Biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh khiến Việt Nam có hơn 1,8 triệu người bị lây nhiễm trong đợt dịch Covid-19 lần 4. Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đa số F0 không triệu chứng, biểu hiện nhẹ, đặc biệt ở nhóm người trẻ, khỏe, không bệnh lý nền.
Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người có suy nghĩ chủ quan và lầm tưởng rằng sau khi vượt qua giai đoạn mắc Covid-19, cơ thể sẽ có miễn dịch bền vững và không cần thiết phải tiếp tục nghiêm túc 5K.
"Nhiều người động viên tôi sau khi khỏi Covid-19 sẽ bất tử!"
Mai Nguyễn (27 tuổi, TP.HCM) không may mắc Covid-19 sau chuyến đi từ quê nhà về lại TP.HCM. Nữ nhân viên văn phòng không xác định được lây nhiễm SARS-CoV-2 khi nào và nguồn bệnh từ đâu.
"Suốt nhiều ngày tôi sống trong lo lắng, thường xuyên gọi về nhà thuyết phục ông bà, ba mẹ test nhanh. May mắn mọi người đều âm tính. Tôi có triệu chứng bệnh rất nhẹ nên giấu gia đình, tự điều trị tại nhà", Mai Nguyễn chia sẻ.
Mai Nguyễn lo lắng vì tóc rụng ngày càng nhiều sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: NVCC.
Nhiều bạn bè của Mai ở TP.HCM khi biết tin đã liên tục tục hỏi thăm, tiếp tế thực phẩm, vitamin. Mai Nguyễn chia sẻ khi tự điều trị tại nhà, lúc nói chuyện qua điện thoại nhiều hay đi cầu thang bộ thường bị hụt hơi. Cô chủ động mua thêm máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) và tập thở theo bài hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Bạn bè và nhiều người khác động viên tôi sau khi khỏi Covid-19 thì sẽ bất tử. Thú thật, tôi cũng từng nghĩ như thế, nhưng hiện tại thì không. Hậu Covid-19 trở thành nỗi lo lắng tiếp theo, còn đáng sợ hơn cả những lần hụt hơi sau khi leo thang bộ", cô nói.
Một tuần sau khi âm tính, Mai bắt đầu thấy tóc rụng nhiều hơn. Không chỉ lúc tắm gội, ngay cả sàn nhà, giường, chăn gối cũng vương rất nhiều tóc.
"Lúc này, tôi thật sự hoảng, nghĩ ngay đến do uống nhiều kháng sinh và hậu Covid-19 vì trước nay không bị rụng tóc", Mai Nguyễn nói và dự định sẽ đi khám bác sĩ nếu tình trạng không cải thiện.
Mỹ Dung (30 tuổi, Bình Dương) mắc Covid-19 từ giữa tháng 12 và may mắn trải qua quá trình tự điều trị nhẹ nhàng.
"Nhưng ác mộng bắt đầu sau khi khỏi bệnh, tôi không thể nào ngủ được. Nhiều bạn bè lâu ngày gặp lại nhìn tôi xót xa vì mắt thâm quầng, da dẻ cũng không còn hồng hào", chị chia sẻ.
Những người này đều không tin khái niệm miễn nhiễm hoàn toàn mà nhiều người tin tưởng sau khi khỏi Covid-19. Cô khẳng định bản thân vẫn tiếp tục 5K theo quy định. Tuy nhiên, tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn khi giao tiếp, sinh hoạt hay đến nơi đông người.
"Không có chuyện miễn nhiễm hoàn toàn sau khi khỏi Covid-19"
ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin nhiều người cho rằng bệnh nhân khỏi Covid-19 sẽ có kháng thể miễn nhiễm với SARS-CoV-2 hay biến chủng mới.
"Sau khi khỏi bệnh tương tự việc chúng ta có thêm một lần kháng thể. Ngoài ra, chưa có bài báo khoa học nào trên thế giới xác định rằng sự tương tác giữa kháng thể có được sau khi nhiễm bệnh tự nhiên và kháng thể có được sau khi chủng ngừa có thể đối phó được với tất cả biến chủng của SARS-CoV-2. Do đó, không có chuyện miễn nhiễm hoàn toàn sau khi khỏi Covid-19", bác sĩ Vân Anh chia sẻ.
Chuyên gia này khuyến cáo người dân không nên chủ quan vào thông tin này và truyền tai nhau, sau đó lơ là để bản thân lây nhiễm.
Một bệnh nhân đang được thở oxy tại Bệnh viện Dã chiến Covid-19 Bình Chánh số 1 hồi tháng 9. Ảnh: Duy Hiệu.
BSCKI Phạm Hữu Tiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện quận Bình Thạnh (TP.HCM), cũng nhấn mạnh việc người khỏi bệnh vẫn còn nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19.
"Đa số người trẻ, khỏe sẽ dần dần ổn định sức khỏe trong thời gian ngắn. Một số ít trường hợp gặp di chứng hậu Covid-19 nặng hơn, cần điều trị kéo dài. Tuy nhiên, người khỏi bệnh cần nghỉ ngơi, chú ý dinh dưỡng và vận động, không nên đọc các thông tin có yếu tố 'dọa dẫm' trên mạng xã hội và gây nên tâm lý sợ hãi", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo ông, sau khi khỏi bệnh vài tuần đến vài tháng, cơ thể sinh lượng kháng thể rất nhiều. Tuy nhiên, lượng kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian nên không thể chủ quan. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không loại trừ trường hợp dương tính giả hoặc sai sót trong kết quả test nhanh.
Lý giải rõ hơn điều này, bác sĩ Tiến cho rằng trong giai đoạn bùng phát dịch, ngành y tế dựa vào test nhanh kháng nguyên để chẩn đoán và kịp thời cách ly, theo dõi, điều trị F0, kể cả chấp nhận kết quả người dân tự làm.
Điều này dễ dẫn đến một số trường hợp có thể dương giả (do kỹ thuật, chất lượng test nhanh hoặc có thể do bệnh khác).
"Nhiều người nghĩ rằng bản thân từng là F0 nhưng thực tế có thể chưa phải. Do đó, người khỏi Covid-19 tốt nhất vẫn chấp nhận nghiêm túc thông điệp 5K và tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo thống kê của Trung tâm Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu hậu Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), tính đến nay, đơn vị này tiếp nhận khoảng 300 trường hợp F0 khỏi bệnh đến khám do các vấn đề tâm lý và hô hấp.
Trong số các bệnh nhân đến khám, khoảng 80% F0 khỏi bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm (66%), xơ phổi (61%), mất ngủ (45%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%)… có xu hướng kéo dài hơn 4 tuần, thậm chí nhiều tháng.
Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho biết thời gian qua, số trường hợp F0 khỏi bệnh đến khám hậu Covid-19 tại đơn vị này có xu hướng tăng.
TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết nếu triệu chứng vẫn còn dai dẳng sau 4 tuần kể từ khi mắc Covid-19, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, F0 khỏi bệnh cần tăng cường sức khỏe như uống nhiều nước và rau quả, tập thể dục điều đặn, tập thở... để hạn chế các ảnh hưởng của các triệu chứng hậu Covid-19.
Theo Zing