Không thể phủ nhận Erik là một trong những ca sĩ trẻ có tiếng tăm tốt bậc nhất thị trường Vpop. Nam ca sĩ ra mắt khán giả vào năm 19 tuổi, ngay lập tức đã "bỏ túi" ca khúc từng được gọi vui là "hit quốc dân" của năm 2016 là Sau Tất Cả. Nối tiếp thành công, Erik tiếp tục định hướng bản thân đi theo con đường hát ballad.

Nhưng 6 năm trôi qua, giọng ca 25 tuổi đã có những giai đoạn trượt dài trên con dốc đã đưa mình đến với thành công, đó là ballad. Khán giả có nhiều ý kiến trái chiều về âm nhạc, kỹ năng ca hát và hiệu ứng sau mỗi ca khúc của nam ca sĩ.

Erik: Muốn giải nghệ khi khán giả chê hát như bị nghẹt mũi-1

Thậm chí, Erik còn bị mỉa mai bằng cụm từ "ông hoàng nasal" (nasal là từ chỉ cách hát sử dụng giọng mũi, không mở khẩu âm khiến âm thanh bị nghẹt và bẹt).

Đối diện những lời chê bai của khán giả, Erik thừa nhận rằng đã có thời điểm anh áp lực đến mức muốn giải nghệ.

"Có lúc tôi mất giọng, không thể hát"

- Anh quyết định trở lại với dòng nhạc ballad sau thời gian dài thử sức với các sản phẩm âm nhạc sôi động vì các ca khúc hiện đại này không mang lại hiệu quả như mong muốn?

Không đúng. Tôi trở lại với ballad chỉ vì bây giờ tôi đã tự tin, dũng cảm hơn. Tôi may mắn từng phát hành nhiều bản ballad được khán giả yêu thích và tạo dấu ấn. Nhưng sau đó, bắt đầu có những sân khấu tôi hát live không tốt, giọng hát ngày càng khiến khán giả khó chịu. Tôi mất tự tin hoàn toàn và áp lực đến mức không dám hát ballad nữa.

Thực ra, hát ballad rất khó, sẽ làm lộ ra các khuyết điểm giọng hát. Nếu tôi cứ "cố đấm ăn xôi", tiếp tục hát ballad trong thời điểm giọng hát không ổn định ấy, tôi sẽ khiến khán giả mất niềm tin vào âm nhạc của mình.

Do đó, tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đổi sang thể loại mới. Bây giờ tôi đã đi học lại thanh nhạc, rèn luyện để lấy lại một phần tự tin nên mới dám ra thêm một ca khúc ballad.

- Một ca sĩ đã vào nghề 6 năm mới có ý thức học kỹ thuật thanh nhạc nghiêm túc, anh có nghĩ mình quá vô tâm với nghề?

Thực ra việc học kỹ thuật thanh nhạc là việc các ca sĩ phải duy trì suốt đời, không ai học một thời gian rồi hoàn thiện mãi mãi. Nhưng thú thực, một mình tôi nuôi gia đình nên có khoảng thời gian tôi để bản thân trôi theo áp lực đồng tiền, dành toàn bộ thời gian chạy show kiếm tiền thay vì trau dồi kỹ thuật thanh nhạc. Chính chuyện này đã ảnh hưởng đến giọng hát của tôi.

Nghe góp ý của khán giả về việc hát hỏng và hát sai, tôi nhận ra mọi chuyện đã nghiêm trọng lắm rồi. Tôi bắt đầu hạn chế nhận show, nhất là những show hát ở phòng trà tôi đều không dám nhận, vì hát phòng trà phải live 100% nên tôi sẽ lộ ra những khuyết điểm như khán giả nói.

Hiện nay, tôi vẫn chưa lấy lại được giọng như trước đây, chỉ mới hồi phục được khoảng 50-60%. Nhưng tôi không còn thời gian để nghỉ ngơi nữa, phải tăng tốc trở lại với âm nhạc thôi.

- Anh nhận ra kỹ năng ca hát xuống cấp nghiêm trọng từ khi nào?

Có lẽ là từ cuối năm 2019 - đầu 2020. Tôi từng quên mất tài sản giá trị nhất của ca sĩ là giọng hát, mỗi người ca sĩ phải bảo vệ, duy trì giọng hát bằng mọi giá. Lúc đó, có thời điểm tôi nghĩ mình bị mất giọng, không hát được nữa.

Quá sợ hãi, tôi nói với quản lý rằng tôi là ca sĩ, tôi không thể hát nhép được, nên tôi phải đi khám bác sĩ ngay lập tức. Nhưng sau khi soi chụp, thăm khám, các bác sĩ nói với tôi rằng thanh quản của tôi không có vấn đề gì. Tôi vẫn không biết nguyên nhân nào khiến bản thân mất giọng.

