Thôi chết em rồi, nhà em bán hàng mà!

Sáng ngày 6/12, Nguyễn Minh Thùy, phóng viên tại Hà Nội “chào ngày mới” bằng một tràng hắt xì. Mới trở về từ Nha Trang nên cô “nghi nghi” liền lấy máy gọi cho bác sĩ quen và được tư vấn test nhanh sau 3, 7 ngày kể từ ngày kết thúc chuyến công tác.

Không chờ đợi, ngay chiều đó, Thuỳ đi test. Gần 22h đêm, cô nhận tin từ nhân viên y tế thông báo “chị dương tính rồi”.

“Tai từ đó cứ ù ù luôn. Từ giây phút đó là tự nhốt mình trong phòng. Nhắn tin cho chồng thông báo, dặn dò. Không hiểu sốc hay nghĩ 'lại một cú lừa' mà chàng không đáp gì”, Thuỳ kể lại.

Ngay sau đó, cô nhắn tin cho sếp báo tình hình lòng đầy áy náy. Cô bảo lo nhất là một đồng nghiệp ngồi bên cạnh đang bầu bí. Qua một đêm, sáng dậy cô bắt đầu nhớ lại đã gặp những ai để báo cho mọi người chuẩn bị, hạn chế tiếp xúc...

Cùng ngày hôm đó, y tế địa phương cũng gọi điện báo gia đình Thuỳ đi lấy mẫu xét nghiệm PCR. Test nhanh ban đầu mình cô cho kết quả dương tính, còn lại 3 bố con vẫn âm. Sau đó, cả nhà được lấy mẫu PCR.

F0 ở Hà Nội xin đi tập trung dù đủ điều kiện ở nhà-1
Nơi Minh Thuỳ được theo dõi sức khoẻ tập trung 

Thời gian thông báo kết quả khẳng định không được ấn định cụ thể cũng là khoảng thời gian cô “rối bời”. “Từ giây phút đó, lòng mình như có ai thả trộm cái quả cân (tạ) vào. Về nhà chui ngay vào xó. Ừ, vẫn phải làm việc tiếp chứ. Rồi, dương thì dương”, Thuỳ tự an ủi.

Tự nhủ lòng như thế nhưng hàng trăm câu hỏi nhảy múa trong đầu Thuỳ. “Lo sợ có thay đổi được gì đâu. Mà mình sợ gì? Bị bệnh? Không, mình tin là sẽ vượt qua, không có gì đáng sợ cả.

Nhưng nếu mình dương tính thật, chồng mình, con mình, công ty và đồng nghiệp của mình, những người anh chị, người bạn trong nhóm công tác, những người vô tình liên quan… sẽ thế nào? Rồi nhỡ trong số những người đó có ai bị lây thì sao? Vô số câu hỏi xuất hiện.

Rồi, bắt đầu viết lại lịch trình 10 ngày đã qua. Những ai cần báo đã báo rồi. Cảm thấy có lỗi với mọi người thật nhiều.

Những lời đáp cũng thật bất ngờ: 'Ừ, không sao đâu em, kết quả sao thì cũng đừng lo quá nhé'; 'Thế à em, thôi dịch bệnh mà, có kết quả báo chị'; 'Thế à chị ơi, thôi chết em rồi, nhà em bán hàng mà'; 'Ối chị ơi, chị đừng có khai em ra nhé, không có chết nhà em'…  Ngậm ngùi!”, Thuỳ kể lại.

Mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều

Đến nay đã hơn 2 tuần Nguyễn Minh Thuỳ, phóng viên tại Hà Nội biết tin “2 vạch”. Khoảng thời gian đó thật nhiều cảm xúc thăng trầm với cô. Hiện Thuỳ đã kết thúc đợt “trị liệu” và được về nhà từ tối thứ 7, đang tự cách ly tiếp tại nhà.

Trong suốt thời gian trở thành F0, Thuỳ cho biết ngoài việc phải vào khu cách ly tập trung và xa gia đình, nơi làm việc thì mọi nếp sinh hoạt của cô vẫn diễn ra y như cũ: Từ nhịp ăn ngủ tới làm việc.

“Có một điều duy nhất mình chú ý hơn là tập thở mỗi ngày, khi vừa thức dậy, lúc trước khi ngủ hay bất cứ lúc nào cảm thấy mệt, nản - mỗi lần chỉ khoảng vài phút.

