Căn nhà bị cháy có cửa thoát nạn, bình chữa cháy
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, khoảng 5h22 ngày 8/7, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP nhận được tin báo cháy tại nhà số 12 ngõ Thổ Quan (phường Thổ Quan, quận Đống Đa).
Sau 5 phút, xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Đống Đa đã đến hiện trường và triển khai các mũi dập lửa, tìm kiếm người mắc kẹt.
Tuy nhiên, 3 người gồm cháu N.Q.M. (SN 2010), cháu N.P.U. (SN 2012) và chị D.T.D. (SN 2004) đã tử vong.
Ngôi nhà 6 tầng bị cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh, bên trong chứa nhiều hàng hóa.
Tầng 1 của ngôi nhà có 2 lớp cửa, khi xảy ra cháy người dân đã cố phá cửa cuốn nhưng không thành công.
Theo lực lượng chức năng, quy mô khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (làm móng chân, móng tay), nhà ống cao 6 tầng, diện tích khoảng 60m2, kết cấu bê tông cốt thép.
Trong nhà có 4 bình chữa cháy, có cửa thoát hiểm tại tầng 1, 2 và 6. Nhưng tầng 6 bị quây kín bằng tường gạch và song sắt, còn tại lối thoát hiểm khác lại chứa nhiều vật dụng và hóa chất dễ bắt cháy nên lửa lan nhanh.
Việc hàng hóa được chất nhiều tại các phòng từ tầng 2 đến 6 khiến khi xảy ra hỏa hoạn tạo nhiều khói, khí độc đậm đặc đã làm cản trở việc chữa cháy, cứu hộ cứu nạn của lực lượng Cảnh sát PCCC. Đây cũng là lí do khiến các nạn nhân bị cản trở trong quá trình thoát nạn.
Không xây chuồng cọp, kê đồ cản trở lối thoát nạn
Ông Bùi Xuân Thái (Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam) cho biết, nhà ở hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh tại nhiều khu đô thị lớn ở nước ta có đặc thù là được xây dựng dạng nhà ống.
Các nhà ống này có một lối thoát nạn qua cầu thang bộ thông giữa các tầng và thoát ra ngoài qua cửa chính tại tầng 1.
Bên cạnh đó, trong các nhà ống có thể sử dụng lối ra ban công, lối lên sân thượng hoặc lối lên mái để thoát sang nhà hoặc công trình liền kề.
"Vì lý do an ninh nên các hộ gia đình thường trang bị nhiều lớp cửa tại cửa chính ở tầng 1, các lối thoát nạn khẩn cấp cũng được trang bị các khung sắt kiên cố tạo thành các lồng sắt bảo vệ", chuyên gia đến từ Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam phân tích.
Chuồng cọp quây kín ban công ngôi nhà bị hỏa hoạn tại quận Hà Đông, Hà Nội vào ngày 13/5.
Ông Thái cho rằng, trường hợp ngôi nhà xảy ra sự cố cháy, nổ, chính những lớp cửa và lồng sắt này sẽ khiến cho người dân ở bên trong gặp khó khăn trong việc thoát nạn hoặc không thể thoát ra ngoài.
"Để đảm bảo các điều kiện về PCCC, người dân cần lưu ý đảm bảo bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên như: lối ra ban công, lối lên sân thượng hoặc lối lên mái", ông Thái nói.
Ngoài ra, người dân cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và hướng dẫn cho tất cả thành viên sử dụng thành thạo bình chữa cháy, kể cả trẻ em.
Nếu có điều kiện thì trang bị hệ thống báo cháy, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà. Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ (xăng, dầu,…) trong nhà.
Ông Thái nhấn mạnh: "Các đồ đạc, vật dụng trong nhà phải được bố trí một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn".
Theo VietNamNet