Nếu không biết cách phòng và chăm sóc da đúng cách sẽ khiến da càng khô, nổi mụn đỏ mẩn ngứa, và có thể gây xây xát, nhiễm trùng.
Giữ ấm:
Trong mùa đông, cần giữ ấm cơ thể và các vùng da thường xuyên bị hở như mặt, tay, chân bằng cách mặc quần áo ấm, dùng găng tay, tất chân, đi giày, ủng khi đi ra ngoài trời lạnh.
Uống đủ nước:
Trời lạnh, ít vận động, cơ thể ít ra mồi hôi nên nhiều người lười uống nước khiến cơ thể thiếu nước, không đủ giữ ẩm cho làn da. Vì vậy, cho dù không khát vẫn cần đảm bảo uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày bằng cách uống nước lọc và các món canh.
Giữ vệ sinh da:
Cần tắm rửa bằng nước ấm, thay quần áo và giữ vệ sinh vệ sinh da, nhất là đôi bàn tay, chân, hạn chế đưa tay sờ, gãi lên mặt. Nếu tay bị bẩn mà thường xuyên tiếp xúc lên vùng da bị khô, nứt nẻ có thể dẫn tới nhiễm trùng. Tránh chà xát kỳ cọ mạnh lên vùng bệnh khi tắm rửa, dù mùa đông cũng chỉ nên dùng nước ấm vừa phải, không dùng nước quá nóng hay xà phòng sẽ tẩy hết lớp nhờn trên da, làm da khô hơn, dễ nứt nẻ, giảm sức đề kháng. Hạn chế rửa chân, tay bằng nước lạnh với xà phòng, hóa chất,...
Nếu phải tiếp xúc nhiều với chất xà phòng có tính kiềm cao, nước rửa tay có chất tẩy, tiếp xúc với chất béo hòa tan hay chất hấp thụ nước... đều khiến da ngày càng khô ráp, mất đi tính đàn hồi và hình thành những vết nứt nẻ. Nếu có điều kiện nên dùng kem giữ ẩm sau khi rửa sạch mặt, chân, tay.
Tăng cường vitamin qua thực phẩm:
Ngoài việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nên ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều vitamin như các loại rau, củ, quả tươi.
Chăm sóc da khô, nứt nẻ:
Mỗi vùng da trên cơ thể đều có cách chăm sóc khác nhau. Những người bị nứt gót chân nên ngâm chân bằng nước ấm pha muối loãng mỗi ngày, sau đó bôi kem dưỡng ẩm.
Người bị nứt nẻ môi nên sử dụng sản phẩm dưỡng môi từ tự nhiên như mật ong hoặc bôi một lớp sản phẩm chống nẻ. Đối với da mặt, có thể dùng các loại hoa quả như: dưa chuột, cà chua, củ đậu,... có tác dụng dưỡng da, chứa nhiều bổ sung độ ẩm cho da, giữ được làn da mềm mại trong mùa đông lạnh giá.
Theo Sức Khỏe Đời Sống