Mình nghĩ, Covid cũng chỉ là bệnh do virus nên với những người trẻ khỏe và đã được tiêm phòng, nếu tình trạng nhẹ thì để cho cơ thể có cơ hội tự chiến đấu, có triệu chứng gì thì chữa triệu chứng đó thôi, không có gì đáng sợ hay phải xoay sở thuốc thang…”, cô tâm sự.

F0 ở Hà Nội xin đi tập trung dù đủ điều kiện ở nhà-2
Bữa ăn của bệnh nhân F0 tại cơ sở thu dung tập trung 

Theo cô, khoảng thời gian sau nhận kết quả và trước khi đi cách ly mới mông lung suy nghĩ chứ tới đây rồi - ở cùng những người đều giống mình - thì mọi thứ đơn giản hơn nhiều.

Trong mọi tình huống không ngờ và không mong đợi thì chắc việc suy nghĩ tích cực và bình tĩnh vẫn quan trọng nhất.

Ban đầu Thuỳ cũng đọc đủ thứ rồi tính xin cách ly ở nhà khi biết mình đủ điều kiện, nhưng sau ngẫm lại thấy đi cách ly cũng có nhiều ưu điểm.

"Mình cách biệt hẳn ra, coi như vừa đỡ nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, mọi người xung quanh, tâm lý hàng xóm láng giềng cũng thoải mái, đỡ lo hơn. Đến nơi mọi người cùng F0 như mình dễ chia sẻ, đồng cảm, hỗ trợ nhau…", Minh Thuỳ cho biết.

Trong thời gian đợi để đến khu cách ly, Thuỳ cho rằng “không cần sốt ruột”, “cứ làm mọi thứ mình cần, chuẩn bị sẵn sàng, nhân viên y tế tới khi nào thì tới”.

Tại khu cách ly Thuỳ ở được phát sẵn chậu nhỏ, bàn chải, kem đánh răng, cốc đánh răng, chăn phao mỏng, ga mỏng giường đơn, túi xà phòng nhỏ mà không thấy phát loại thuốc nào.

Do đó, với kinh nghiệm của bản thân Thuỳ cho rằng ngoài các đồ vệ sinh cơ bản, nên đem thêm một chai nước rửa tay diệt khuẩn, một gói giấy ăn, 1 dao nhỏ (có thể gọt trái cây hay cắt đầu mở lọ nhỏ mũi, lọ nước muối…); một bình siêu tốc, một cốc/bình giữ nhiệt (để có thể uống nước ấm thường xuyên), 4-5 chiếc móc, kẹp để phơi đồ, máy sấy tóc (ngoài sấy tóc còn sấy khô đồ trước khi mặc, sấy ấm nóng chăn gối trước khi nằm…).

Quần áo nên mang ít thôi - đồ dài, thoải mái dễ chịu mình hay mặc ở nhà, thêm vài món giữ ấm, khăn, bít tất…

Ngoài ra, mọi người nên chuẩn bị thêm viên vitamin tổng hợp (nếu thấy cần), nước muối sinh lý nhỏ mũi, nước muối súc miệng họng, đồ bồi bổ nếu có, thuốc ho/viên ngậm thảo dược, lọ dầu gió/dầu tràm, ít đồ ăn khô (nếu cần); một số loại trái cây giàu vitamin C có thể để ăn dần; một số loại thuốc phòng những bệnh hay gặp…

Mang thêm một chai nước 1,5l phòng trường hợp tới đêm trước thì tối hôm sau phòng mới có một bình nước lọc 20l. Thêm chanh, sả gừng… trong trường hợp muốn đun nước xông.

“Nếu phải làm việc online thì máy  tính, sạc pin, cục phát wifi…, tai nghe (rất cần, vì trong này nhiều loại âm thanh lắm). Có thể mang một vài cuốn sách hay cái gì vốn là thú vui ngày thường mình vẫn thực hiện.

Nói chung cũng không phải lo lắng sợ thiếu thốn. Trong này mọi người hỗ trợ nhau, thiếu có thể mượn hoặc gửi gắm nhờ người mang vào giúp”, Thuỳ chia sẻ.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm “bỏ túi” của cô thì điều quan trọng nhất là hiểu về bệnh, hiểu tình trạng sức khỏe của mình, lắng nghe cơ thể và bình tâm.

“Nên có số của một bác sĩ để sẵn sàng hỏi khi cần. Và nếu dùng thuốc thì phải theo hướng dẫn của bác sĩ chứ không nên nghe ngóng, áp dụng đơn của người khác”, Thuỳ thông tin.

Theo Vietnamnet