Vỡ mộng xuất ngoại
Những ngày qua, nhiều gia đình tại ngôi làng nghèo Kloong, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Họ lo cho những đứa con của mình chưa một lần đặt chân ra khỏi làng, nay vì nhẹ dạ cả tin bị kẻ xấu dụ dỗ đưa ra nước ngoài, bị đánh đập, hành hung mù mịt ngày về.
Đã mấy ngày qua, ngay từ khi nhận được cuộc điện thoại đầu tiên của những đứa con gọi về cầu cứu, 6 gia đình tại làng Kloong lòng như lửa đốt, cảm giác bất an lo, sợ khôn nguôi. Họ sợ con bị kẻ xấu đánh đập, bỏ đói, lo vì không biết lấy đâu ra số tiền lớn để chuộc con về.
Người nhà của các nạn nhân bị dụ dỗ ra nước ngoài lo lắng mong ngóng tin của người thân
Theo những người thân tại làng Kloong, vì nhẹ dạ, cả tin, bị kẻ xấu dụ dỗ đi sang nước bạn Campuchia làm việc với thu nhập 18 triệu đồng/tháng, 7 thanh niên trong làng lên đường bất chấp sự khuyên can của gia đình.
Giờ đây, địa lý xa xôi cách trở, tiền chuộc không có, những ông bố bà mẹ, người thân của các em chỉ biết khóc cạn nước mắt mong ngóng con. Họ mong sao một phép màu sẽ xuất hiện để các con được bình an trở về quê hương.
Mấy hôm nay, từ ngày nhận được điện thoại của con trai Ksor C. (19 tuổi) gọi về cầu cứu gia đình vay mượn 150 triệu để được thả về, bà Ksor B. bộ dạng thất thần, chẳng thiết tha ăn uống, chỉ ngồi khóc. Nhà nghèo phải chạy ăn từng bữa, bà biết lấy đâu số tiền lớn để chuộc con trai về.
Bà Ksor B. khóc cạn nước mắt, nhà nghèo không biết lấy tiền đâu để chuộc con trai về
Ngồi thẫn thờ trước hiên căn nhà cấp bốn đã cũ kỹ, xuống cấp của gia đình, bà Ksor B. nói trong nước mắt: “Thằng C. con trai mình đã 19 tuổi rồi nhưng từ nhỏ đến lớn chưa đi đâu ra khỏi cái làng này, nó ngây dại lắm. Nghe theo lời người xấu đi nước ngoài làm nhiều tiền, nó cương quyết đi dù mình ngăn cản thế nào cũng được.
Biết trách ai giờ. Nhà nghèo, lấy đâu ra số tiền lớn để chuộc con, mình lo sợ nhiều lắm, chỉ mong sao con được trở về nhà bình yên’’.
Theo bà Ksor B., tối 19/6, C. cùng với 6 thanh niên khác trong làng lên một chiếc taxi rời đi. Xã Ia O chỉ còn cách biên giới Campuchia trên dưới chục cây số, giáp tỉnh Rattanakiri nhưng họ lại ngược về biên giới Tây Nam để sang nước bạn.
Sau nhiều ngày mất liên lạc, hôm trước có mấy đứa đi chung lần lượt gọi về khóc lóc thảm thiết vì bị đánh đập, bỏ đói mong người nhà gửi tiền chuộc để được thả về.
Mẹ già… ngóng con nơi xứ người
Tương tự, khi nhắc đến đứa con trai của mình là Ksor G. (23 tuổi), bà Ksor P. không cầm nổi nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời.
Anh Rơ Lan Lước (người nhà của G.) kể: "Mấy hôm trước G. gọi về cho hay, qua đó họ bắt làm công việc trên máy tính. Nhưng nó xưa giờ có biết máy tính là gì đâu, không làm được thì bị người ta đánh đập, bắt nhịn đói. Nó gọi về bảo gia đình đi vay mượn 150 triệu nộp cho người ta thì họ sẽ cho về".
Lo lắng hơn cả là gia đình bà Ksor Ph., có 2 người con trai là T. (28 tuổi) và Đ. (24 tuổi) cùng đi theo nhóm thanh niên trong làng sang Campuchia. Cả hai đều đã có gia đình, làm quần quật quanh năm nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng. Riêng Đ. mới lập gia đình 2 năm nay, vợ đang có thai 5 tháng.
Trong căn nhà không có bất cứ vật dụng gì có giá trị ngoài vài ba cái nồi nhôm đen nhẻm, lăn lóc bên cạnh đống tro tàn, gia đình bà Ksor Ph. biết lấy đâu ra tiền để chuộc 2 con.
“Mình nghèo quá! Không có nổi mấy trăm ngàn. Nhà chỉ có vài sào rẫy trồng mì. Tiền đâu mà nhiều thế. Mấy hôm nay, cả nhà chả ăn cơm nổi”, bà Ksor Ph. nói.
Trong căn nhà sàn xập xệ, những ngày qua bà Ph. khóc cạn nước mắt không biết lấy tiền đâu ra để chuộc 2 người con trai về
Ông Ksor Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: “Khi biết được thanh niên trong làng nghe lời dụ dỗ của những đối tượng buôn người đi sang Campuchia, chúng tôi đã khẩn trương báo cáo lên cấp trên.
Chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con trong xã không nghe theo nữa, kẻo tiền mất tật mang. Hiện, cơ quan chức năng đã vào cuộc để hỗ trợ các gia đình. Họ đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn”.
Trung tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã nhận và xử lý thông tin trình báo về thủ đoạn mới là lừa đi làm việc tại Campuchia với mức lương 800 đến 1.000 USD/tháng.
Các đồng chí đồn biên phòng Ia O, cùng cán bộ chính quyền địa phương đến nắm bắt tình hình, động viên người nhà các nạn nhân
Theo thông tin trình báo của một số nạn nhân, khi sang Campuchia, họ được đưa vào sống trong các căn hộ chung cư do người Trung Quốc quản lý.
Công việc hàng ngày là qua mạng xã hội gọi điện về Việt Nam lừa đảo người trong nước bằng các hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư, lôi kéo dụ dỗ đi làm việc tại Campuchia.
Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị phạt ít nhất 1.000 USD, bị đánh đập, bỏ đói rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà đòi tiền chuộc. Họ chỉ được thả khi gia đình đã nộp số tiền không nhỏ để chuộc thân.
“Những người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ, muốn tìm việc cần thực hiện các thủ tục theo quy định về hợp đồng lao động. Đồng thời, tìm hiểu công việc, nơi làm thông qua chính quyền địa phương hoặc cơ quan của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể.
Người dân phải thật sự tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, cần có kiểm chứng để tránh bị lừa đảo”, ông Sơn nói.
Theo Người Đưa Tin