Ở phút thứ 2 của tập 30 bộ phim Hướng gió mà đi, hình ảnh "đường lưỡi bò" (đường chín đoạn - do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế) xuất hiện khi nhân vật đang quan sát bản đồ trên màn hình ghế máy bay.
Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong phim "Hướng gió mà đi".
Phóng viên Tiền Phong liên hệ với đại diện Netflix Việt Nam nhưng đại diện Netflix Việt Nam cho biết chưa có thông tin cụ thể để chia sẻ về sự việc này. Sáng 8/7, tập phim này vẫn xuất hiện trên nền tảng trực tuyến này. Ngoài Netflix, tác phẩm còn được chiếu trên một số nền tảng giải trí, website phim "lậu" trong nước.
Đại diện của FPT Play trả lời Tiền Phong: "Các nội dung trước khi phát hành trên FPT Play luôn được đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình kiểm duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với bộ phim Hướng gió mà đi – Flight to you, đây là bộ phim với nội dung về tình yêu, sự cố gắng trong sự nghiệp của các bạn thanh niên trẻ. Những hình ảnh không phù hợp trong bộ phim này đã được biên tập, kiểm duyệt và xử lý (làm mờ, cắt bỏ)".
Cảnh phim xoay quanh một chuyến bay từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến Singapore gặp sự cố do hành khách có vấn đề về sức khỏe. Tiếp viên trưởng đề nghị chuyển hướng đến sân bay gần nhất song cơ trưởng không chấp nhận.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhận định tác động của văn hóa, nghệ thuật đối với nhận thức con người rất lớn.
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia, tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền, truyền bá sản phẩm văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, việc quảng bá các thông tin sai lệch thông qua các văn hóa phẩm đang làm suy giảm an ninh văn hóa.
“An ninh văn hóa cũng là an ninh quốc gia. Chúng ta phải luôn quan tâm đến vấn đề về văn hóa và phải xem đây là những vấn đề quan trọng, không được phép lơ là. Phải hết sức cảnh giác với những văn hóa hóa phẩm tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia, các vấn đề chính trị khác”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Phim "Barbie" bị cấm chiếu tại Việt Nam do hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện nhiều lần trong phim.
Trong bối cảnh hội nhập, văn hóa phẩm phong phú đến từ nhiều nguồn khác nhau khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn với các cơ quan quản lý nhà nước. Vậy nên, người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao hơn nữa nhận thức và xây dựng thêm phương tiện để quản lý tốt hơn vấn đề này.
“Đây là trách nhiệm của rất là nhiều bên liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL)... Việc khán giả phát hiện, thông báo về các thông tin sai lệch từ sớm giúp ích cho các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi từ những cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhanh chóng có cách xử lý phù hợp, bảo vệ được nền văn hóa, chủ quyền của mình”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Việc quảng bá các thông tin sai lệch thông qua các văn hóa phẩm đang làm suy giảm an ninh văn hóa.
Nhiều tác phẩm quốc tế có chứa đường lưỡi bò từng bị cơ quan chức năng xử lý. Mới nhất là phim Barbie bị cấm chiếu ở Việt Nam vì có hình ảnh phi pháp, hình ảnh phi pháp lặp lại nhiều lần. Tháng 3/2022, phim Thợ săn cổ vật (Uncharted) có Tom Holland đóng chính cũng bị cấm khởi chiếu với lý do tương tự.
Tháng 12/2019, Bộ VHTTDL phạt hành chính nhà phát hành CGV 170 triệu đồng vì Abominable (Everest: Người tuyết bé nhỏ) - phim hoạt hình có cảnh bản đồ đường lưỡi bò. Tác phẩm này được cấp phép, chiếu 10 ngày ở rạp trước khi bị phát hiện, sau đó phải rút khỏi rạp. Một số nhân sự Cục Điện ảnh bị khiển trách vì để lọt hình ảnh vi phạm trong quá trình duyệt phim.
Nhà phát hành CGV 170 triệu đồng vì Abominable (Everest: Người tuyết bé nhỏ) - phim hoạt hình có cảnh bản đồ đường lưỡi bò.
Đầu tháng 7/2021, Netflix Việt Nam gỡ sáu tập series gián điệp Pine Gap sau khi cơ quan chức năng phát hiện phim có hình ảnh phi pháp. Tháng 7/2020, phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder) bị phát hiện có hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò".
Sau khi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) yêu cầu rà soát, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam, Netflix cắt cảnh có hình ảnh vi phạm trong Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta. Tháng 8/2020, phim Bà ngoại trưởng (Madam Secretary) vi phạm tương tự.
Theo Tiền Phong