Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng vui vẻ, thuận lợi, nhiều khi nó còn chứa đầy khó khăn, áp lực. Khi kinh tế chưa mấy dư dả hoặc có biến cố xảy đến thì những áp lực trong hôn nhân càng trở nên nặng nề hơn nhiều. Song rõ ràng đó không thể là lý do để người ta đối xử quá đáng và tuyệt tình với chính người đầu gối tay ấp.
Thùy (30 tuổi) chia sẻ cô và Khánh kết hôn được 4 năm, có một bé trai đầu lòng gần 2 tuổi. "Khi mang thai tôi bị mất việc nên nghỉ ở nhà luôn, đợi cai sữa bé xong sẽ xin việc đi làm lại", cô vợ này kể.
Trong khoảng thời gian gần 2 năm qua, kinh tế trong nhà do một tay Khánh lo liệu. Khổ nỗi lương Khánh không cao, chẳng may đúng lúc kinh tế thế giới khó khăn chung nên thu nhập của Khánh còn bị giảm.
Vợ chồng cô phải chắt bóp, dè sẻn chi tiêu tới mức tối đa mới đủ chi dùng cho những nhu cầu cơ bản nhất của gia đình.
Ảnh minh họa
Biết chồng làm việc vất vả, Thùy luôn cố gắng tiết kiệm tiền. Thậm chí 2 năm qua cô không mua quần áo mới cho bản thân, váy bầu và quần áo đều do người quen, bạn bè cho.
Đồ dùng cho con, món nào xin được Thùy đều đi xin lại cho tiết kiệm. Đồ ăn thức uống trong nhà cũng vậy, không ngày nào Thùy không phải đau đầu suy nghĩ ăn gì cho tiết kiệm mà vẫn ngon miệng và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Ấy vậy nhưng câu cửa miệng của Khánh với vợ luôn là: "Cô tiêu gì mà tiêu lắm thế?", "Cô không kiếm ra tiền nên không thấy xót phải không? Cô có biết bây giờ làm ăn khó khăn lắm không hả?", "Lúc nào cũng tiền với tiền, cô không nói được chuyện gì khác hay hơn à? Tôi là cây ATM hay sao mà cứ nhìn thấy mặt tôi là hỏi tiền?".
Thùy nói: "Trước đây chồng tôi không phải là người keo kiệt, tính toán chi li tới mức như vậy. Tôi luôn nghĩ do áp lực kinh tế đè nặng lên vai một mình anh ấy nên chồng mới đổi tính.
Tôi hiểu nỗi vất vả và khổ cực của chồng nên luôn cố gắng nhẫn nhịn cho nhà cửa êm ấm. Hẳn sau này tôi đi làm lại thì mọi chuyện sẽ được cải thiện…".
Nhưng Thùy chưa chờ được tới lúc đó thì có một hành động của Khánh đã khiến cô tức nước vỡ bờ, không thể nhẫn nhịn thêm được nữa.
Hôm đó mẹ Thùy từ quê lên thành phố khám bệnh, Thùy không thể mang con nhỏ theo mẹ tới bệnh viện nên đành để bà đi một mình. Buổi trưa chờ kết quả khám, mẹ Thùy ghé vào nhà con gái ăn cơm, nghỉ ngơi. Thùy có biếu mẹ 500 nghìn để bà mua thuốc. Tối ấy Khánh về nhà biết chuyện và đã nổi trận lôi đình với vợ.
"Không phải tôi keo kiệt với mẹ vợ 500 nghìn mà bà ở với con trai, được anh chị cô lo cho đầy đủ rồi, còn cô thì đang phải chạy ăn từng bữa. Cô có biết 500 nghìn cả nhà ăn tiêu được 1 tuần không?
Lúc nào biếu mà chẳng được, sau này cô đi làm có tiền thích biếu bao nhiêu thì biếu, tôi có khắt khe đâu", Khánh mắng Thùy té tát. Quá đáng hơn cả, anh nhốt cô bên ngoài để Thùy suy ngẫm lại lỗi lầm của bản thân, không cho cô vào nhà.
Thùy nghẹn đắng, bao lời ấm ức, oán trách muốn nói nhưng lại không biết thốt ra thế nào. Chung quy cũng bởi cô quá thất vọng trước phản ứng của Khánh. Cô đặt con ngủ ở giường, theo lời chồng ra ngoài suy ngẫm lại bản thân.
Hai tiếng sau con thức giấc khóc đòi mẹ, Khánh mở cửa cho Thùy vào. "Cô biết sai chưa? Gia đình còn khó khăn, bây giờ chưa phải lúc báo hiếu đâu. Thời gian còn dài, cô yên tâm còn rất nhiều cơ hội...", Khánh dằn mặt vợ lần nữa.
Ảnh minh họa
Thế nhưng anh chưa nói hết câu thì phải đứng hình trước một món đồ Thùy chìa ra trước mặt. Đó là lá đơn ly hôn, Thùy xin được mẫu đơn của chị hàng xóm cũng vừa ly hôn cách đó ít lâu. Cô đã điền thông tin đầy đủ và ký sẵn.
"Tôi không muốn sống cùng người chồng như anh nữa, quá ngột ngạt và khổ sở. Đành rằng nghèo khó, thiếu thốn nhưng cách anh hành xử thật khiến người khác khinh thường. Đây là tôi nghỉ sinh con, không biết sau này tôi sa cơ lỡ vận thì có thể trông mong được gì ở anh không?", Thùy rành rọt đáp lời.
Khánh tái mặt nhìn Thùy nhanh tay thu dọn đồ đạc rồi bế con ra khỏi nhà. Tất nhiên trong 2 tiếng qua Thùy đã kịp sắp xếp mọi thứ tạm thời cho 2 mẹ con.
Bạn thân cô sẵn sàng cưu mang mẹ con cô thời gian đầu, vừa hay cô cũng đang định gửi con đi lớp. Có sức khỏe, có quyết tâm, hai mẹ con chẳng sợ không lo được cho nhau.
Vợ chồng quan trọng những lúc khó khăn, hoạn nạn có ở bên cạnh và yêu thương nhau được hay không. Nếu vợ chồng chỉ được vui vẻ, đầm ấm những lúc dư dả, khó khăn là cáu gắt, quay lưng thì người đó chắc chắn không đủ tư cách để trở thành một người bạn đồng hành đáng tin tưởng.
Theo Pháp luật và Bạn đọc