"Cha! Con sẽ nghỉ học…"

 "Rồi con tính làm gì?"

 "Không biết! Nhưng con sẽ nghỉ học…". 

Một buổi tối sau ngày mẹ mất, Cao Thế Hà (16 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thẳng thắn nói với bố. Anh Cao Thế Bình (47 tuổi) ngồi cạnh, chỉ biết nhìn xa xăm vào con sông.

16 năm nay, dòng sông chảy trước nhà đã phụ giúp vợ chồng anh có công ăn việc làm, nuôi nấng con. Nhưng tháng 12/2021, vợ anh đột ngột qua đời, con nước sông Hậu cũng lúc đầy lúc cạn khiến gánh nặng trên vai anh Bình thêm khổng lồ.

Nhiều hôm trằn trọc, anh vẫn không thể tìm được câu trả lời: "Gắng gượng nuôi 2 con bằng cách nào?".

Đêm hôm đó, anh Bình khóc!

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến 90 đứa trẻ tại TP Cần Thơ bỗng chốc mồ côi. Mặc dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách giúp đỡ các gia đình nạn nhân, thế nhưng việc mất trụ cột kinh tế vẫn khiến con đường tìm chữ của nhiều đứa trẻ gặp trắc trở.

Trong đó, ngoài khoản học phí thì quần áo, dụng cụ học tập, bảo hiểm xã hội,… cũng là một vấn đề đau đáu.

Ba đứa trẻ dưới đây, một đứa đến trường bằng gánh cá cha bắt trên sông, một bằng cuốc xe ôm, một bằng chuyến đò chở khách trị giá 2.000 đồng của ngoại… Sau đại dịch Covid-19, các em đã bắt đầu hành trình của mình như thế nào?

Đường đến trường của những đứa trẻ miền Tây mất cha mẹ sau Covid-19-1 - 1
Hết lớp 9, Cao Thế Hà dự tính sẽ không bước tiếp vào cảnh cổng trường cấp 3 sau cái chết của mẹ.

Đường đến trường của con, đường mưu sinh của cha mẹ

Năm 2005, anh Cao Thế Bình nên duyên cùng chị Hương Thị Cẩm Nhung (42 tuổi). Không có kinh tế, cả hai cùng thuê trọ, giăng lưới đánh cá trên sông.

"Giành dụm mỗi ngày vài trăm nghìn mong mua được mái nhà gần mé sông cho con. Đó là mơ ước cả đời của cô ấy", anh Bình kể.

Tháng 12/2021, chị Nhung dương tính với Covid-19 khi dịch bùng phát mạnh mẽ tại Cần Thơ. Ngay sau đó, chị chuyển biến nặng. Đến ngày 18/12/2021, chị Nhung mất toàn bộ các giác quan.

Buổi chiều cùng ngày, thấy vợ rơi vào hôn mê, anh Bình vội dùng xe máy, Hà ngồi sau ôm siết mẹ vào lòng để chở đến trạm y tế. Thế nhưng vừa ra khỏi nhà, chị Nhung đã ngừng thở.

"Tay cô ấy rơi xuống, Hà nó chỉ khóc bảo anh: Cha ơi! Mẹ chết rồi. Anh trấn an là chưa, cố gắng chạy thật nhanh đưa xuống bệnh viện nhưng bác sĩ đều lắc đầu. Cô ấy ra đi vội vàng quá, chỉ mới 42 tuổi thôi mà…" , anh Bình nghẹn ngào.

Người mẹ đột ngột ra đi, bỏ lại chiếc xuồng vẫn còn dựng ở mé sông và ước mơ có mái nhà đàng hoàng chưa thành hiện thực. Vài hôm sau, bà ngoại đành đưa cháu về nhà sống chung. Thế nhưng kinh tế không khá giả nên bà chẳng đủ khả năng cho 2 cháu tiếp tục con đường đi học.

"Ban đêm anh đi giăng lưới, mấy năm nay mực nước lên xuống thất thường, tôm cá về ít dần nên anh còn phải chạy thêm xuồng, đi buôn… Làm đủ cả, nhưng nói để Hà tới đại học thì anh không chắc" , anh Bình kể.

