Tựa đề Em còn nhớ hay em đã quên được đặt cho bộ phim theo tên một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuộc đời thực, và các sáng tác âm nhạc của ông, cũng chính là chất liệu để đạo diễn Nguyễn Hữu Phần viết nên kịch bản tác phẩm.

Nhân vật chính trong phim là Quang Sơn (Lê Công Tuấn Anh) - một nghệ sĩ lang thang. Rời khỏi Huế để tránh lệnh tòng quân, và cả quên đi mối tình đầu sớm bị chiến tranh chia cắt, anh trốn lên Đà Lạt.


Bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên ra đời vào năm 1992 với cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh sắm vai chính.

Tại Đà Lạt, Quang Sơn gặp Huyền My (Hoàng Hồng Nhị). Cô gái hát rong với chất giọng trời phú lập tức lọt vào mắt xanh của chàng nghệ sĩ. Anh quyết tâm dạy cô hát, để tiếng hát của cô có thể đến với đông đảo công chúng.

Huyền My trong mắt Quang Sơn vừa là cô học trò, vừa là nàng thơ, lại vừa phảng phất bóng dáng của Diễm (Trương Ngọc Ánh) - người con gái đã bỏ anh ra đi. Nhưng chàng nhạc sĩ cô độc không hề nhận ra rằng, từ thẳm sâu trái tim tưởng chừng đã nguội lạnh của mình, hạt giống tình yêu đã khe khẽ nảy mầm.

Người nghệ sĩ sống cùng những mối tình dang dở

Mở đầu Em còn nhớ hay em đã quên, Quang Sơn đến tìm Diễm. Nhưng tiếp đón anh là người vú nuôi và căn nhà vắng lặng. Diễm ra đi, để lại cho Quang Sơn một album ảnh cô, như mong muốn chàng trai mãi mãi giữ bóng hình mình.

Diễm đâu biết rằng cô để lại cho Quang Sơn cuốn album, nhưng đã lấy đi khỏi anh một nửa tâm hồn. Vì Diễm, chàng nghệ sĩ đóng chặt cánh cửa trái tim, sống đời cô độc. Anh không cho phép mình mở lòng với Huyền My - cô gái trẻ sớm đã coi anh là cả cuộc đời.


Diễm là mối tình đầu của Quang Sơn, cũng là hình bóng theo anh cả cuộc đời.

Quang Sơn đền đáp mối chân tình, hay cũng chính là bộc lộ tình cảm mình dành cho cô, bằng cách vun vén cho sự nghiệp của Huyền My. Anh đưa cô gái, từ chỗ là ca sĩ của gánh hát rong lang thang khắp Đà Lạt, trở thành một danh ca có chỗ đứng trên sân khấu riêng.

Mỗi buổi biểu diễn của Huyền My đều có Quang Sơn theo sát. Anh đứng sau cánh gà, nhìn cô bằng ánh mắt đầy tự hào và trìu mến của một người thầy, và có lẽ, của cả một người thương. Nhưng định mệnh quả trớ trêu. Khi sân khấu chưa kịp hạ màn, khi Huyền My vẫn đang say sưa hát, Quang Sơn bị bắt vì trốn lính.

Trong trại giam, nhìn thấy Huyền My thét gọi tên mình, Quang Sơn nhận ra anh yêu cô. Tình yêu ấy đồng nghĩa với việc anh phải đẩy cô ra xa khỏi cuộc đời mình mãi mãi. Bởi anh đâu thể bắt cô gái với tương lai vừa mở ra trước mắt ấy chờ đợi một kẻ chẳng còn tương lai?

Những thân phận bị giằng xé bởi chiến tranh

Em còn nhớ hay em đã quên không phải một bộ phim trực tiếp tố cáo tội ác chiến tranh, phản chiến vẫn là một mạch ngầm xuyên suốt tác phẩm. Khán giả không thấy chiến tranh hiện diện trực tiếp qua những cuộc đàn áp hay máu đổ, mà qua vết thương do nó gây ra cho cuộc đời và ảnh hưởng lên suy tư của từng nhân vật.


