Cho đến một đêm tình cờ đi qua phòng mẹ, tôi nghe thấy loáng thoáng tiếng mẹ nói chuyện điện thoại với ai đó: "Ở trên này các con bận quá, chẳng có người bầu bạn nên em cứ thui thủi một mình. Nhiều khi chỉ muốn đi theo ông nhà cho đỡ chán, bệnh ốm cũng phụ thuộc chúng nó bỏ công bỏ việc theo chăm".
Tôi muốn vào phòng nhưng sợ làm phiền mẹ nên lại kể với vợ chuyện vừa nghe. Mẹ tôi vốn là người hoạt ngôn, thích giao lưu trò chuyện cùng mọi người nhưng giờ tôi mới nhận ra từ khi lên thành phố mẹ dần ít nói. Ngay ngày hôm sau, vợ chồng tôi đưa mẹ đi ăn và hỏi ý kiến mẹ về việc sẽ chọn địa điểm khác cho mẹ sinh hoạt thoải mái hơn, ở nơi có nhiều bạn đồng trang lứa hơn như về quê hoặc vào viện dưỡng lão.
Mẹ tôi sững người nhưng không trách móc chúng tôi bất hiếu hay phản đối ý tưởng này. Bà nói về quê bây giờ cũng chẳng còn nhiều người thân quen, chi bằng thử vào viện dưỡng lão một thời gian xem có phù hợp hay không. Dù vẫn đấu tranh tư tưởng trước việc bị "gièm pha" nhưng tôi nghĩ tìm được nơi dưỡng già tốt cho mẹ quan trọng hơn.
Mẹ vào viện dưỡng lão ở cách nhà chúng tôi không quá xa để vợ chồng tôi vẫn có thể thuận tiện đến thăm. Điều kiện cơ sở vật chất ở đây cũng tốt, nhiều cây xanh, không khí trong lành và nhân viên có chuyên môn chăm sóc sức khoẻ chu đáo. Phần lớn người già vào viện dưỡng lão này còn khoẻ mạnh, minh mẫn nên mẹ tôi có thể thoải mái bầu bạn.
Mẹ hoà nhập rất nhanh với môi trường viện dưỡng lão, mỗi ngày bà đều cùng các bạn ra ngoài tập thể dục, tham gia các hoạt động văn nghệ tại trung tâm. Nhìn mẹ hạnh phúc trở lại và cảm ơn các con, vợ chồng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.
Tôi nhận ra "có hiếu" không phải lúc nào cũng giữ bố mẹ ở bên mình mà cần lắng nghe và tôn trọng mong muốn của bậc sinh thành, giúp họ có được cuộc sống hưu trí viên mãn.
Theo Người Đưa Tin