Cô giáo thanh nhạc của tôi từng chia sẻ với truyền thông rằng tôi tìm đến cô trong thời điểm chỉ cần mở miệng ra hát thôi là giọng tôi đã run bần bật. Tình trạng lúc ấy nghiêm trọng đến mức tôi không kiểm soát được giọng hát nữa. Thế nên cô giáo cho tôi tập luyện lại từ đầu, một lần nữa tôi bắt đầu từ con số 0 với những bài luyện thanh cơ bản.

Erik: Muốn giải nghệ khi khán giả chê hát như bị nghẹt mũi-2

Chỉ mong được khán giả khen tiến bộ

- Anh khẳng định bản thân không thể và cũng không muốn hát nhép. Nhưng việc biểu diễn trên sân khấu với giọng hát thiếu ổn định, gặp nhiều lỗi cơ bản cũng sẽ bị quy kết là thiếu tôn trọng khán giả đấy?

Từ trước đến nay, trừ những show mà đài truyền hình yêu cầu tôi lipsync để đảm bảo chất lượng ghi hình, thì tôi mới hát nhép. Còn một khi đã nhận tiền để biểu diễn, tôi sẽ hát thật, với phần âm thanh có back-up vocal (giọng đệm nền hòa cùng beat nhạc).

Tôi nghĩ mình cần tôn trọng khán giả, vì họ bỏ tiền để đến nghe mình hát cơ mà. Nếu sức khỏe lúc đó không cho phép tôi hát live, tôi chấp nhận bỏ show còn hơn hát nhép trên sân khấu.

Nói thật tôi rất sợ khi hát nhép, nếu chẳng may trong lúc hát nhép có vấn đề gì xảy ra, như tắt nhạc chẳng hạn, thì lúc đó tôi sẽ rất "quê". Đoạn video đấy cũng sẽ "để đời" và được khán giả mang ra chê bai mãi về sau.

- Không chỉ bị chê là hát nặng âm nasal, anh còn hát không rõ lời, giọng lơ lớ. Anh phản hồi thế nào?

Cô giáo thanh nhạc của tôi cũng thắc mắc về việc tôi nói thì rõ ràng mạch lạc, nhưng cứ hát là "đớt" (cười). Tôi cũng không biết tại sao mình lại phát âm như vậy, có lẽ do tôi nghe và bị ảnh hưởng Kpop từ nhỏ chăng? Hoặc lý do gì đó tôi cũng không rõ.

Nhưng đã là khuyết điểm khán giả chỉ ra, tôi phải sửa. Khi thu âm bài mới, cô giáo thanh nhạc phải ngồi ngay bên cạnh, chỉ cần tôi "đớt" một chữ, cô sẽ cho dừng để thu âm lại toàn bộ câu hát. Đặc trưng dòng Ballad là bạn không thể thu âm từng chữ hay từng đoạn được, mà phải thu âm trọn vẹn một câu dài để có cảm xúc. Vậy nên, chỉ cần tôi phát âm sai một chữ thôi là hỏng hết.

- Có vẻ anh rất để tâm đến nhận xét của khán giả. Anh nghe theo mọi ý kiến của khán giả, không chọn lọc hay suy xét sao?

Fan luôn khen ngợi động viên tôi, anti-fan thì sẽ chỉ trích vô cớ. Tôi lựa chọn nghe theo ý kiến của khán giả trung lập.

Khán giả trung lập là những người không thích cũng không ghét tôi, họ sẽ chỉ ra cái sai mà tôi không tự nhận ra được, hay những việc tôi làm chưa tốt. Có những bản nhạc hay điều tôi rất thích nhưng lại không hợp ý của khán giả, tôi đâu nhận ra được, phải có người nói cho tôi biết chứ.

Chính những góp ý của khán giả trung lập giúp tôi tốt hơn, để tôi sửa sai. Đã như vậy, thì mất gì đâu mà tôi không nghe theo nhận xét của họ? Còn với những bình luận công kích ác ý, tôi bỏ qua, không quan tâm.

Hiện giờ, điều tôi muốn nghe thấy nhất là lời khen ngợi rằng mình đã tiến bộ rồi. Không phải là bài hát hay, hay sản phẩm được đầu tư quá, tôi chỉ mong khán giả nhận ra tôi đã nỗ lực để thay đổi, cải thiện như thế nào. Khán giả chỉ cần khen tôi thay đổi, dù chỉ một chút thôi, là tôi vui lắm rồi. Còn nếu khán giả nói tôi vẫn chưa nỗ lực đủ, chưa thay đổi được bao nhiêu, tôi càng phải cố gắng.

- Anh quyết tâm rũ bỏ biệt danh "ông hoàng nasal"?

