Đây là một trong những đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch huy động các nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, diễn ra sáng 12/12, tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết, năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá khí, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá than tăng 600% so với đầu năm 2021; trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ ổn định từ năm 2019 đến nay.

Do nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố nêu trên, theo ông Nhân, tình hình tài chính EVN năm 2022 và thời gian tới có rất nhiều khó khăn.

EVN kiến nghị điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu-1
EVN kiến nghị điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu (Ảnh: Phạm Hải)

Lãnh đạo EVN cảnh báo, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng vô cùng khó khăn.

"Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Chính vì vậy, để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu", Tổng giám đốc EVN kiến nghị.

Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giao EVN và các tổng công ty phát điện triển khai các dự án nguồn điện quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời, tập đoàn này kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng vì an ninh quốc gia thuộc danh mục ưu tiên của Nhà nước được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng.

Ngoài ra, EVN kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện đảm bảo việc cung ứng điện trong những năm tới.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao vai trò của 19 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có EVN, đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân thời gian qua.

Ông yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng có trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn thị trường, bảo đảm nhu cầu về điện cho sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh.

Theo Vietnammet