Đã 5 năm kể từ ngày kết thúc mối tình đầu, chị Lê Huỳnh Ánh Nguyệt (34 tuổi, ngụ TP HCM) không yêu ai nữa. Đôi lúc, chị cũng muốn yên bề gia thất mà chưa tìm được người phù hợp. Nhưng trong sâu thẳm, chị sợ yêu rồi lại đổ vỡ.
Giật mình vì đã "già"
Mỗi ngày, chị Nguyệt làm việc hành chính 8 giờ tại một doanh nghiệp. Sau giờ làm, chị chăm sóc vườn, đi chơi, xem phim, cà phê với bạn… Một năm nay, phát hiện vài sợi tóc bạc, chị giật mình nhìn lại thấy dường như đã "già" nhưng ở độ tuổi này càng dễ nhìn thấu đối phương - thấy ai cũng có vấn đề, còn người thấy ổn thì đã có gia đình.
"Bây giờ mới thấm thía nỗi cô đơn. Sống một mình ở thành phố, có những ngày tôi tự vào bếp nấu một bữa thịnh soạn nhưng lại không có người ăn cùng, thèm cảm giác ấm áp, vợ chồng, con cái quây quần bên mâm cơm. Chưa kể, tôi luôn cảm thấy có lỗi vì sự ích kỷ của mình khi để ba mẹ đã ngoài 70 tuổi phải lo lắng cho con" - chị Nguyệt tâm sự.
Trong khi đó, anh Trần Hữu Yên (45 tuổi, ngụ Hà Nội) lại thấm thía với nỗi khổ kết hôn muộn nên phải chịu cảnh "cha già con mọn". Gần 40 tuổi, anh Yên mới cưới vợ và có được cậu con kháu khỉnh. Con nhỏ thường đau ốm, vợ sinh con xong cũng xuống sức nên việc nhà, chăm con thường do anh cáng đáng.
"Trước đây, tôi chọn tự do, dành thời gian rảnh rỗi để tập trung cho công việc, đi du lịch… và cũng có một số thành tựu nhất định. Giờ đã thấy hối hận. Ở tuổi này, con của bạn tôi đã vào cấp III, học đại học, công việc của bạn cũng có chút địa vị; trong khi con tôi mới học mẫu giáo, trăm thứ phải lo, công việc đôi khi trễ nải, rối bời vì con ốm. Chưa kể, dẫn con đi chơi công viên, cha mẹ trẻ có thể chạy chơi, xích đu, máng trượt, cưỡi ngựa cùng con, còn mình cũng cố gắng mà được một chốc thì đã mệt đừ làm con cũng mất hứng..." - anh Yên than thở.
41 tuổi, chị Nguyễn Trúc Linh (ngụ TP HCM) mới kết hôn dù trước đó chị có tình yêu kéo dài 7 năm, người yêu nhiều lần đề nghị đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới. "Tôi muốn sự nghiệp vững vàng, lễ cưới được nhiều người ngưỡng mộ nên nhiều lần trì hoãn hôn nhân. Đến khi kết hôn, chẳng may bị hiếm muộn, mất nhiều thời gian mới có được con đầu lòng. Lớn tuổi mới sinh con, tôi luôn lo lắng, căng thẳng về những nguy cơ đối với em bé và bản thân. Mỗi khi con đau ốm, phải thức trắng đêm, cơ thể mệt mỏi tưởng chừng muốn gục ngã chứ không được khỏe mạnh như khi còn trẻ..." - chị Linh chia sẻ.
Hạnh phúc là đích đến cuối cùng
Theo kết quả điều tra dân số của Tổng cục Thống kê, tuổi kết hôn của người Việt ngày càng muộn. Một số thành phố lớn như TP HCM, độ tuổi kết hôn trung bình của nam xấp xỉ 30. Nguyên nhân được cho là người trẻ ngày nay thích tự do, không lựa chọn được đối tác phù hợp hoặc mức sinh hoạt cao cùng áp lực công việc…
Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy (TP HCM) phân tích theo tâm lý học phát triển, thời kỳ trưởng thành, yêu, thiết lập quan hệ thân mật với người khác giới và xây dựng sự nghiệp là từ 18 đến 35 tuổi.
Lợi thế của người kết hôn muộn là có nhiều cơ hội mở mang kiến thức, nâng cao chuyên môn, có tài chính, sự nghiệp, suy nghĩ chín chắn, hiểu biết và sẵn sàng lập gia đình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trì hoãn hôn nhân đến khi 32 tuổi sẽ làm giảm khả năng ly hôn vì ở độ tuổi này, họ hiểu rõ được thật sự muốn gì từ một cuộc hôn nhân.
Tuy nhiên, về mặt sinh học, sau tuổi 35, con người dễ bị trục trặc về sinh lý, tâm lý, dễ rơi vào trạng thái trống rỗng và lo âu. Chưa kể, độc thân thời gian dài sẽ cảm thấy khó sẵn sàng thay đổi bản thân, mất nhiều thời gian hơn để dung hòa những khác biệt và học cách chia sẻ.
"Không ai đo được cuộc hôn nhân hạnh phúc cần bao nhiêu tiền hay phải có chức tước, địa vị xã hội nhất định ra sao. Vì vậy, đừng để những vấn đề này phá vỡ tình yêu. Tất nhiên, kết hôn sớm hay muộn không quan trọng, hạnh phúc mới là đích đến cuối cùng nhưng sinh con khi đã lớn tuổi thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của cả mẹ và con càng cao. Vậy nên, khi tình yêu đủ chín, hai bên đều thấy cần nhau và biết sống có trách nhiệm với gia đình thì nên nghĩ đến việc kết hôn để cùng tạo dựng một gia đình hạnh phúc" - chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy nói.
Theo Người lao động