Tôi không thể "nhai đi nhai lại", giải thích mãi chuyện mình bị xoang. Nhưng thực sự là một người bị bệnh xoang sẽ rất khó sửa hết hoàn toàn âm mũi được. Tôi vẫn đi chữa bệnh xoang đều đặn và đã chỉnh sửa được một khuyết điểm, mà vẫn chưa hết hoàn toàn lỗi hát giọng mũi, hay dính âm nasal được. Nhưng tôi nhất định cố gắng luyện tập để tiếp tục cải thiện.

"Không đi hát. tôi chẳng biết làm gì khác"

- Thời điểm không thể hát được dù kết quả khám bệnh cho thấy thanh quản hoàn toàn bình thường, anh có nghĩ đến nguyên nhân gây bệnh nào khác không, áp lực tâm lý chẳng hạn?

Có lẽ đúng. Nhưng thời điểm đó, tôi không khám bác sĩ tâm lý mà chỉ gặp bác sĩ về thanh quản. Nội soi, thăm khám thấy không vấn đề gì, nhưng tôi không thể kiểm soát nổi giọng hát của mình, hát không tài nào đúng nốt nổi. Tôi thật sự rất sợ.

Đúng thời điểm đó, khán giả bắt đầu tìm lại các đoạn video trước đây của tôi và nhận xét tôi hát hỏng, sai kỹ thuật, hát tệ... Tất nhiên những lời góp ý chân thành để tốt hơn thì tôi luôn lắng nghe. Nhưng ngoài góp ý, vẫn có những lời công kích cá nhân nghiêm trọng đến mức tôi bắt đầu nghĩ rằng mình kém cỏi vô cùng. Lúc ấy, tôi thậm chí đã nghĩ đến việc bỏ nghề.

- Anh đang đề cập đến việc bị bạo lực mạng?

Tôi từng trải qua nhiều cú sốc trong đời rồi, cũng từng làm lại từ đầu trong sự nghiệp. Nhưng tất cả đều không thể so với việc mất giọng, mất sự tự tin khi hát. Chuyện này nghiêm trọng hơn rất nhiều, vì tôi đánh mất tài nguyên quý giá nhất của người nghệ sĩ. Bị chỉ trích nặng nề trên mạng càng khiến tôi suy nghĩ về việc đổi sang nghề nào ít áp lực hơn.

Nhưng rồi tôi nhớ ngày đầu tiên chuyển vào TP.HCM gây dựng sự nghiệp, tôi chỉ có 3 triệu đồng trong túi để xoay xở cuộc sống. Thế mà tôi quyết không bỏ cuộc, vì tôi đam mê ca hát quá, và tôi còn gia đình trên vai nữa. Vậy nên, tôi biết mình không thể bỏ ngang được. Còn nước còn tát, còn cách cứu vãn thì tôi sẽ thử hết, miễn là còn làm nghề được.

- Giả dụ nhé, nếu lúc ấy thực sự không chịu nổi áp lực dư luận nữa, phương án hai của anh là gì?

Phải nói thật là không làm nghệ thuật tôi cũng không biết làm nghề gì, vì ngay cả đại học tôi cũng học trường về nghệ thuật. Nhưng nghề này bạc lắm, nghệ sĩ có thời thôi, nên tôi phải có phương án dự phòng cho cuộc đời mình chứ.

Đến một ngày, khi khán giả không còn chờ đợi sản phẩm âm nhạc, bước chân lên sân khấu mà không còn ai lắng nghe và ủng hộ nữa, tôi sẽ dừng lại. Tôi không phải người cố chấp đâu, tôi chấp nhận được việc mình sẽ có lúc phải dừng lại sự nghiệp nghệ thuật.

- Ở tuổi 25, người khác nói về tương lai phát triển còn anh lại nghĩ đến khoảnh khắc chạm đến cuối con đường sự nghiệp. Anh đang già trước tuổi nhiều quá chăng?

Khá lâu về trước, tôi từng có buổi họp lớp với bạn cấp 3. Gặp nhau rồi tôi mới nhận ra các bạn còn hồn nhiên lắm, vẫn đang đi học và ôm nhiều giấc mơ, hoài bão mà. Còn tôi, tôi phải lo nghĩ, gánh vác quá nhiều.

Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy tủi thân chứ. Nhưng gánh nặng của tôi quá nhiều, mà sự nghiệp của tôi có giai đoạn, thời điểm nhất định thôi, nếu không biết chớp lấy thời cơ thì sau này muốn có lại cũng không được.

Vậy nên tôi nói với bản thân rằng thôi thà mình cố gắng bây giờ, vất vả hơn mọi người ở tuổi trẻ một chút để sau này an ổn. Các bạn còn có nghề nghiệp, chuyên môn khác, còn tôi chỉ có giọng hát thôi. Tôi đã cố được đến bây giờ rồi, đánh đổi tuổi trẻ, tự do và sự hồn nhiên cũng đã đánh đổi rồi. Đã là nghệ sĩ, ai cũng phải đánh đổi thôi. Có điều, với tôi, sự đánh đổi này xứng đáng.

Theo Zing