Huyền My là cô gái được Quang Sơn dìu dắt đến thành công. Nhưng anh không thể mở lòng với cô vì mãi nhớ nhung Diễm.

Trong lá thư tạ từ, Diễm buộc tội cuộc chiến tranh là nguyên nhân chia lìa hai người, rằng rồi đây họ sẽ chẳng còn lại gì ngoài cuộc chiến tranh mỏi mệt. Quang Sơn vì không muốn đi lính mà phải sống đời tha phương, chịu cảnh tù đày. Huyền My vì chiến tranh mà mất đi gia đình, rồi lại vì chiến tranh mà phải chấp nhận lấy một người đàn ông cô không yêu mến…

Tinh thần phản chiến của Quang Sơn cũng được thể hiện trong cảnh phim anh vừa đánh đàn vừa hát trong một phong trào sinh viên kêu gọi hòa bình. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Quang Sơn, khi anh không còn trốn chạy nữa, mà sử dụng lời ca tiếng hát để đấu tranh cho nền hòa bình mơ ước.

Cõi thực song hành cùng cõi mơ trong tâm hồn người nghệ sĩ

Em còn nhớ hay em đã quên đơn giản, không có những cao trào rắc rối. Đôi lúc, thoát ly khỏi chính câu chuyện, tác phẩm đưa khán giả vào không gian kỳ ảo đối lập với hiện tại khắc nghiệt. Đó là không gian sáng tạo âm nhạc của Quang Sơn.

Trong không gian ấy, hình ảnh của Diễm và Huyền My lúc tách biệt, lúc hòa nhập. Diễm gắn liền với không gian xứ Huế u tịch, là tà áo dài trắng giữa đầm sen xanh trong ngày nắng gắt. Còn Huyền My, cô là Đà Lạt mộng mơ, ghi dấu những ngày Quang Sơn sống đời phiêu bạt.

Bên ngoài không gian ấy, cuộc đời mỗi nhân vật cũng giống như con thuyền giấy gấp từ tờ nhạc - một hình ảnh ẩn dụ được nhắc đi nhắc lại trong phim. Ăm ắp những lời ca, nhưng tròng trành không phương hướng, nó cuối cùng sẽ bị sóng cuốn về phía biển vô cùng.


Bộ phim có những khung cảnh được dàn dựng tượng trưng cho cõi mơ của người nghệ sĩ.

Em còn nhớ hay em đã quên mở ra bằng giai điệu của Bài ca dành cho những xác người - một nhạc phẩm tiêu biểu trong chuỗi Ca khúc da vàng mang nội dung phản chiến của Trịnh Công Sơn. Xuyên suốt bộ phim, câu chuyện được kết nối bằng những sáng tác như Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Lại gần với nhau, Biết đâu nguồn cội…

Phải tới tận cuối phim, giai điệu của Em còn nhớ hay em đã quên mới cất lên, vừa như tóm tắt lại cả tác phẩm, vừa như nỗi lòng đau đáu của chàng nhạc sĩ cô độc. Liệu những người con gái ấy còn nhớ tới những nơi chốn cũ, nhớ tới những kỷ niệm xưa, và nhớ tới anh?

Giờ đây Diễm đã yên bề, tóc búi cao và tảo tần bên con nhỏ. Cô không còn là Diễm trong ảo ảnh thời thơ trẻ của Quang Sơn. Chỉ còn Huyền My, cô gái sẽ còn ở lại mãi mãi trong trái tim anh. Nhưng Huyền My đã đi về đâu? Và chính Quang Sơn, anh sẽ đi về đâu?

Hình ảnh Quang Sơn quay người, nhìn thẳng vào khán giả ở cuối bộ phim tựa như đang chờ đợi một câu trả lời. Sau bao nhiêu năm, người nghệ sĩ ấy như vẫn chờ đợi từ hậu thế câu trả lời cho câu hỏi Em còn nhớ hay em đã quên?

Theo Zing