Hết lớp 9, Hà đã phụ cha vào những đêm căn bệnh viêm khớp khiến ông đau nhức không thôi. Những đêm đó, cái cực nhọc khiến cậu nghĩ đến chuyện nghỉ học.

" Đi làm con vừa tạo ra được tiền, còn có thể chăm sóc được ba và ngoại… Mẹ mất rồi, con sợ sẽ mất tiếp cha và ngoại…", Hà đinh ninh kể về lời từ chối đoàn từ thiện vào đầu năm 2022, khi họ mong muốn đưa 2 anh em Hà ra Đà Nẵng học tập trong ngôi trường dành riêng cho trẻ em mồ côi sau Covid-19.

Đường đến trường của những đứa trẻ miền Tây mất cha mẹ sau Covid-19-2
Vợ chồng anh Cao Thế Bình cả đời bám sông, làm nghề chài lưới để kiếm tiền nuôi nấng các con.

Cách nhà cậu bé Cao Thế Hà hơn 18km, tại khu vực Thới Lợi (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), vào tháng 1/2022, cô bé Nguyễn Trần Khánh An (14 tuổi) cũng chịu cảnh tiễn biệt người thân.

Suốt mùa dịch năm 2021, bản thân công tác tại trạm y tế địa phương, chị Trần Thị Thanh Thủy (42 tuổi) đã tích cực tham gia các hoạt động trợ giúp F0. Đến tháng 1/2022, khi phường Thới An vừa hết giãn cách theo Chỉ thị 16, chính chị lại đột ngột dương tính với Covid-19.

Thời điểm ấy, Khánh An vừa chuẩn bị thi học kỳ, chị Thủy đành chọn cách ly hoàn toàn với con. Chị chia căn nhà làm 2 phần: phần nhà dưới để con gái và chồng ở, bản mình tự điều trị tại phòng khách.

Mỗi đêm, cả nhà sẽ gặp nhau qua cuộc điện thoại trước khi ngủ. Thế nhưng, 15h30 ngày 6/1, chị Thủy muốn đoàn tụ với cả 2 đứa con gái.

"Cô ấy bảo tôi gọi đứa lớn đang học ở đại học Cần Thơ về. Trước đó vẫn còn đứng ở cửa nhà, chờ con tới nơi thì nấu nước xông cho cả nhà. Thế mà một lúc sau Thủy đã không cử động, nằm êm ra đi trên chiếc võng" , anh Nhàn (47 tuổi) nhớ lại.

Đường đến trường của những đứa trẻ miền Tây mất cha mẹ sau Covid-19-3
Mất đi trụ cột kinh tế gia đình cũng khiến gia đình anh Nhàn gặp nhiều khó khăn.

Vợ mất khi đang là trụ cột kinh tế khiến gia đình anh Nhàn nhanh chóng rơi vào khó khăn. Lúc bấy giờ, toàn bộ chi phí sinh hoạt và học tập cho 2 con đều dựa vào cuốc xe ôm của cha. Hôm nào kẹt, anh Nhàn lại mượn thêm 2 bên gia đình nội ngoại.  

"Khánh An còn nhỏ nên dù đi làm anh vẫn tranh thủ về sớm đón con, lo cơm nước, ngủ nghỉ…  Đứa lớn học trên thành phố, còn phải thêm chi phí trọ, quần áo, dụng cụ học tập… Rất nhiều khoản tiền cho cả hai khiến nhiều tháng anh không xoay nổi…".

Buổi sáng của Trần Võ Phúc Hậu (10 tuổi, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) bắt đầu thay đổi sau cái chết của mẹ vào tháng 12/2021. Nó sẽ dậy sớm, đốt nhang mời mẹ ăn cùng tô cơm rồi mới lên xe đến trường. Đến tận bây giờ, thằng bé vẫn nghĩ mẹ nó còn đâu đó trên chiếc bàn thờ lập vội trong căn nhà cấp 4.

Năm 2012, vợ chồng anh Trần Văn Hiện sinh đứa con trai đầu lòng. Không dư dả từ công việc công nhân nên cả hai quyết định gửi con về quê, mỗi tháng tằn tiện gửi thêm cho bà ngoại ít chi phí sinh hoạt.

Sang năm 2021, căn bệnh viêm ruột buộc anh Hiện giảm tải khối lượng công việc. Đến tháng 12/2021, tai họa ập đến một lần nữa khi chị Võ Thị Ngọc đột ngột mắc Covid-19 và mất. Kể từ đó, gánh nặng nuôi cháu đè nặng lên người bà. 

"Mỗi chuyến chở qua sông tôi thu 2.000 đồng, một ngày được vài chục chuyến. Nhưng năm nay tôi đã 72 tuổi, không biết có thể lo nổi cho cháu vào đại học…", bà ngoại của Phúc Hậu tần ngần nghĩ.

Đường đến trường của những đứa trẻ miền Tây mất cha mẹ sau Covid-19-4
Bố đi làm xa, từ bé, Võ Phúc Hậu đã được ngoại chăm sóc, nuôi nấng và đưa đến trường.

Những lựa chọn cho tương lai

4.461 trẻ em Việt Nam đã mồ côi sau đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2021-2022 (theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), riêng TP Cần Thơ có 90 trẻ. Đó là nỗi đau tinh thần khổng lồ khi những đứa trẻ như Phúc Hậu, Khánh An,... mãi không nhìn thấy mặt mẹ cha lần cuối trước khi mất.

Tại TP Cần Thơ, địa phương đã có nhiều chính sách, hoạt động nhằm giúp đỡ cho các gia đình nạn nhân, đặc biệt là chương trình hỗ trợ học phí để đưa các em đến trường. Thế nhưng, thực tế trong những ngôi nhà đang duy trì cuộc sống bằng nghề sông nước, vấn đề quần áo, sách vở, bữa ăn, bảo hiểm xã hội… là một gánh nặng không hề kém. 

Anh Nhàn thừa nhận, ngoài học phí được miễn giảm, cả việc đóng thêm các khoản phụ thu khác, anh luôn phải nhận sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình vợ. Nhưng đó không phải là cách lâu dài!

"Sự ra đi của Thủy càng khiến tôi thấm thía hơn sự chia tách. Nhà anh cạnh mé sông, mỗi sáng đưa con đến trường đều phải qua phà, qua sông… Có thể nước gần gũi với anh, nhưng cũng có thể là tai nạn đối với những đứa trẻ",  anh Nhàn nói thêm về mong ước có một tấm thẻ bảo hiểm cho con.

Đường đến trường của những đứa trẻ miền Tây mất cha mẹ sau Covid-19-5Đường đến trường của những đứa trẻ miền Tây mất cha mẹ sau Covid-19-6

Hết kỳ nghỉ hè, Thế Hà vẫn muốn bỏ học! "Con theo bố đi giăng lưới cá, kiếm được tiền thì học đá bóng. Làm vậy con sẽ nhanh giúp đỡ gia đình hơn" - thằng bé vừa nói vừa chỉ vào những tấm bằng khen từng tham gia các giải bóng đá cấp tỉnh.

Khánh An và Phúc Hậu thì vẫn muốn đi học. Cả hai nhiều năm liền đều đạt học sinh giỏi, đều mong ước sau này trở thành giáo viên, bác sĩ để giúp đỡ thêm nhiều người miền Tây như cha mẹ chúng đã từng.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Khánh An gửi cho chúng tôi xem bài văn giúp cô bé đạt điểm 8 vào học kỳ vừa qua. Những trang viết cô bé gửi cho mẹ trước khi chị Thủy mất. Nhưng hiện tại, ở cuối trang giấy, cô bé chỉ đành ngậm ngùi đề dòng chữ:

"Bài văn bây giờ chỉ còn là quá khứ!".

Đường đến trường của những đứa trẻ miền Tây mất cha mẹ sau Covid-19-7

Theo Dân trí